Mực nang đổi màu khiến cua biển sững sờ đứng nguyên tại chỗ. Video: BBC.
Cảnh quay từ chương trình tài liệu tự nhiên Blue Planet II của BBC hé lộ chiến thuật săn cua biển độc đáo của loài mực nang vân trắng (Sepia latimanus) ở vùng biển Indonesia, Long Room hôm nay đưa tin.
"Da của nó chứa hàng triệu tế bào sắc tố, có thể biến đổi thành nhiều kiểu hoa văn và màu sắc. Và rõ ràng cua biển đã bị thôi miên", người dẫn chương trình David Attenborough giải thích.
Tuy nhiên, mực nang cũng có những kẻ thù cần trông chừng. "Mực nang có thể rất thông minh, nhưng cá mập có kích thước lớn hơn và chúng ăn mực nang", Attenborough cho biết. Khi đó, mực nang phải sử dụng chiến thuật đổi màu da để hòa mình vào môi trường xung quanh khi cá mập bơi ngang qua.
Giống như bạch tuộc, mực nang là loài giỏi bắt chước. Chúng thay đổi màu sắc, họa tiết trên da và tư thế để lập tức tàng hình. Chúng có thể thực hiện những chuyển động phức tạp bằng xúc tu để bắt mồi hoặc tiến hành nghi thức ghép đôi.
Nghiên cứu trước đây về mực nang cho thấy con đực có thể làm cho một nửa cơ thể chúng trông giống con cái để đánh lừa đối thủ. Ở một bên cơ thể, chúng mô phỏng những đặc điểm của con cái để ngăn chặn các đối thủ tiềm năng trong khi ở mặt kia, chúng trưng ra những màu sắc nam tính bắt mắt. Khả năng này cho phép chúng hấp dẫn bạn tình mà không sợ bị kẻ thù xua đuổi.
Hành vi trên thường thấy ở loài mực nang Sepia plangon, sinh sống phổ biến ở vùng ven biển phía đông Australia. Chúng làm vậy để tăng cơ hội ghép đôi trong đời sống ngắn ngủi, khi số lượng con cái vượt xa so với những con đực phải thường xuyên cạnh tranh quyết liệt.
Phương Hoa