Mùng 3 Tết thầy là phong tục đẹp của người Việt. Ảnh minh họa: tiin.vn |
Đang loay hoay với gạo nếp và đậu xanh để gói bánh, chợt nghe tiếng chuông cửa. Nhân viên bưu điện trao cho mình một bì thư lớn gửi từ Việt Nam. Mở ra, bên trong là tờ báo xuân Tuổi Trẻ và tấm thiệp chúc Tết của một học trò cũ. Xúc động đến ngẩn ngơ vì không ngờ, học trò vẫn nhớ đến một thú vui của cô giáo: đọc báo Xuân trong ba ngày Tết. Và kỷ niệm, cứ như những đợt sóng ùa về…
23 Tết, sau buổi tất niên, học trò rủ rê: “8h sáng mùng ba, hẹn nhau trước cổng trường nha!”. Hẹn sớm như vậy nhưng chắc chắn sẽ là… giờ dây thun. Vậy là thầy trò tạm xa nhau mười ngày.
Nghỉ Tết, không còn giáo án, chẳng có bài kiểm tra, không lo điểm số thấp nên ai nấy đều tươi như hoa. Về nhà để lo Tết, ăn Tết, chơi Tết. Như mọi người, mình cũng lo đủ thứ, trong đó có cả lo chuẩn bị bánh mứt hạt dưa, hạt bí… đủ cho học trò đến chúc Tết cô.
Chiều mùng hai, lai rai có khách học trò nhưng đến sáng mùng ba mới thật sự là ngày Tết thầy. Sáng sớm, đã nghe “Cô ơi, cô hỡi” xôn xao trước cửa. Vừa chạy ra mở cửa thì “đì đùng” pháo… bong bóng nổ.
Học trò cũ, học trò đang dạy, hết tốp này đến tốp khác, chật cả nhà. Không đủ ghế, ngồi chung với nhau. Không còn ghế nữa, đứng mà vẫn vui. Một loáng thôi là hết bánh trái. Nhưng hạt dưa, hạt bí thì… hao nhất vì vừa tí tách cắn vừa cười đùa. Không có pháo mà vẫn “nổ” vang hơn pháo.
Lao xao chúc Tết rồi đòi lì xì lấy hên. Học trò cũ 8 năm trước nói: “Em vẫn giữ 500đ lì xì có chữ ký của cô nè”. Học trò đang dạy thì bảo: “Tụi em chỉ cần cô… lì xì mỗi đứa 8 điểm cho bài kiểm tra đầu năm thôi”. Suốt từ sáng đến tối, giữa những "hiệp" nghỉ ngơi (giờ trưa) là dọn dẹp để tiếp tục đón khách. Mệt lắm nhưng mà vui lắm.
Có năm tự bảo mình: “Hay là Tết này “trốn” học trò đi đâu chơi cho đỡ cực” nhưng chẳng năm nào làm được vì cứ nghĩ đến những em học sinh cũ ra trường mười mấy năm, bận rộn với công việc chỉ tranh thủ được ngày mùng ba đến thăm cô, mình bỏ đi chơi sao đành?
Giờ, xa bục giảng, xa học trò, sao nhớ quá không khí rộn ràng ấy - cái không khí ấm áp tình yêu thương mà những ngày còn ở quê hương lắm khi mình chưa cảm nhận hết. Tình thầy trò gắn bó đâu phải một sớm một chiều mà có được.
“Mùng một nhà cha, mùng hai nhà vợ, mùng ba nhà thầy” là một nét đẹp phong tục ngày Tết đâu phải dân tộc nào cũng có. Cách đây mấy ngày, học trò gửi email chúc Tết còn nhắc: “Cô ơi, nhớ ngày mùng ba ở nhà cô vui nổ trời. Bao giờ cô lại về ăn Tết Việt Nam để tụi em đến chúc Têt cô?” Đọc thư mà thấy nao nao trong dạ… Bao giờ nhỉ? Bao giờ?
Tối mùng hai Tết, điện thoại reo: “Cô ơi, em là T.A đây. Bây giờ là sáng mùng ba ở Việt Nam. Lớp mình đang tụ họp ở nhà Đ.L nè cô. Các bạn muốn chúc Tết cô, cô mở webcam ở Skype nha cô”. Ôi, sao sống mũi mình lại cay cay như thế này! Học trò của cô ơi!
Võ Thị Trân Lan