Trong nghiên cứu đăng trên tạp chí Ethology tháng 5, các nhà khoa học tại Đại học Ryukyus, Nhật Bản phát hiện mực nang pharaoh có hành vi mô phỏng cách bò và hình dáng của loài cua ẩn sĩ vô hại mỗi khi đi săn mồi, theo National Geographic.
Theo nhà nghiên cứu Kohei Okamoto, khi cải trang làm cua ẩn sĩ, mực nang pharaoh gập các xúc tu và di chuyển chúng như các chân của cua. Các sắc tố đậm màu đồng thời xuất hiện trên da của loài này.
Nhờ cách này, mực nang pharaoh có thể bắt được gấp đôi lượng cá vì cua ẩn sĩ, còn được gọi là ốc mượn hồn (hermit crab) là loài không săn cá và không khiến con mồi của mực nang hoảng sợ. Hành động cải trang này cũng có thể khiến các loài săn mồi khác tránh xa mực nang vì tưởng rằng chúng có một lớp vỏ cứng.
Theo nhà nghiên cứu Nakajima, những con mực nang trong nghiên cứu này sinh ra trong phòng thí nghiệm, chưa từng tiếp xúc với cua ẩn sĩ. "Chúng học từ quan sát trực tiếp hay sự ngụy trang này được lập trình sẵn trong gene là một câu hỏi thú vị về trí thông minh và những hành vi phức tạp", Nakajima nói.
Theo ông, có giả thuyết cho rằng mực nang pharaoh ngay từ giai đoạn phôi đã quan sát và học hành vi của cua ẩn sĩ. Các nhà nghiên cứu lần đầu tiên ghi nhận hành vi giả dạng vào năm 2011 khi tiến hành các thí nghiệm khác với mực nang pharaoh.
Ngụy trang không phải là chiến thuật mới với mực nang hay các loài thân mềm. Mực nang, mực ống, bạch tuộc có thể thay đổi màu sắc cơ thể, họa tiết, tổ chức da chỉ trong tích tắc.
Vũ Phong