Sáng 24/4, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm cho biết đã nhận được chỉ đạo từ Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - ông Nguyễn Ngọc Thiện. Ông Thành dự kiến cuối tuần này vào TP HCM, phối hợp cùng đại diện Cục Di sản Văn hóa và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kiểm tra bức họa Vườn xuân Trung Nam Bắc. Tình hình bảo quản tác phẩm sẽ được báo cáo cho bộ trưởng trước ngày 3/5.
Trước đó, giới hội họa cho rằng tác phẩm sơn mài Vườn xuân Trung Nam Bắc bị hư hỏng sau quá trình tu sửa. Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt, học trò cố danh họa Nguyễn Gia Trí, cho biết từ tháng 12/2018, bảo tàng tháo dỡ, vệ sinh bức tranh. Đến tháng 2 năm nay, sau Tết Nguyên đán, tranh được trưng bày lại. Tuy nhiên, bảo tàng phát hiện tranh có dấu hiệu bong tróc, hư hại nên đã lập hội đồng thẩm định gồm đại diện bảo tàng và một số họa sĩ.
Họa sĩ Nguyễn Xuân Việt - thành viên hội đồng thẩm định - nhận xét bức tranh bị hư hỏng phần lớn bề mặt. Nguyên nhân theo ông là đội vệ sinh đã sử dụng bột chu để đánh bóng mặt tranh. Ông Việt cho biết bột chu chỉ được dùng để đánh bóng tác phẩm khi bề mặt được "toát" (phủ một lớp sơn mỏng). Khoảng 10 năm sau, lớp "toát" này sẽ bay đi. Bức Vườn xuân Trung Nam Bắc (khổ 200x540 cm) đã ra đời cách đây 30 năm. Sinh thời, cụ Nguyễn Gia Trí cho các học trò mài nhẹ lên bề mặt sơn với độ đậm - nhạt khác nhau để bức tranh được hài hòa.
"Tôi chắc chắn việc đánh bóng đã làm mòn lớp mặt của tác phẩm. Một bức tranh chỉ có cái mặt để thể hiện tinh thần tác phẩm, việc đánh bóng quá lố làm mất đi thần thái ấy. Giao cho thợ sơn tu sửa tranh cũng giống như bắt một người không hiểu gì về ngành Y mà đi chữa bệnh cho bệnh nhân", họa sĩ Xuân Việt nhận định. Ông cũng cho rằng mức độ hư hại của tác phẩm không thể tính bằng con số, bởi bề mặt tranh đã bị tổn thương nghiêm trọng.
Họa sĩ Xuân Việt nói nếu được cơ quan chức năng đề nghị, ông sẽ tham gia khâu khắc phục, gia cố tác phẩm. "Tuy nhiên, việc gia cố chỉ có thể khôi phục 80% cho bức tranh. Quá trình gia cố mất khoảng nửa năm để đắp lại vật liệu, nhưng tác phẩm không còn được như xưa", ông nói.
Hiện Bảo tàng TP HCM chưa lên tiếng về sự việc.
Tác phẩm Vườn xuân Trung Nam Bắc được danh họa Nguyễn Gia Trí sáng tác vào giai đoạn đất nước còn trong khói lửa chiến tranh. Tác phẩm như lời nguyện cầu thống nhất và hạnh phúc cho quê hương. Tranh được sáng tác 20 năm, khởi đầu từ năm 1969 và hoàn thành năm 1989. Họa phẩm mô tả không khí ngày xuân và hình ảnh các thiếu nữ ba miền Trung, Nam, Bắc trong trang phục truyền thống, trảy hội xuân với khung cảnh chùa chiền, cây cối.
Tác phẩm là sự tổng hợp mọi thành tựu trong nửa thế kỷ tìm tòi sáng tạo về nghệ thuật sơn mài. Đây là bức tranh có thời gian tâm huyết lâu nhất, ứng dụng nhiều đúc kết trong nghệ thuật nhất, có kích thước lớn nhất và là một trong những tác phẩm sáng tác cuối cùng của cuộc đời họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Năm 1990, tác phẩm được Ủy ban Nhân dân TP HCM mua để trao tặng cho Bảo tàng Mỹ Thuật TP HCM. Tranh được trưng bày và lưu giữ tại đây từ đó đến nay. Năm 2013, Chính phủ ra quyết định công nhận tác phẩm của danh họa Nguyễn Gia Trí là "Bảo vật quốc gia".
Họa sĩ Nguyễn Gia Trí sinh năm 1908 tại Hà Tây (nay là Hà Nội) Ông tốt nghiệp Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương năm 1936. Ông tổ chức những triển lãm đầu tiên năm 1939 - 1940. Năm 1954, ông chuyển vào Sài Gòn sinh sống và làm việc.
Nguyễn Gia Trí được xem là một trong những họa sĩ đi đầu trong việc tạo dựng khuynh hướng mới của nghệ thuật sơn mài. Ông góp phần đưa sơn mài Việt Nam lên đỉnh cao với sự kết hợp giữa yếu tố văn hóa truyền thống Á Đông của người Việt Nam trên chất liệu sơn ta và phương pháp hội họa hàn lâm phương Tây. Năm 1989, họa sĩ Nguyễn Gia Trí được Bộ Văn hóa công nhận là một trong những họa sĩ đương đại có công trong việc xây dựng nền nghệ thuật tạo hình Việt Nam hiện đại. Ông mất tại TP HCM năm 1993. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 2012.
Mai Nhật