Báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 trước Quốc hội sáng 21/3, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm năm (2011-2015) dù gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn nhưng kinh tế - xã hội của Việt Nam đã đạt thành quả quan trọng trên các lĩnh vực, hoàn thành nhiều chỉ tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, nhiều mục tiêu vẫn chưa đạt được. Trong 26 chỉ tiêu chủ yếu được Quốc hội thông qua có 16 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch như: thu nhập thực tế của người dân, tỷ lệ giảm hộ nghèo, tạo việc làm... Có 10 chỉ tiêu không đạt kế hoạch (chi tiết các chỉ tiêu đạt và chưa đạt).
Tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn mới đạt 6,5-7%/năm
Trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội năm năm 2016-2020, Chính phủ đặt mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm đạt 6,5-7%/năm. Đến năm 2020, GDP bình quân đầu người khoảng 3.200-3.500 USD; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ trong GDP khoảng 85%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội bình quân 5 năm bằng khoảng 32-34% GDP, trong đó tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước hơn 2.000 nghìn tỷ đồng (gồm phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020 là 200 nghìn tỷ đồng)...
Tổng số vốn đầu tư toàn xã hội trong kế hoạch 5 năm 2016-2020 theo giá thực tế dự kiến khoảng 9.700-10.600 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 32-34% GDP.
Việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và tăng cường tiềm lực khoa học, công nghệ cũng được Chính phủ đặt ra. Theo đó, các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội sẽ được tăng cường. Giáo dục, đào tạo cũng được đổi mới căn bản, toàn diện theo hướng mở, hội nhập.
"Cải cách chính sách tiền lương, tiền công theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với tăng năng suất lao động. Thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở, mức lương tối thiểu theo lộ trình phù hợp, bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động đang làm việc và đối với người đã nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí sẽ được thực hiện", Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.
Chủ động ứng phó biến đổi khí hậu
Trước những diễn biến phức tạp của khí hậu hiện nay, Chính phủ dự kiến sẽ có biện pháp chủ động ứng phó, đồng thời phòng, chống thiên tai, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường.
Trước mắt, Chính phủ sẽ tập trung hoàn thành các dự án khắc phục thiên tai, hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, các dự án cấp bách ngăn mặn, giữ ngọt phục vụ đời sống và sản xuất của người dân...
Phòng, chống tham nhũng và lãng phí
Bộ máy phòng, chống tham nhũng sẽ được kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động. Các quy định về kê khai, kiểm soát kê khai tài sản, thu nhập của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý; hạn chế giao dịch bằng tiền mặt sẽ được thực hiện nghiêm. Trách nhiệm của tổ chức đảng và người đứng đầu tổ chức, cơ quan, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng, lãng phí sẽ được quy định rõ.
Chính phủ cũng sẽ thiết lập cơ chế giám sát và kiểm soát quyền lực, phát huy vai trò giám sát của cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân; đồng thời có cơ chế, chính sách hữu hiệu để khuyến khích, khen thưởng và bảo vệ an toàn cho người phát hiện, tố cáo tham nhũng.
Giữ vững chủ quyền quốc gia
Trước thực trạng tiềm lực quốc phòng, an ninh chưa đáp ứng được yêu cầu, vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ còn nhiều khó khăn, thách thức, Chính phủ có kế hoạch tăng cường quốc phòng, an ninh, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, giữ vững độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Trước hết, Chính phủ tăng cường nắm tình hình, dự báo an ninh chiến lược không để bị động; xây dựng các lực lượng tinh nhuệ, hiện đại. Tiếp đó, Chính phủ cho rằng cần kết hợp tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế để duy trì môi trường hòa bình...
Đến năm 2020, Chính phủ kỳ vọng tỷ lệ lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội khoảng 40%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 65-70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 25%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; có 9-10 bác sĩ và trên 26,5 giường bệnh trên một vạn dân; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 80% dân số; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân khoảng 1-1,5%/năm. |
Lan Hạ