Ai có mẹ bên đời đều ghiền mùi của mẹ khi ta còn thơ ấu và nhớ da diết khi đã trưởng thành. Mùi của mẹ có gì đặc biệt đến thế khiến nhớ nhung thấm đẫm một đời? Phải chăng đó là mùi nước hoa mẹ thường dùng hay là mùi mô hồi bện chặt khói bếp cơm nhà? Vậy, bạn nhớ mùa của mẹ là gì? Bạn có thể gọi tên nó không? Còn với tôi, mùi của mẹ là mùi nước mắt.
Mẹ của tôi khăn gói theo ba về nhà nội làm dâu khi vừa tròn 17 tuổi. Làm vợ ba, mẹ chịu không ít tủi hờn. Một cô gái thành thị xinh như búp bê. Tôi thích ngắm hoài ảnh mẹ ngày xưa - mà thật ra đến giờ mẹ vẫn đẹp lắm - từ bỏ chốn đô hội về làm dâu ở vùng ngoại ô. Đó là những năm 90 quê ba còn heo hút thưa người, gập ghềnh khó đi.
Tôi từng nghe mẹ kể: "Cái cớ sự quen ba mi là do nhà ngoại có lò bánh mì ngay khu bến xe trung tâm Đà Nẵng hồi nớ. Ba mi làm tài xế xe nên hay ghé mua bánh mì lót dạ. Cái ông gì đâu mà duyên hết sức, lém lỉnh, lanh lẹ nên ta ưng...". Thiệt tình, là con gái ba mà khi xem vào ảnh ba ngày trẻ, tôi cũng chẳng lấy làm cảm tình chi cho cam. Vậy mà mẹ dành bao lời khen ngợi. Bởi mới nói, thương nhau thì nhìn đâu cũng vừa dạ.
Mẹ tâm sự thêm: "Có dễ mà lấy được ba mi mô. Ông bà ngoại cấm cản quá trời, nặng có, nhẹ có, mẹ từng bị trói chân ở cầu thang chớ tưởng hả. Do ba mi là dân tài xế, ông ngoại sợ cọc tính với lăng nhăng. Mẹ thì còn quá trẻ nữa. Nên ông bà ngoại không cho đâu". Rứa mà cuộc đấu tranh tất thắng. Mẹ từ bỏ nhà gạch mái ngói về ở nhà liếp mái tôn và cũng làm vợ ba hai mươi mấy năm trời nay.
Nghe mẹ kể tự dưng tôi ngẫm, đúng ông bà dạy chớ có sai: "Cá không ăn muối cá ươn - Con cãi cha mẹ trăm đường con hư" là có thật. Hư thì cũng chưa hẳn là hư nhưng thiệt thân là có chắc. Mẹ về làm vợ ba - chàng thanh niên có lắm tật hư mà khi chung nhà mới lộ dần đều theo ngày tháng. Ba còn trẻ nên ham chơi, những cuộc vui cứ thâu đêm suốt sáng. Mẹ lúc đó đang mang bầu tôi. Ngẫm, thanh xuân là khoảng thời gian đẹp nhất của mỗi đời người. Thanh xuân của tôi là những chuyến xe tới vùng đất xa lạ, gặp gỡ nhiều người bạn mới; còn mẹ, 17 tuổi đã hy sinh để có tôi của hôm nay như vầy.
Chưa làm vợ, làm mẹ, nhưng tôi phần nào hiểu cái nỗi mong mỏi được chồng san sẻ, cận kề lúc thai nghén ra sao. Vậy mà, mẹ lại thui thủi một mình. Vùng ngoại ô về chiều đã lem nhem như đổ mực, nhà không có tivi lại thêm buồn. Mẹ bảo: "Hồi đó, mẹ hay ra đầu ngõ, nhìn sang cửa sổ nhà hàng xóm xem ké tivi sẵn đợi ba mi về. Nhưng mà có bầu, đứng lâu mỏi chân quá lại đi vào phòng nằm tủi thân mà khóc... Ba mi hồi nớ trọng bạn hơn mẹ (bây chừ có đỡ hơn rồi), đến mua cái áo mặc thôi mà mẹ cũng không được quyền ý kiến. Ổng chở bạn ổng đi tư vấn hộ. Chuyện áo quần thôi đó mà đã vậy, nói chi đến cái gọi là nội tướng sau lưng chồng".
Mẹ khóc suốt... Mẹ mang thai lần đầu, về sống vùng ngoại ô, lạ đất lạ người, nghề nghiệp không có, ngửa tay xin tiền chợ thì chồng hạch sách, mỉa mai, thêm bao nhiêu là nước mắt... Những cuộc vui thâu đêm suốt sáng cũng khiến ba mi say nhè bao trận. Say về thì hay chửi, mẹ 17 tuổi nên cái tính cũng nói lại, rứa là bị đòn tím mình, đau quá tủi quá lại khóc than thân... Mà cái này là không cần mẹ kể, trí nhớ của một đứa trẻ lên 2 bắt đầu cho tôi lưu lại ký ức về bao trận đòn trút lên thân mẹ đầy vô lý từ ba. Suốt chục năm thơ ấu, tôi cứ bật dậy lúc tờ mờ sáng vì ám ảnh cái mùi nước mắt của mẹ xộc nghẹn ứ cả mũi và lồng ngực.
Mẹ bỏ tôi đi bao nhiêu lần, ba quay quắt đi tìm nhưng chứng nào tật nấy. Vậy đó mà đến giờ ba mẹ vẫn chung nhà. Áo ba mặc mẹ là thẳng thớm. Cơm ba ăn mẹ nấu nóng sốt. Nước lạnh bỏ tủ mát tự tay mẹ đong. Đau ốm đi viện cũng mẹ làm giấy làm tờ... Thương cả một đời nước mắt. Mùi mặn - đắng - cay xè!
Phạm Thủy Tiên