Cho đến năm 2023, chiếc vé bảo tàng đắt đỏ nhất là tôi từng mua là vé bảo tàng Louvre (Pháp) giá 17 euro, và vé bảo tàng Vatican (Italy) giá 25 euro.
Nhưng hóa ra mức giá này vẫn chưa là gì so với vé vào cửa bảo tàng di tích Ephesus ở Thổ Nhĩ Kỳ mà chúng tôi vừa đi năm 2024, giá 40 euro/người, tương đương 1.070.000 đồng.
Nếu du khách muốn đi nhiều bảo tàng, thì Paris có Museum Pass 114 giờ, giá 110 euro, Rome có Roma Pass 72 giờ giá 58,5euro, và Thổ Nhĩ Kỳ có Museum Pass 15 ngày giá 165 euro (4.400.000 đồng).
Xót ruột lắm, nhưng tôi không hề ngần ngừ, bởi cơ hội để được đến những bảo tàng này có thể là duy nhất trong suốt cuộc đời.
Do may mắn, tôi đã được đi hàng trăm bảo tàng ở Việt Nam và thế giới. Điểm chung của nhiều bảo tàng ở Việt Nam là giá rẻ, cũ kỹ, và vắng khách. Điểm chung của nhiều bảo tàng trên thế giới là đắt đỏ, đông khách và là nơi giải trí thường xuyên của người dân.
Đúng vậy, bảo tàng chính xác là một tụ điểm giải trí lành mạnh của cư dân rất nhiều nước trên thế giới. Khi vui - đi bảo tàng, khi buồn - đi bảo tàng, khi rảnh rỗi, khi học hành, thậm chí khi hẹn hò, người ta đều có thể rủ nhau đến bảo tàng.
Chỉ mở cửa giờ hành chính thì nhiều khách không đến được, nên một số bảo tàng mở cửa cả buổi tối, cuối tuần mở đến 22h. Đa số bảo tàng đều có shop đồ lưu niệm, quán cà phê, nhà hàng được thiết kế rất đẹp, vừa để "sống ảo", vừa để nghỉ ngơi và mua sắm.
Louvre thậm chí có nguyên một siêu thị dưới hầm bảo tàng, nơi mà hàng ngàn du khách đến tiêu tiền mỗi ngày, tiêu tiền với tâm lý rất thỏa mãn.
Nắm bắt được tâm lý này, không ít bảo tàng bán luôn vé tuần, vé tháng, thậm chí vé năm cho khách, tất nhiên với mức giá ưu đãi hơn nhiều nếu so với mua vé lẻ. Thế là bảo tàng trở thành điểm hẹn của rất nhiều học sinh, thanh thiếu niên, người đi làm và người già.
Trung Quốc lại có một chiến lược khác. Đại đa số các bảo tàng công (do Chính phủ đầu tư và quản lý) đều miễn phí vào cửa, cả cho người bản địa và khách nước ngoài. Nhưng không vì thế mà bảo tàng ở Trung Quốc cũ kỹ, xuống cấp hoặc quản lý lỏng lẻo.
Ngược lại, hàng chục bảo tàng ở đất nước này mà chúng tôi từng đi đều rất hiện đại, với các công nghệ trưng bày và thể nghiệm tiên tiến, và được quản lý hết sức chặt chẽ. Nhiều bảo tàng yêu cầu khách đăng ký trước qua mạng bằng căn cước công dân hoặc hộ chiếu (đăng ký miễn phí), khi đến nơi tất cả đều phải qua kiểm tra an ninh chặt chẽ như ở sân bay.
Cửa ra vào và mọi không gian trong bảo tàng đều có nhân viên đứng sẵn để hướng dẫn mọi người tham quan, tránh làm hỏng hiện vật, tránh làm ồn và ngăn những hành vi không phù hợp với không gian bảo tàng.
Không thu phí vào cửa, song các bảo tàng ở Trung Quốc lại có bán nhiều vật phẩm lưu niệm thú vị, thậm chí cả những tác phẩm nghệ thuật, đồ trang sức có giá hàng chục triệu đồng, ngoài ra cũng dành những không gian lớn, sạch sẽ, chuyên nghiệp cho hàng trăm du khách ăn uống cùng một lúc. Vì thế khách đi bảo tàng có cảm giác được phục vụ rất chu đáo, thoải mái, và an toàn.
Bảo tàng duy nhất ở Trung Quốc mà chúng tôi phải mua vé là bảo tàng Cố Cung, giá vé 40 nhân dân tệ (khoảng 140.000 đồng). Lượng du khách mỗi ngày đến bảo tàng này theo giới hạn công bố trên website là 80.000 người, và khi chúng tôi đến lúc 9h30 sáng thì đã treo biển hết vé.
Như vậy một ngày bảo tàng có thể thu về hơn 10 tỷ đồng riêng tiền vé vào cửa. Năm 2019, số du khách đến đây là 19 triệu người. Nhưng chưa hết, bên trong bảo tàng Cố Cung còn có vô số nhà hàng, quán café lớn nhỏ, đủ phục vụ hàng ngàn người cùng lúc, và cứ cách vài chục mét lại có cửa hàng lưu niệm, lúc nào cũng đông nghẹt khách hàng, doanh số có thể còn cao hơn tiền vé.
Trẻ em, thanh thiếu niên Trung Quốc rủ nhau đi bảo tàng là chuyện thường ngày. Tại Hàn Quốc hay Nhật Bản cũng vậy. Khi đến Miraikan (The National Museum of Emerging Science and Innovation - Bảo tàng Quốc gia về Khoa học và Đổi mới tiên tiến) ở Tokyo, Nhật Bản, chúng tôi thấy rất nhiều nhóm học sinh tự rủ nhau đi bảo tàng mà không cần cha mẹ hay thầy cô đi cùng.
Các bạn trẻ ở đây nguyên một ngày, quan sát hiện vật, chơi các trò chơi trải nghiệm thú vị, xem phim khoa học trong những phòng chiếu hiện đại, ăn trưa tại nhà hàng có sức chứa hàng trăm người trên tầng cao nhất của bảo tàng, thậm chí có thể chợp mắt ngủ trong bảo tàng, rồi chiều tối mới trở về nhà.
Nhiều bạn trẻ dành cả ngày chụp ảnh, quay phim về các nội dung liên quan đến bảo tàng và đăng lên mạng xã hội, tạo ra "hiệu ứng bảo tàng" rộng rãi và liên tục. Thay vì đóng cửa ở nhà để chơi game hoặc chat chit, rõ ràng đây là một lựa chọn lành mạnh hơn, có lợi hơn cả về thể chất và tinh thần.
Trong sự kiện ra mắt Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tại Hà Nội gần đây, không ít người phê phán các du khách đến tham quan chỉ chăm chăm chụp ảnh và sờ mó hiện vật.
Tôi cảm thấy, sự phê phán này có điểm chưa thật công bằng. Chụp ảnh là nhu cầu tự nhiên và chính đáng của đại đa số du khách ngày nay, thậm chí có người còn đùa vui là ăn ảnh quan trọng hơn ăn cơm. Vì thế, bảo tàng nào tổ chức được không gian "sống ảo" đẹp hơn, độc đáo hơn, dịch vụ hấp dẫn hơn, chắc chắn sẽ giữ chân du khách và thu hút họ quay lại nhiều lần.
Còn về việc tôn trọng hiện vật, trước hết đó là công tác tổ chức của bảo tàng, đồng thời cũng là ý thức của du khách.
Nhiều bảo tàng trên thế giới bố trí đủ nhân viên ở từng khu vực, thậm chí bên cạnh những hiện vật quý còn có cả nhân viên an ninh đeo các thiết bị dụng cụ cần thiết. Họ vừa giám sát, vừa nhắc nhở lịch sự, vừa hướng dẫn nhiệt tình, đó là cách mà các bảo tàng vừa bảo vệ được hiện vật, vừa lấy lòng được du khách.
Dĩ nhiên, khách đến bảo tàng luôn rất đa dạng, với đủ mọi nhu cầu khác nhau. Không thể kỳ vọng rằng ai đi bảo tàng cũng ham học hỏi, yêu lịch sử, trọng tri thức, mê nghệ thuật.
Có nhiều người chỉ vì tò mò, hoặc muốn chụp vài tấm ảnh, muốn con trẻ có chỗ chạy chơi, hoặc muốn uống cốc cà phê với bạn bè, thế là đủ.
Nếu các bảo tàng ở Việt Nam cũng có thể phục vụ nhu cầu phong phú của du khách, với những dịch vụ đa dạng và chuyên nghiệp, thì chắc chắn bảo tàng không còn đi kèm với các tính từ "cũ kỹ", "vắng vẻ" và "nhàm chán".
Trịnh Hằng