Tập đoàn Vàng bạc đá quý DOJI sáng nay niêm yết giá mua vào tại TP HCM là 55,65 triệu đồng và bán ra 56,3 triệu đồng, tăng 50.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua. Đây là doanh nghiệp duy nhất điều chỉnh giá lên sau ngày Thần Tài, nhưng lại có mức chênh lệch mua và bán cao nhất thị trường với 650.000 đồng mỗi lượng.
Cùng lúc, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) giảm 50.000 đồng mỗi lượng mua vào còn 55,55 triệu đồng. Giá bán rớt mạnh so với chiều qua khi mất 250.000 đồng, xuống 56,05 triệu đồng.
Tiệm vàng Mi Hồng cũng điều chỉnh mạnh giá bán, xuống dưới 56 triệu đồng mỗi lượng. Hiện mỗi ounce vàng quốc tế có giá 1.785 USD. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, mỗi lượng vàng thế giới thấp hơn giá trong nước khoảng 5 triệu đồng.
Hôm qua (21/2), hầu hết hệ thống kinh doanh vàng miếng đều niêm yết giá bán 56,3-56,4 triệu đồng một lượng, chưa bao gồm tiền gia công. Nếu bán ngay vàng mua vào ngày vía Thần Tài, khách lỗ khoảng 750.000-850.000 đồng một lượng. Tuy nhiên, hầu hết người mua cho biết mục đích chính của việc này là để cầu may và số lượng không nhiều nên không quan tâm nhiều đến chênh lệch giá hiện tại.
Lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh vàng cho biết đã gom vàng nguyên liệu từ nhiều tháng trước ngày Thần Tài với giá bình quân 57 triệu đồng một lượng. Tính theo giá bán như ngày 21/2, các sản phẩm vàng miếng không có lãi, chưa kể chi phí sản xuất nhưng bù lại tạo dựng được thương hiệu tốt.
Theo khảo sát của Kitco, thị trường kim loại quý đang trở nên tiêu cực khi giá trên đà giảm mạnh do áp lực khi lợi suất trái phiếu tăng. Khoảng 71% chuyên gia Phố Wall cho rằng vàng tiếp tục lao dốc trong tuần này, trong khi chỉ 17% kỳ vọng diễn biến lạc quan và 11% nêu quan điểm trung lập.
Thiên Ngân