Patrick Clawson, Giám đốc nghiên cứu tại Viện nghiên cứu chính sách Cận Đông của Washington tại Washington nói rằng: “Câu hỏi lớn đặt ra cho Mỹ, và càng trở nên cấp bách hơn trước sự kiện này là Mỹ làm thế nào để hòa hợp được với một thế giới trong đó các chính phủ (Hồi giáo ôn hòa) tạo điều kiện cho các thành phần cực đoan gia tăng ảnh hưởng của họ trong khu vực. Đây không phải là một động lực tốt và tình hình này sẽ không biến mất và cần phải giải quyết.”
Đại sứ Mỹ ở Lybia, Chris Stevens đã bị giết ngay tại một thành phố ở phía đông Lybia nơi ông từng xây dựng cơ sở cho phiến quân Lybia trong khi họ chiến đấu để lật đổ kẻ thù lâu năm của Mỹ - ông Moammar Gadhafi. Đại sứ Stevens và ba người Mỹ khác đã thiệt mạng khi một đám đông nổi giận vì một video chống đạo Hồi sản xuất tại Mỹ, đã xông vào lãnh sự quán ở Benghazi và thiêu trụi văn phòng này.
Trong cuộc điều trần của ông trước khi nhậm chức, đại sứ Stevens đã nhiệt tình nói về nhiệm vụ xây dựng một mối quan hệ bền chặt giữa Mỹ và một nước Lybia mới sau cuộc cách mạng thành công lật đổ Gadhafi.
![]() |
Lãnh sự quán Mỹ tại thành phố Benghazi tan tành sau khi bị các phần tử cực đoan tấn công. Đại sứ Mỹ tại Libya và ba người nữa thiệt mạng trong vụ này. Ảnh: AP |
Sự sụp đổ của chế độ cai trị bằng bàn tay sắt của Gadhafi cũng đồng thời giải phóng những băng nhóm Hồi giáo cực đoan nhỏ nhưng ngày càng lớn mạnh gồm những người sẵn sàng tận dụng các quyền tự do mới cũng như các hạn chế lỏng lẻo về an ninh sau khi thay đổi chính quyền ở nước này.
Ngay trong khi cuộc chiến chống lại Gadhafi, Mỹ đã lo ngại về sự hiện diện của các nhóm khủng bố liên quan đến Al Qaeda ở Lybia và toàn bộ khu vực Bắc Phi. Nhưng cuộc tấn công vừa qua dường như do một tổ chức khác là Ansar al-Sharia, khởi sự. Những thành viên của tổ chức này gắn chặt với phong trào Salafi cực kỳ bảo thủ, bác bỏ ảnh hưởng của phương Tây và đòi khôi phục lại các luật lệ Hồi giáo hà khắc của thế kỷ trước.
Các lực lực lượng phong trào Salafi đứng sau vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ dường như cũng là lực lượng đứng sau các vụ biểu tình bạo lực trước sứ quán Mỹ tại Cairo. Các cuộc đập phá có vũ trang bày tỏ sự tức giận của họ đối với một băng video nghiệp dư chống Hồi giáo và phỉ báng nhà tiên tri Muhammad. Băng video này được cho là do một nhà buôn bất động sản người Mỹ gốc Israel sản xuất ở California năm ngoái.
Phát biểu trong Vườn Hồng tại Nhà Trắng ngày 12/9, Tổng thống Obama đã ca tụng bốn người Mỹ đã khuất như là những tấm gương của "tự do và phẩm giá con người”. Ông còn thậm chí nhấn mạnh rằng “không một hành động khủng bố nào có thể ... che khuất được ánh sáng của các giá trị mà chúng ta ủng hộ.”
Tổng thống Obama nói thêm rằng, chính phủ Mỹ đang làm việc với chính quyền Lybia để “đưa ra trước pháp luật” những kẻ chủ mưu của vụ tấn công chết người này. Ông nhấn mạnh “Không được mắc sai lầm: Công lý sẽ được thực thi.”
Trong bài phát biểu này, Tổng thống Obama cũng khẳng định rằng “cuộc tấn công này sẽ không phá vỡ mối quan hệ giữa Mỹ và Lybia”, nhưng khó có thể tin rằng cuộc tấn công này không tác động đến mối quan hệ của Mỹ với Lybia, với các nước trong Mùa xuân Arab và rộng hơn nữa là thế giới Hồi giáo.
Các cuộc biểu tình chống Mỹ và vụ tấn công chết người vào lãnh sự quán của Mỹ ở Benghazi xảy ra trong dịp kỷ niệm vụ tấn công khủng bố vào nước Mỹ ngày 11/9, như Tổng thống Obama lưu ý là ngày thứ ba “từng là một ngày đau buồn” cho người Mỹ, thậm chí trước khi xảy ra các sự kiện ở Ai Cập và Lybia.
Đây là biểu hiện của mối hận thù mà những phần tử Hồi giáo cực đoan trong các nước diễn ra Mùa xuân Arab dành cho Mỹ. Sự kiện cũng có thể gây thêm nghi ngờ đối với nước Ai Cập mới và những ý định của tổng thống mới được bầu là Mohammed Morsi, vốn thân với tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Chắc chắn trong chuyến thăm Nhà Trắng cuối tháng này của ông, mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sẽ chiếm một vị trí cao trong chương trình nghị sự với Tổng thống Obama.
Cái chết của một đại sứ Mỹ tại Lybia rất có thể sẽ củng cố những nghi ngờ của chính quyền Obama đối với lực lượng phiến quân đang tuyệt vọng ở Syria, gồm những nhóm đang chiến đấu nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Một lý do tại sao Mỹ chưa công nhận lực lượng đối lập với chế độ của Assad là mối nghi ngại dai dẳng về mức độ mà các lực lượng Hồi giáo cực đoan, kể cả Al Qaeda, đang tham gia vào cuộc chiến chống lại Assad.
![]() |
Người biểu tình đập phá cửa sổ của đại sứ quán Mỹ tại Sanaa, Yemen. Ảnh: Xinhua. |
Phó thủ tướng Libya, Mustafa Abushagour, lên án việc sát hại đại sứ Stevens như là “một cuộc tấn công vào nước Mỹ, vào Libya, và vào thế giới tự do”, nhưng ông Clawson nghi ngờ khả năng những từ ngữ mang tính an ủi này sẽ được thực thi bằng hành động.
Đầu năm nay chính quyền mới ở Libya đã không làm gì để ngăn những kẻ Hồi giáo cực đoan gây bạo lực chống lại tộc người Sufi ôn hòa, giống như khi các cuộc tấn công vào các biểu tượng về ảnh hưởng của phương Tây ở Tunisia xảy ra, đã không có ai bị trừng phạt.
Clawson kết luận rằng: “Nếu như chính quyền Libya không hành động khi những người bị tấn công là người Lybia thì tại sao chúng ta lại hy vọng là họ sẽ hành động khi các cuộc tấn công nhằm vào (người Mỹ) chúng ta?”
Phạm Ngọc Uyển (theo CSM)