"Thật ra, câu 'nhận vàng trả vàng' nghe thì hợp lý, nhưng như vậy lại khá phi lý. Vì đơn giản, nếu cứ mừng vàng người thân rồi sau đó chờ đến khi họ cưới, thì có thể họ sẽ trả lại với phần tăng rất lớn (vàng về cơ bản càng về sau càng tăng giá, và có thể tăng mạnh).
Đôi vợ chồng nhận vàng chắc cũng chỉ dám để đó chờ trả nợ cho các bạn thôi. Nếu đi theo trường phái công bằng, thì nên hy vọng họ có thể mừng theo chỉ số trượt giá hoặc tính theo sức mua tương đương (ví dụ 5 năm trước mua một kg thịt 90 nghìn đồng, giờ lên 100 nghìn thì mừng có thể tăng 10%, quy đổi với giá vàng tại thời điểm mừng).
Vàng có thời điểm tăng phi mã rất khó tính. Nếu mừng vàng rồi tính đến 5 năm sau cưới hay con mình 10 năm sau cưới để chờ trả, thì thực chất bạn đang mua vàng cho chính mình chứ không phải mừng, chúc phúc cho ai cả".
Độc giả Mr Ken bình luận như trên, nêu quan điểm về việc nhận mừng cưới bằng vàng phải trả lại bằng vàng. Bình luận này được viết sau bài Mất lòng vì tiền mừng cưới.
Trong bài viết, có câu chuyện 8 năm trước, Bảo Ngọc, 32 tuổi, ở Hải Dương mừng cưới cô em họ một chỉ vàng (trị giá 3,5 triệu đồng) với mong muốn giúp vợ chồng trẻ thêm kinh phí tổ chức và ổn định cuộc sống. Cô cho rằng sau này mình cưới cũng được trả lễ bằng vàng như vậy.
Sau đám cưới hồi cuối tháng 8, Ngọc nói "sốc" khi nhận phong bì của em họ là 3,5 triệu đồng. Cô đoán người mừng đã tính toán rằng hiện tại vàng có giá 8 triệu đồng một chỉ, nếu mừng sẽ thiệt thòi lớn.
Bảo Ngọc cho rằng mừng cưới cũng nên theo quy tắc như vay tiền, "vay gì trả nấy".
Trên diễn đàn, từng có bài viết liên quan: 'Bạn mừng cưới một chỉ vàng, tôi mừng lại chỉ 3,5 triệu' thu hút nhiều tranh luận của độc giả VnExpress.
Chia sẻ nỗi lo ngại về việc nhận vàng cưới, độc giả Đinh Vũ Quỳnh Dương nói: "Nếu làm đám cưới, tôi sợ nhất là được mừng vàng. Bố mẹ có điều kiện cho vàng cưới thì không sao, nhưng bạn bè, họ hàng mừng vàng, vài năm sau vàng lên giá, mình trả lại cũng mệt mỏi.
Nếu làm ăn được thì không sao, mua vàng trả lại cũng dễ, hoặc không phải bán vàng, cứ để đó. Người làm ăn không được, đến lúc phải bán vàng cưới để lo công việc, rồi mua lại vàng trả người ta thì cũng mệt.
Những người được mừng vàng cưới từ khoảng năm 2018-2019 trở về trước, giờ phải mua trả lại cũng khổ lắm".
Cùng quan điểm, độc giả Quân cho rằng mạnh rằng mừng cưới bây giờ cũng theo mặt bằng giá cả thị trường, nhưng nếu tặng vàng, câu chuyện sẽ trở nên phức tạp hơn rất nhiều:
"Mừng cưới bây giờ cũng phải theo mặt bằng giá cả thị trường, ít nhất cũng nên mừng đủ chi phí cho người tổ chức. Nếu mừng lại bằng số người ta mừng mình mà thấp hơn mặt bằng chung thì không nên, dễ ảnh hưởng đến tình cảm đôi bên.
Về nguyên tắc, mừng bao nhiêu là quyền của người mừng, nhưng nó cũng coi như một khoản nợ, và người mừng nên có ý thức 'trả nợ' sao cho đẹp lòng nhau.
Mừng tiền còn đỡ, chứ mừng vàng thì phức tạp hơn nhiều. Ngày xưa, giá vàng ổn định nên tặng vàng thể hiện sự thân thiết và góp một khoản vốn để vợ chồng trẻ làm ăn.
Nhưng bây giờ giá vàng nhảy như ngựa, đôi trẻ không phải nhận vốn làm ăn mà là gánh một khoản nợ kha khá. Nhận vàng rồi tiêu đi, sau này giá vàng tăng gấp mấy lần lấy gì trả? Mà không tiêu, cất đó chờ trả khác gì giữ hộ người ta, chỉ thêm lo lắng.
Dần dần, tục tặng vàng có lẽ chỉ nên dành cho cha mẹ với con cái thôi, còn những người khác nên bỏ đi".
Trong khi đó, độc giả nnuyit cho rằng "có qua có lại mới toại lòng nhau":
"Có câu 'có qua có lại mới toại lòng nhau;. Người ta đã có tâm thì mình cũng phải có tầm với họ. Nếu đi mừng tiền, mình nên mừng lại phù hợp với thời giá hiện tại, còn nếu mừng vàng thì trả vàng.
Tiền mừng cưới như vốn khởi nghiệp ban đầu cho hai vợ chồng. Tôi cũng gặp những người như trên. Hoan hỷ xã giao thôi, họ không nghĩ vậy thì ông trời cho mình thứ khác".
Cuối cùng, độc giả tamduc đưa ra quan điểm rằng việc cưới hỏi là chuyện riêng của mỗi người, và nên làm đơn giản nhất có thể:
"Cưới xin là việc riêng của từng người, nên càng làm đơn giản càng tốt. Mời bạn đến dự chỉ nên mời những người thân thiết, đừng nghĩ họ sẽ mừng bao nhiêu để bù cho chi phí.
Nếu tính chuyện mong tiền mừng bù chi phí thì chẳng khác gì buôn bán đám cưới của mình, kết quả cũng không tốt đẹp. Mời bạn bè đến chia vui sao lại tính toán lỗ lãi? Họ đến thì vui rồi, mời mà họ không đến mới là lúc cần nghĩ lại về cách sống của mình.
Khi mời bạn bè, họ cũng phải thu xếp thời gian, tiền bạc để đến, vậy tại sao lại không tính đến chi phí đó mà chỉ quan tâm họ mừng ít hay nhiều?".
*Chia sẻ bài viết quan điểm của bạn về mừng cưới tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp