Trước khi tan giờ làm, chị Hải Vân, sống tại quận Nam Từ Liêm, đã biết tin học sinh lớp 1-6 ở Hà Nội sẽ trở lại trường từ 6/4. Nhưng người mẹ 35 tuổi cũng không tưởng tượng hết sự hồ hởi của cô con gái học lớp ba. Bé nhanh nhảu khoe thêm chuyện được cô thông báo trong giờ học online buổi chiều; rồi tất bật chuẩn bị sách vở, đồng phục cho buổi đến lớp đầu tiên trong năm học đã sắp kết thúc này.
Sau bữa cơm tối, không yêu cầu con làm bài tập như mọi hôm, chị Vân nhắc con kiểm tra lại đồ dùng học tập, để kịp mua bổ sung những vật dụng còn thiếu. Con gái mới được kết nạp vào Đội tuần trước, chưa nhớ cách đeo khăn quàng đỏ nên chị ngồi hướng dẫn con từng bước. Cô bé còn xin mẹ cho mua hình dán (sticker) để tặng hai người bạn thân trong ngày đầu trở lại trường.
"Dù thuận lợi hơn các gia đình khác vì có bà ở nhà trông nom con học online, tôi mong ngày này từ lâu", chị Vân nói. Với chị, học trực tuyến chỉ là giải pháp tạm thời và tiềm ẩn nhiều ảnh hưởng tiêu cực liên quan đến sức khỏe tâm thần và việc học của con. Chị mong cậu con trai 4 tuổi cũng được đến trường trực tiếp từ tuần tới.
Chung tâm trạng, sau khi kết thúc bữa cơm tối, chị Lê Thúy Liễu, 33 tuổi, hồ hởi dẫn con gái lớp 3 đi mua thêm quần, áo để mặc đi học. Trong 11 tháng ở nhà, cô bé đã cao và lớn hơn, nên đồ bị chật và ngắn đi nhiều. Vừa được mua đồ mới, lại sắp được đến trường, cô bé tíu tít suốt dọc đường đi. Em dự định mang vài bức tranh, "thành quả" của những ngày ở nhà, đến khoe với ba người bạn thân trong buổi học đầu tiên.
"Nhìn con vui, tôi cũng rất phấn khởi, mừng đến rơi nước mắt", chị Liễu nói. Trước đó trong cuộc khảo sát của trường, chị Liễu cũng nhanh chóng chọn "Đồng ý" khi được hỏi về việc cho con học trực tiếp.
Gần một năm trẻ mầm non, học sinh lớp 1-6 ở nội thành dừng đến trường, hai con gái 4 tuổi và lớp 3 của chị chỉ quanh quẩn trong nhà, không có hoạt động giải trí nào ngoài điện thoại, máy tính bảng. "Các con bí bách, buồn chán và thường xuyên có tâm trạng, cảm xúc tiêu cực. Do đó, khi nhận thông báo đi học, tôi còn thấy nhẹ nhõm. Mong con út cũng sớm được đến lớp", chị Liễu kể.
Trong hai ngày 2-3/4, Sở Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức khảo sát phụ huynh lớp 1-6 về việc cho con trở lại trường. Kết quả, hơn 75% ý kiến đồng thuận, nhiều quận, huyện có tỷ lệ nhất trí trên 90%. Sở nhận định, hiện nay tình hình Covid-19 tại thành phố đã có chuyển biến tích cực, số F0 là học sinh, giáo viên giảm mạnh.
Chiều 4/4, Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho biết, tính đến 6/4, cấp tiểu học ở toàn bộ 63 tỉnh thành trên cả nước đều cho học sinh đến trường trực tiếp. Hà Nội là địa phương giữ trẻ dưới 12 tuổi ở nhà lâu nhất. Sự chờ đợi dài ngày (kể từ tháng 4/2021) khiến niềm vui đi học lại của học trò và phụ huynh Hà Nội nhân lên gấp bội.
Không chỉ học sinh và gia đình, các nhà trường cũng phấn khởi trước quyết định của thành phố.
Ngay trong chiều 4/4, ông Nguyễn Quang Tùng, hiệu trưởng THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, cho biết hàng loạt tin nhắn được chia sẻ cùng lúc trong nhóm giáo viên. Tại các lớp online buổi chiều, khi giáo viên thông báo, học sinh lớp 6 "nhảy cẫng lên vui mừng". Phụ huynh phấn khởi thảo luận trong các nhóm.
"Rất lâu rồi, niềm vui mới lan tỏa rộng rãi từ học sinh, phụ huynh đến giáo viên như vậy. Chúng tôi mong mỏi ngày này từ rất lâu bởi các em lớp 6 là lứa học sinh mới, chưa được đến lớp gặp trực tiếp bạn bè, thầy cô bao giờ", ông Tùng nói.
Trước đó, khi Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các trường khảo sát ý kiến về việc cho học sinh lớp 1 đến 6 học trực tiếp, 72% phụ huynh lớp 6 và 77% phụ huynh tiểu học trường Lômônôxốp đồng thuận. Ông Tùng tin rằng tỷ lệ này sẽ tăng lên sau 2-3 ngày đầu đi học, bởi việc đa số đến trường sẽ tạo hiệu ứng tốt. Với khối 7-12 hiện tại, tỷ lệ đến trường hàng ngày hiện đạt 94%.
Tại trường Tiểu học Khương Thượng, quận Đống Đa, hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết gần 85% phụ huynh đồng ý cho trẻ học trực tiếp.
Trong hơn 11 tháng học sinh ở nhà, bà vẫn đến trường để điều hành và sắp xếp công việc. "Đó là thời gian quá dài", bà bày tỏ. "Tôi cứ đi lại, quanh quẩn trong sân trường vắng học sinh. Chỉ nghĩ đến việc ngày mai được đón các con, trường lại náo nhiệt, tôi thực sự vui sướng".
Để đón học sinh trở lại, trong ngày 5/4, toàn bộ giáo viên trường Khương Thượng sẽ dọn dẹp và khử khuẩn khuôn viên. Bà Hà cho hay, từ cuối tháng ba, ban giám hiệu đã tập dượt, chuẩn bị sẵn vật tư y tế nên khối lượng công việc hôm nay được giảm nhẹ phần nào.
Trong khoảng 3-4 ngày đi học đầu tiên, trường tập trung cho học sinh ổn định nề nếp, làm quen với bạn bè và thầy cô. Ban giám hiệu cũng lên kế hoạch để sớm triển khai ăn bán trú, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ huynh đưa, đón con.
Với trường Lômônôxốp, hệ thống thiết bị, đường truyền phục vụ mô hình dạy kết hợp online và offline cũng đã được lắp đặt, phục vụ học sinh F0 hoặc chưa muốn đến trường. Các chuẩn bị về mặt y tế cũng đầy đủ. Ngoài máy đo thân nhiệt, dung dịch khử khuẩn, nhà trường đầu tư máy đo chỉ số sinh tồn, từ thân nhiệt đến huyết áp, chỉ số oxy trong máu để khi học sinh có triệu chứng sẽ được đo ngay lập tức.
"Nhà trường dự định, ở buổi học đầu tiên, khối 6 sẽ đến muộn hơn các khối lớp khác một chút. Các anh chị khối trên sẽ đứng ở các hành lang vỗ tay chào đón các em vào trường và dẫn các em lên lớp, do các em không được chào đón trong lễ khai giảng như mọi năm", ông Tùng chia sẻ.
Thanh Hằng - Dương Tâm