ASEAN Cup ngày hội của bóng đá Đông Nam Á (ĐNA) sắp kết thúc, dù Việt Nam hay Thái Lan vô địch cũng đều xứng đáng vì họ đến giải đấu này với thái độ nghiêm túc nhất, nhưng sau ASEAN Cup sẽ là gì?
1. Cái nhìn từ Thái Lan, nền bóng đá số 1 Đông Nam Á
Nếu có ai hỏi, đâu là đội bóng mạnh nhất ĐNA đội đầu tiên được nhắc đến chính là Thái Lan, ở khu vực họ giành AFF Cup nhiều nhất (7 lần), giải vô địch quốc gia của họ vận hành chuyên nghiệp nhất, nền bóng đá phát triển lâu đời nhất. Họ có nhiều cầu thủ được xuất khẩu sang Nhật và thành công như Bunmathan, Chanathip, Supachok...
Các câu lạc bộ của họ cũng có thành tích rất tốt ở đấu trường châu Á, các đội bóng Thái Lan sẵn sàng cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ mạnh đến từ Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc... đội tuyển quốc gia của họ có hai lần lọt vào vòng loại thứ ba World Cup (WC) và từng khiến cả Đông Nam Á khiếp sợ khi thi đấu hoàn toàn áp đảo các đội còn lại.
Tuy có lúc đi xuống theo chu kỳ nhưng với nội lực mạnh mẽ họ sẽ lập tức trong thời gian ngắn nhất vươn lên. Tuy nhiên, cũng giống như các nước Đông Nam Á khác, bóng đá Thái Lan vẫn chưa thể vươn tầm châu lục chứ chưa nói đến mục tiêu World Cup, giải Thai-League có những đội rất mạnh và giàu truyền thống như Buriam, Bangkok, Port FC...
Họ cũng không thiếu những đội bóng nhỏ, ngân sách eo hẹp, sân cỏ xấu và khán đài có sức chứa vài ngàn khán giả, ngoài ra công tác trọng tài hay bạo lực sân cỏ, sự phụ thuộc vào ngoại binh cũng không có khác biệt nhiều so với V-League.
Ở Thai-League các câu lạc bộ được đăng ký tới 6 ngoại binh và nếu ai thường xuyên theo dõi ta cũng có thể thấy lối đá phát bóng dài lên cho các ngoại binh tự xử lý không thiếu trong cách chơi.
Theo thống kê trong 3 mùa gần nhất ngoài Supachai hầu như rất ít cầu thủ người Thái nào chen chân vào top 10 ghi bàn của Thai League điều này chứng tỏ sự phụ thuộc vào ngoại binh của các câu lạc bộ Thái Lan.
Tuy Supachai đoạt vua phá lưới ở hai mùa gần nhất nhưng nếu ai xem Buriam thi đấu sẽ thấy họ quá mạnh so với phần còn lại, việc họ đã vô địch 3 mùa liên tiếp thì Supachai có đoạt Vua phá lưới cũng không có gì lạ, nhiều chuyên gia cũng đánh giá cầu thủ này còn xa mới đạt đến đẳng cấp của Dangda.
Như vậy dù là nền bóng đá phát triển nhất ĐNA nhưng có vẻ như người Thái cũng không giải quyết hết những vấn đề còn tồn tại chung của nền bóng đá ĐNA.
2. Vì sao cầu thủ Đông Nam Á xuất ngoại khó thành công?
Sau khi lọt vào vòng loại thứ 3 WC 2002 và giành được 4 điểm với 4 trận hòa, bóng đá Thái Lan đề ra mục tiêu trong 20 năm nhằm hướng tới mục tiêu tham dự WC 2022, với những dự án đưa cầu thủ trẻ đào tạo ở nước ngoài và thuê những HLV đẳng cấp thế giới cho đội tuyển quốc gia.
Tuy nhiên đến nay đã hơn 22 năm trôi qua, người Thái cũng chỉ thêm một lần dự vòng loại thứ 3 WC 2018 và kết thúc với 2 điểm, ở đấu trường Asian Cup họ vẫn chưa vượt được ngưỡng vòng 1/8 dù trong khoảng thời gian đó họ vẫn thống trị các giải đấu ở khu vực Đông Nam Á.
HLV thành công nhất trong giai đoạn đó lại là Kiatisak một người bản xứ và có lẽ tới giờ chẳng ai nhớ tới dự án năm xưa. Các cầu thủ ĐNA khi xuất ngoại được đánh giá chung là nhanh nhẹn, khéo léo, kỹ thuật tốt... ở khu vực ĐNA họ là những cá nhân xuất chúng nhưng khi sang châu Âu thì những cầu thủ có phẩm chất như vậy không thiếu và cái quan trọng nhất là những cầu thủ đó đều vượt trội các cầu thủ ĐNA về mặt thể chất và sức mạnh.
Quang Hải hay Suphanat là những ví dụ rõ ràng nhất, đều nổi lên khi còn rất trẻ, là ngôi sao hàng đầu ĐNA nhưng khi xuất ngoại sang châu Âu họ không kiếm nổi suất chen chân vào đội hình dự bị chứ chưa nói chính thức, thần đồng Suphanat sau một thời gian " du học" ở Bỉ cũng đã trở về nước thi đấu cho Buriam và tình hình cho thấy anh cũng không có ý định xuất ngoại nữa.
Những trường hợp xuất chúng khác của bóng đá Thái Lan như Chanathip hay Bumanthan.. xuất ngoại thành công là cực kỳ hiếm hoi nhưng họ sang Nhật Bản, môi trường bóng đá không đòi hỏi thể chất cao như ở Châu Âu và chính Chanathip cũng đã từng thừa nhận mình ngại sang châu Âu thi đấu.
Như vậy, yếu tố về thể hình và thể lực chính là yếu tố chính khiến cho các cầu thủ ĐNA xuất ngoại không thành công. Ở ĐNA Thái Lan là đội bóng chơi kiểm soát bóng tốt nhất, tấn công đẹp mắt nhất nhưng khi bước ra châu Á, họ hay Việt Nam hoàn toàn lép vế trong các pha tranh chấp, đua tốc độ, thể lực với các đội bóng hàng đầu... bóng đá hiện đại yêu cầu ngày càng nhanh hơn, chạy nhiều hơn, va chạm nhiều hơn...một chiến thuật tốt có thể giúp một đội bóng bù đắp những thiếu sót về mặt thể hình và thể lực nhưng nó yêu cầu sự đồng đều về mặt trình độ của các cầu thủ, sự ăn ý trong các pha phối hợp và ở Châu Á hiện nay có lẽ chỉ có Nhật Bản làm được phần nào yêu cầu đó.
Trong một chia sẻ gần đây của trung vệ Yoshida trong những năm đầu chơi ở Ngoại Hạng Anh: "Vấn đề lớn nhất là hình thể. Các buổi tập gym ở Anh rất khác ở Nhật. Tôi là người cao to nhất đội tuyển quốc gia Nhật Bản (1m89) nhưng khi tới Southampton, tôi chỉ bình thường mà thôi. Ở Nhật, chúng tôi không có những cầu thủ như Graziano Pellè cao 1,94 m và Fraser Forster cao 2 m...".
Bên cạnh hình thể, Yoshida còn yếu hơn đồng đội ở Southampton về sức mạnh. Anh tiết lộ đã rất sốc khi thấy cầu thủ Rickie Lambert dễ dàng nâng những quả tạ mà mình không thể nâng...
Để có thể trụ lại được Southampton Yoshida đã thuê riêng đến 2 HLV về thể lực và Gym nhằm giúp anh cải thiện thể chất trong năm đầu tiên ở Anh. Điều này chứng tỏ để tiếp cận được môi trường bóng đá đỉnh cao thì các cầu thủ châu Á phải cải thiện về mặt thể chất.
Nhìn các cầu thủ gốc Hà Lan của Indo tranh chấp hay đua sức sòng phẳng với các đối thủ hàng đầu châu Á ta mới thấy họ kiếm được 6 điểm sau 6 trận không phải là do may mắn.
3. Bóng đá Đông Nam Á cần làm gì để được dự WC?
![Bảng xếp hạng các đội bóng.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/01/05/A-nh-ma-n-hi-nh-2025-01-05-lu-8116-3476-1736030571.png?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VH8WRpNXrdQe3zbHLvm2ZA)
Bảng xếp hạng các đội bóng.
Nhìn vào bảng xếp hạng trên ta thấy 6 đội dẫn đầu ở cả 3 bảng (có vé trực tiếp đến WC) có những đặc điểm chung là:
- Thường xuyên góp mặt ở vòng loại 3 WC.
- Nằm trong top 8 châu Á.
- Có giải vô địch quốc gia mạnh và phát triển.
- Có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài.
- Có thể hình và thể lực tốt, trình độ kỹ thuật cao và đồng đều.
- Đạt được nhiều thành công ở các giải trẻ trong khu vực và quốc tế.
Ngoài Indonesia trong một năm gần đây đạt được tiêu chí "có nhiều cầu thủ thi đấu ở nước ngoài" thì không có một đội bóng ĐNA nào đạt bất cứ một tiêu trên. Thế nhưng cách làm bóng đá của Indo hoàn toàn khác biệt và không quốc gia nào ở Đông Nam Á có thể bắt chước họ.
Nhìn các cầu thủ gốc Hà Lan của Indonesia tranh chấp và đua sức sòng phẳng với các đội hàng đầu châu Á ta mới thấy những cầu thủ ĐNA bản xứ không bao giờ có thể làm được như vậy.
Từ những điều kiện trên chúng ta thấy rằng giấc mơ WC hiện nay vẫn đang là quá tầm với bóng đá ĐNA, những giải đấu như ASEAN Cup hay vượt qua vòng loại Asian Cup có lẽ là những mục tiêu phù hợp nhất với nội lực hiện nay để tìm kiếm ánh hào quang chiến thắng.
4. Lời kết
Cả Việt Nam lẫn Thái Lan đều có những thời điểm thành công nhất định và đôi khi lầm tưởng rằng mình đủ năng lực tiến xa hơn với nội lực hiện tại, nhìn cách Thái Lan vội vã sa thải Kiatisak chỉ vì ông giành được 2 điểm ở vòng loại 3 WC rồi sau đó lạc lối trong tay Rajevach và Nishino dù đó là những HLV có đẳng cấp WC.
Hay cách Việt Nam vội vã phá đi di sản từ thời ông Park rồi cũng lạc lối dưới thời ông Troussier và rồi bây giờ cả 2 lại bắt đầu đi lại điểm xuất phát mới thấy được rằng:
Đặt mục tiêu cao hơn và xa hơn để hướng tới sự phát triển là điều cần thiết nhưng nếu mục tiêu xa rời với năng lực thực tế thì nó lại trở thành rào cản của sự phát triển và cái giá phải trả là sự thụt lùi của cả một nền bóng đá.
Cả 2 ông lớn của bóng đá ĐNA mắc phải điều này và chức vô địch ASEAN Cup có lẽ là niềm an ủi và khởi đầu cho một chương mới trong hành trình phát triển của cả Việt Nam và Thái Lan.