Trong số tuyệt phẩm về năm mới của các danh họa Việt, Vườn xuân Trung Nam Bắc của Nguyễn Gia Trí thường được xếp vị trí đầu tiên. Tác phẩm được công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2013.
Bức sơn mài gồm chín tấm, mô tả không khí ngày xuân với hình ảnh thiếu nữ ba miền Bắc, Trung, Nam diện trang phục truyền thống đi chùa, hội xuân. Bên phải tác phẩm là các cô gái Hà Nội mặc áo dài cách tân - do họa sĩ Cát Tường thiết kế ngồi chơi đàn - tượng trưng cho hình ảnh miền Bắc. Chính giữa thiếu nữ đàn, múa cung đình Huế - đại diện miền Trung. Bên trái là cô gái diện áo dài kiểu Lệ Xuân đang dạo chơi - khắc họa phong vị miền Nam. Ngoài ra, khung cảnh xuân thể hiện qua đàn bướm bay, hoa nở, em bé chơi múa lân...
Sinh thời, khi trò chuyện với nhà văn Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Gia Trí cho biết 20 thiếu nữ trong tranh tượng trưng cho 20 mùa xuân - thời gian hoàn thành tác phẩm. Bức sơn mài được họa sĩ sáng tác từ năm 1969 đến 1989. Tác phẩm như lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc cho quê hương. Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định tranh có vẻ đẹp rực rỡ, huy hoàng với khung cảnh đậm chất mùa xuân.
Họa sĩ mượn hai câu thơ trong bài Vũ phiến (Múa quạt) của Đào Duy Từ đề ở hai bên tác phẩm: "Hoa hương phức úc phong tiền chuyển/ Nguyệt ảnh đăng huy thủy thượng phù" (Hương hoa trước gió ngào ngạt tới/ Ánh trăng nổi trên mặt nước sáng rực rỡ). Hình ảnh trong tranh kết hợp lời thơ khiến nhiều người gọi đây là bức Múa quạt.
Tác phẩm thể hiện kỹ thuật sơn mài đỉnh cao của Nguyễn Gia Trí, theo giới chuyên môn. Phần chú thích tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM ghi rõ: "Tác phẩm là sự tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài. Đây là bức tranh có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất và là một trong những tác phẩm sáng tác cuối cùng của cuộc đời họa sĩ Nguyễn Gia Trí".
Họa sĩ áp dụng phong cách sơn mài đồng nhất (laque unie) với các gam màu đặc trưng của kỹ thuật sơn ta như: đỏ, đen, vàng, trắng. Ngoài vật liệu như vàng, bạc, sơn cánh gián, họa sĩ sử dụng vỏ trứng để làm màu trắng. Ông Ngô Kim Khôi nói: "Vỏ trứng trong sơn mài Nguyễn Gia Trí có âm - có dương tức là mặt trái, mặt phải". Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Lương Xuân Đoàn nhận định có thể xem phần trứng trong tranh là đỉnh cao nghệ thuật sơn mài của danh họa. Nguyễn Gia Trí vẽ điểm xuyết vào bức tranh tạo chiều sâu.
Theo ghi chép của họa sĩ Nguyễn Xuân Việt - học trò cố danh họa Nguyễn Gia Trí - về mặt bút pháp, Nguyễn Gia Trí mong muốn: "Vẽ tranh muốn 10 năm như một giờ, vóc trăm cân như không còn trọng lượng". Khi hoàn thành Vườn Xuân Trung Nam Bắc, nhìn vẻ thanh thoát, bay bổng của nó, ông đã nói: "Không phụ lòng anh em".
Theo Cục di sản Văn hóa, năm 1991, tác phẩm được Ủy ban Nhân dân TP HCM mua giá 600 triệu đồng (tương đương 100.000 USD) để trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM. Đại diện bảo tàng cho biết một nhà sưu tập người Bỉ từng trả giá một triệu USD - gấp 10 lần tiền mua ban đầu. Nhiều bảo tàng nước ngoài từng ngỏ ý thuê tranh để trưng bày triển lãm.
Sinh thời, họa sĩ Tô Ngọc Vân từng nhận xét: "Đến cuộc thí nghiệm Nguyễn Gia Trí, lối sơn ta không còn là mỹ nghệ nữa. Ở trí óc, tâm hồn người ấy, nó được nâng lên mỹ thuật thượng đẳng. Nghệ thuật của Gia Trí là ý tưởng, tình cảm đúc lại, một nét, một vết, một màu đều phải ở tay nghệ sĩ mà ra. Đứng trước những tác phẩm ấy, người ta cảm thấy tất cả băn khoăn, yêu mến, khoái lạc của Gia Trí".
Năm 2019, Vườn xuân Trung Nam Bắc bị hỏng sau quá trình tu sửa. Theo kết luận của Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM, tác phẩm hư hại 15% về mặt vật chất, 30% về tinh thần. Bảo tàng sau đó lập dự án khôi phục tác phẩm nhưng khó trở về nguyên trạng. Tranh hiện vẫn được trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM.
Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Chương Mỹ, Hà Nội, tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936. Ông là một trong Tứ kiệt của hội họa Việt Nam: "Nhất Trí, nhì Vân, tam Lân, tứ Cẩn". Ông tổ chức những triển lãm đầu tiên năm 1939 - 1940.
Nguyễn Gia Trí được xem là một trong những họa sĩ đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài. Ông góp phần đưa sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây. Năm 1989, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ông mất tại TP HCM năm 1993. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Hiểu Nhân