Thông tin được ông Phạm Vũ Hoàng, Phó Cục trưởng phụ trách Dân số, Bộ Y tế, chia sẻ tại Hội nghị hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số năm 2023 tại TP HCM, ngày 10/12.
Những năm qua, TP HCM luôn nằm trong nhóm những tỉnh thành có mức sinh thấp nhất cả nước, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế Việt Nam đang duy trì (2-2,1 con trên mỗi phụ nữ). Sinh đủ hai con trở thành "cơn khát" của ngành dân số TP HCM, thay vì nỗ lực vận động người dân "dừng ở hai con để nuôi dạy cho tốt" như nhiều địa phương khác.
Trong khi đó, với những tăng cường trong chăm sóc sức khỏe, tuổi thọ trung bình của người dân TP HCM ở mức khá cao (76,3) so với mặt bằng chung cả nước là 73,6 tuổi. Số lượng người cao tuổi ở nơi này là hơn một triệu, chứng tỏ tốc độ già hóa dân số đang diễn ra khá nhanh, đòi hỏi phải có sự đầu tư nguồn lực tương ứng.
Theo Chi cục trưởng Dân số Kế hoạch hóa Gia đình TP HCM Phạm Chánh Trung, có rất nhiều yếu tố tác động đến mức sinh thấp, trong đó có thể kể đến sự thay đổi về quan niệm kết hôn và sinh con của các cặp vợ chồng, hiệu quả của chính sách kế hoạch hóa gia đình trong giai đoạn trước đây. Hiện nay, kết hôn muộn và sinh ít con cũng là một xu hướng.
Một nhóm các cặp vợ chồng không muốn sinh thêm con và một nhóm muốn sinh nhưng không dám. Điểm chung của hai nhóm này là sự lo lắng cho tương lai với những áp lực cuộc sống.
Đối với nhóm không dám sinh thêm con thì áp lực lớn nhất chính là kinh tế. Còn nhóm không muốn sinh thêm mang nỗi lo về gánh nặng việc nhà, gia đình, bên cạnh công việc ngoài xã hội, sự lo ngại về chất lượng môi trường sống và các điều kiện về y tế, giáo dục; đặc biệt là các cơ hội phát triển, thăng tiến của bản thân.
Ông Trung cho rằng về lâu dài, mức sinh thấp làm suy giảm nguồn nhân lực, đặc biệt là lao động trẻ, ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố. Mức sinh thấp hôm nay sẽ trở thành gánh nặng cho "thế hệ con một" trong tương lai. Những đứa trẻ từng được bao bọc bởi cả gia đình nội ngoại, sẽ mang trách nhiệm gánh vác an sinh cho một xã hội siêu già, đồng nghĩa thiếu hụt nguồn lao động.
"Mức sinh thấp là bài toán rất khó. Bài học con một của những quốc gia đi trước cho thấy TP HCM phải đón đầu già hóa dân số, mà trong đó sinh đủ hai con là một trong những biện pháp quan trọng nhất", người đứng đầu ngành dân số TP HCM nhận định.
Lãnh đạo Cục Dân số yêu cầu TP HCM có những sáng kiến đổi mới về nội dung, phương thức truyền thông, đặc biệt là ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, chuyển đối số. Triển khai có hiệu quả chương trình tầm soát, chẩn đoán, điều trị bệnh, tật trước và sau sinh, tư vấn và khám sức khỏe trước khi kết hôn, cung cấp các dịch vụ thuận tiện, gần dân...
Thời gian qua, ngành dân số TP HCM bắt đầu từ hoạt động cơ bản nhất là truyền thông, tổ chức các hội thảo, tọa đàm với sự tham gia của nhiều chuyên gia, truyền tải các thông điệp về mức sinh thấp và những hệ lụy để mọi người hiểu hơn, tìm kiếm các giải pháp.
Chi cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình cũng đã có những đề xuất tham mưu đối với Sở Y tế trong Dự thảo về chính sách Dân số tại TP HCM đến năm 2030 để trình HĐND, với các giải pháp tập trung vào việc hỗ trợ về mua nhà ở xã hội đối với các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, hỗ trợ viện phí (kinh phí đồng chi trả, ngoài chi phí bảo hiểm y tế thanh toán) cho các cặp vợ chồng ở lần sinh con thứ hai, hỗ trợ chi phí khám sức khỏe trước khi kết hôn...
Bên cạnh đó, cần sự phối hợp của nhiều ban ngành, hoàn thiện hệ thống chăm sóc y tế - giáo dục, miễn giảm học phí, thay đổi hình thức, thời gian trông trẻ mầm non - mẫu giáo, miễn giảm thuế thu nhập cá nhân, điều chỉnh chế độ nghỉ thai sản...
Lê Phương