Ngày 6/12 vừa rồi, tôi có tham dự Lễ ra mắt cuốn sách "Tật xấu người Việt" của nhà văn Di Li. Tầng 10 và sân thượng của một khách sạn trên phố Tạ Hiện hôm ấy chật kín khách mời, lần đầu tiên tôi được gặp ngoài đời thực những nhân vật mà bình thường chỉ thấy trên TV, báo mạng (thú thực, từ lâu rồi tôi không đọc báo giấy) hoặc các ứng dụng Internet.
Ngồi ở góc trong cùng, tôi theo dõi những phát biểu và phần giao lưu của tác giả với các khách mời nhưng thi thoảng vẫn mở điện thoại, lúc thì chụp một vài tấm ảnh, lúc thì kiểm tra tin nhắn vì chuẩn bị vào mùa thi, sinh viên ngày nào cũng "cô ơi!" bất kể thời gian.
Lâu lâu tôi lại ghé vào VnExpress để xem có thông báo mới không, chẳng là trước đó tôi có để lại bình luận dưới một bài viết của tác giả Hoàng Anh Tú liên quan đến vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang, tôi muốn xem bình luận của mình liệu có được đăng lên và nhận được sự đồng tình của các độc giả khác hay không.
Lúc MC đặt câu hỏi với tác giả rằng khi viết về tật xấu của người Việt, nội dung nào khiến cô cảm thấy đau đớn nhất, DiLi trả lời: Đó là những tật xấu liên quan đến giáo dục, DiLi cũng là cô giáo, và DiLi cho rằng nguồn cơn của những tật xấu trong các lĩnh vực khác có căn nguyên sâu xa từ giáo dục mà ra.
Vốn là người mau nước mắt, ngay lập tức mắt tôi ngập nước, mọi thứ xung quanh mờ nhòe đi giống như hình ảnh cô giáo ở Tuyên Quang đứng nép vào tường giơ điện thoại lên trước một đám học sinh của chính cô đang sấn sổ tấn công cô bằng nhiều cách trong những bức ảnh cắt ra từ clip đã được các báo làm mờ.
Đã gần một tuần trôi qua, hôm nay gõ vào ô tìm kiếm cụm từ "cô giáo ở Tuyên Quang", Google cho ra 197.000.000 kết quả trong vòng 0.40 giây. Đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lên tiếng, Sở Giáo dục và Đào tạo Tuyên Quang đã ra văn bản chỉ đạo, Hiệu trưởng trường THCS nơi xảy ra sự việc đã bị tạm đình chỉ công tác... và dư luận vẫn tiếp tục sục sôi tranh cãi xem nguyên nhân dẫn đến sự việc đó do đâu và cần làm gì với đám trẻ có hành vi sai quấy trong vụ việc.
Là giáo viên có hơn 20 năm đứng trên bục giảng, từng dạy học cho các đối tượng từ học sinh THPT, học sinh trung cấp, sinh viên cao đẳng, đại học, học viên liên thông, tại chức và cả học sinh 9+, tôi tự cho rằng bản thân có một tệp trải nghiệm tương đối đa dạng, phong phú về cái gọi là nghề dạy học.
Hơn 20 năm với 2 lần thay sách giáo khoa, nhiều lần đổi mới phương pháp dạy học, đánh giá, thi cử dành cho bậc học phổ thông, bản thân tôi cũng có nhiều thay đổi trong cách tiếp cận hoạt động dạy học, nhưng có một quan điểm tôi luôn khẳng định ở mọi diễn đàn (ít nhất cho đến thời điểm này) đó là trẻ con không bao giờ tự hư, trẻ con hư là do người lớn, trước tiên là người lớn trong gia đình.
Lúc trẻ chưa đi học, suy nghĩ cố hữu của nhiều bậc bố mẹ, ông bà khi trẻ có hành vi sai quấy đó là: Chúng nó còn trẻ con đã biết cái gì. Ơ, chưa biết cái gì thì mới phải dạy, chứ biết rồi thì còn nói làm gì, mà dạy thì có nhiều cấp độ, chỉ dẫn nhẹ nhàng mà trẻ tiếp thu được thì không cần răn đe nghiêm khắc, răn đe bằng lời nói mà hiệu quả thì không cần đến hình phạt, phạt nhẹ mà nghe thì không cần phạt nặng. Và tôi áp dụng phương châm đó không chỉ với con mà còn với cả học trò của mình. 15 năm đầu tiên, tôi tương đối thành công, trong đó có 10 năm dạy học trung học phổ thông và 5 năm dạy hệ cao đẳng.
Nhưng từ năm 2015 đến nay, khi công tác tuyển sinh ngày càng khó khăn và trường cao đẳng nơi tôi công tác bắt đầu phải tuyển sinh, đào tạo trình độ trung cấp đồng thời dạy văn hóa chương trình GDTX cho học sinh tốt nghiệp lớp 9 thì việc dạy học mỗi ngày thực sự trở thành một cuộc chiến. Tôi nhớ mình đã từng thường xuyên thức rất khuya để soạn giáo án PPT môn Lịch sử (Trước đó tôi dạy Triết học cho sinh viên), cố gắng sưu tầm những tư liệu hấp dẫn nhất, những trò chơi lý thú nhất để đưa vào bài giảng của mình, tôi còn xem sinh nhật của học sinh nào mà đúng vào hôm tôi có giờ để thêm một slide chúc mừng sinh nhật vào cuối buổi; rồi cái slide cuối cùng "Cảm ơn các con đã chú ý lắng nghe!", "Cảm ơn các con đã học tập tích cực!" hoặc đơn giản là "Thank you!" tôi cũng phải sửa đi sửa lại, vì tôi muốn đem đến cho các con những gì tốt nhất trong khả năng của mình và điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường.
Nhưng đến khi tôi lên lớp thì hỡi ôi, 1/3 học sinh trong lớp không có sách giáo khoa, không có vở ghi, không ghi bài, nghịch điện thoại, nói chuyện riêng, ngủ... Như vậy thì đương nhiên tôi không thể dạy học được, tôi phải nhắc nhở học sinh, yêu cầu em này phải thế này, em kia phải thế nọ, và thời gian đáng ra phải dành cho việc dạy học cứ thế trôi đi, trong khi mỗi tiết học chỉ có 45 phút.
Hậu quả là bao nhiêu trò chơi, bao nhiêu hoạt động tôi muốn tổ chức cho học sinh không thể thực hiện được, chẳng mấy khi tôi chiếu đến được cái slide cuối cùng, mà như thế lại hóa hay, bởi chúng có chú ý lắng nghe hay học tập tích cực đâu mà được nhận lời cảm ơn. Hôm sau lên lớp kiểm tra bài cũ, gọi bao nhiêu lượt học sinh thì bấy nhiêu lượt không học bài, câu hỏi ngắn cũng chẳng đứa nào thèm trả lời, và 1/3 lại tiếp tục không sách, không vở, không ghi chép, nói chuyện riêng, nghịch điện thoại...
Sổ đầu bài chẳng có đủ chỗ cho mà ghi, tôi tự làm lấy một cái phiếu đặt tên là Phiếu phản ánh tình hình học sinh, tôi ghi vào đấy tình hình học sinh trong tiết học của tôi, cụ thể những trường hợp vi phạm nội quy và chuyển cho giáo viên chủ nhiệm sau mỗi buổi học.
Giáo viên chủ nhiệm cũng phạt học sinh đi trực nhật (Trường tôi nhiều cây, quét lá quanh năm không hết), dọn nhà vệ sinh, tưới cây, nhổ cỏ... đủ cả. Nhưng sau đó chính Ban Giám hiệu yêu cầu phải cho học sinh vào học, với lý do chúng đến trường để học, các thầy cô phải có biện pháp "như thế nào đấy" chứ cứ bắt chúng đi lao động mãi thế nào được. Kể cũng đúng, lãnh đạo mà đã nói thì có bao giờ sai, chỉ có điều lãnh đạo có bao giờ lên lớp đâu mà biết, và cái biện pháp "như thế nào đấy" lãnh đọa cũng chẳng bảo cho chúng tôi. Và thế là con số 1/3 học sinh vi phạm nội quy lúc ban đầu cứ thế tăng dần lên theo thời gian.
Bao nhiêu lần tọa đàm, hội thảo, hết cấp khoa đến cấp trường, hàng chục ý kiến được nêu ra, giáo viên trực tiếp đứng lớp chỉ tha thiết đề nghị một điều, đó là cho chúng tôi được mời học sinh lười học, quậy phá ra khỏi lớp, nhà trường phân công một cán bộ trực, có trách nhiệm trông nom, quản lý những học sinh cá biệt ấy hộ chúng tôi, mỗi giáo viên bộ môn sẽ giao nhiệm vụ để học sinh đó làm và có cách thức hỗ trợ, kiểm tra, đánh giá phù hợp... mục đích là để khỏi ảnh hưởng đến học sinh khác, nhưng đề xuất ấy không được chấp nhận.
Mọi người biết cảm giác lúc ấy ra sao không, so sánh hơi khập khiễng nhưng nó giống như mình nhìn thấy trên giàn khoai tây giống có một củ có vấn đề, mình muốn nhặt riêng ra để xử lý, duy trì khả năng nảy mầm cho nó và quan trọng nhất là bảo vệ những củ bình thường, nhưng không được phép, mình phải giương mắt nhìn củ khoai tây ấy thối dần từng ngày và thối lan sang những củ bên cạnh.
Theo Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 thì học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỉ luật theo các hình thức sau đây: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn. Còn Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT ngày 15/9/2020 thì quy định 3 cấp độ xử lý: Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm; Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm; Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Nhưng trong thực tế 8 năm nay, tôi vận dụng tối đa mọi kỹ năng, nghiệp vụ và kinh nghiệm, từ dỗ dành đến dọa dẫm, lúc nhẹ nhàng lúc căng thẳng, chỉ mong uốn nắn các em vào khuôn khổ. Nhắc nhở, quát tháo, bắt đứng vào xó lớp, cáu lên xách tai, phát vào lưng, bắt chống đẩy, thụt đầu, quất vào mông... chẳng có việc gì là tôi chưa từng làm với học sinh cá biệt của mình, và theo quy định trong hai Thông tư trên tôi là người vi phạm.
Mấy năm gần đây, học sinh đi học đứa nào cũng lăm lăm smart phone, sợ bị chúng quay clip bóc phốt nên tôi chẳng làm thế nữa, tôi chọn cách mặc kệ.
Suốt 8 năm này, giáo viên trường tôi phải ra rả trên lớp trong khi học sinh thích học thì học, không thích học cũng chẳng làm sao. Mà học sinh Giáo dục thường xuyên (GDTX), nhiều đứa đến lớp 11 còn chưa thuộc bảng cửu chương, chưa biết quy đồng mẫu số, nhiều đứa đọc thành tiếng còn ngắc ngứ... làm gì được mấy đứa thích học.
Tôi viết ra trải nghiệm của bản thân tôi, và tôi tin đây cũng là cảm nhận của giáo viên trường tôi và một số cơ sở giáo dục khác có cùng đối tượng người học. Điều tôi muốn nói đến ở đấy là chúng ta đang trao cho học sinh quá nhiều quyền lợi, trong khi chúng ta không hướng dẫn cho chúng cách thức sử dụng quyền đó ra sao. Trong khi thầy cô bị tước đoạt gần như toàn bộ công cụ để có thể uốn nắn, giáo dục học sinh vào khuôn khổ thì đám đông cực kỳ hung hãn có tên gọi là "Cư dân mạng" trong nhiều năm liền lại tích cực cổ súy cho những lý thuyết (nửa vời) kiểu như "giáo dục khai phóng", "kỷ luật không nước mắt", "Không có học sinh dốt chỉ có thầy chưa giỏi"... Và hậu quả như chúng ta thấy, bạo lực học đường ngày càng trầm trọng, học sinh không chỉ đánh lẫn nhau mà còn tấn công cả thầy cô.
Nhớ hôm 20/11, con gái tôi nhìn mẹ mặc áo dài chuẩn bị đến trường, nó bảo: Chính ra nghề giáo của mẹ hoành tráng, ngày 20/11 thành sự kiện toàn dân luôn, chứ bộ đội, công an, bác sĩ, doanh nhân, nhà báo, luật sư...làm gì được thế. Tôi bảo: Vì nhà nào cũng có người đang đi học, và người lớn thì ai cũng đã từng là học trò. Nó cười: Thì mẹ cứ nghĩ là người ta chửi trừ mẹ ra là được chứ gì. Tôi cũng cười với con: Chị lại còn phả dạy khôn mẹ cơ, mẹ dùng liệu pháp ấy lâu rồi, nếu không, chắc mẹ đã bỏ nghề.
Tôi tếu táo với con vậy thôi, chứ thực ra tôi buồn lắm. Vụ việc cô giáo ở Tuyên Quang rồi sẽ lắng xuống sau một vài tuần nữa giống như nhiều vụ việc khác. Nhưng nỗi đau này chắc sẽ còn dai dẳng mãi. Và tôi chợt nghĩ, sắp hết năm rồi, bình thường các bộ ngành sẽ chọn ra top các sự kiện tiêu biểu trong năm, trong đó đa số là các nội dung liên quan đến thành tựu, nhưng có lẽ nên thêm một danh mục nữa, để điểm lại những sự kiện không như mong muốn hoặc những vấn đề tồn tại, bất cập, và tên gọi danh mục đó của ngành giáo dục năm nay sẽ có tên là "Những nỗi đau năm 2023".
Nguyễn Thanh Nga (Giáo viên)
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.