Hồ sơ di cư Việt Nam 2023 do Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao công bố cuối tháng 10 dẫn thống kê mức thu nhập từ các thị trường trọng điểm lao động Việt Nam đang làm việc.
Lao động làm việc tại Hàn Quốc cho thu nhập cao nhất 1.600-2.000 USD, kế đến là Nhật Bản 1.200-1.500 USD; Đài Loan 800-1.200 USD, một số quốc gia châu Âu có mức tương tự. Thị trường Trung Đông và Malaysia ghi nhận mức lương thấp hơn, khoảng 600- 1.000 USD với lao động có tay nghề và 400-600 USD mỗi tháng với lao động phổ thông.
Phần lớn thị trường tiếp nhận đều có lương tối thiểu cao hơn nhiều so với trong nước. Năm 2022, hai thị trường đông lao động Việt là Nhật Bản, Hàn Quốc lương tối thiểu cao gấp 7-9 lần; tại Australia và New Zealand gấp khoảng 15 lần. Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan ghi nhận lương tối thiểu cao hơn hẳn Việt Nam.
"Chi phí sinh hoạt đắt đỏ nhưng với mức lương trên lao động vẫn có thu nhập tốt hơn so với việc làm trong nước", hồ sơ đánh giá, thêm rằng người đi còn có cơ hội bồi dưỡng tay nghề lẫn tích lũy kỹ năng trong môi trường làm việc.
Hơn 650.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, mỗi năm gửi về 3,5- 4 tỷ USD kiều hối. Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc vẫn là ba thị trường trọng điểm. Nhật Bản 5 năm liền đứng đầu về tiếp nhận lao động Việt. Ngoài thị trường truyền thống, Việt Nam đang mở rộng đưa người đi làm việc tại Australia, New Zealand, Đức, Hungari.
Tính theo nơi đi, Đồng bằng sông Hồng với 7 tỉnh thành Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, Hải Phòng dẫn đầu cả nước với hơn 32.600 người. Theo sau là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung với 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị hơn 25.500 người.
Theo Hồ sơ di cư, 80% lao động Việt Nam làm việc ngoài nước trong các ngành thâm dụng như sản xuất chế tạo như cơ khí, may mặc, giày da, lắp ráp điện tử; tiếp đến là xây dựng, nông nghiệp, thủy sản, dịch vụ giúp việc gia đình, chăm sóc người già, người bệnh. Một bộ phận lao động trình độ cao như nhà quản lý, kỹ sư lựa chọn ở lại nước ngoài làm việc vì thu nhập cao, đãi ngộ tốt, có môi trường phát triển, gây nên tình trạng "chảy máu chất xám".
Lao động phổ thông Việt Nam được đánh giá là chịu khó, biết việc, nhưng tỷ lệ ở lại trái phép sau khi hết hợp đồng hoặc bỏ ra ngoài làm cao, khiến nhiều người trong nước mất cơ hội xuất ngoại. Một số nơi xảy ra tình trạng lao động Việt Nam bị xâm phạm quyền lợi như ngược đãi, làm việc quá giờ, chủ sử dụng đối xử không công bằng, điều kiện làm việc chưa được bảo đảm.
Ông Lê Hoàng Hà, chuyên viên Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, đánh giá thế mạnh của Việt Nam vẫn là lao động phổ thông chưa qua đào tạo, song tại nhiều nước phát triển các công việc giản đơn được thay thế bằng robot, ứng dụng công nghệ. Ngoại ngữ vẫn là rào cản lớn với lao động Việt Nam ở nước ngoài.
Những yếu tố trên, theo ông Hà cộng hưởng trở thành thách thức lớn nên việc bồi dưỡng tay nghề lẫn tập trung ngoại ngữ rất quan trọng để người lao động nâng sức cạnh tranh, tăng cơ hội việc làm sau khi về nước.
Hồng Chiêu