Từ ngày 1/10, TP HCM mở cửa trở lại trong bối cảnh bình thường mới. Các chính sách đi lại, hoạt động kinh doanh theo ngành nghề từng bước được mở lại theo lộ trình. Thói quen tiêu dùng và sinh hoạt của người dân cũng có nhiều thay đổi so với thời trước lẫn trong đợt dịch thứ tư.
Là gia đình truyền thống không rành công nghệ, Hoàng Minh (28 tuổi, Gò Vấp) cho biết trong 4 tháng Sài Gòn giãn cách xã hội, nhà anh gặp nhiều khó khăn trong việc đi chợ, mua sắm đồ dùng thiết yếu trên các sàn thương mại điện tử. Bà Lâm, mẹ Minh, từng là người mù công nghệ. Tình thế bắt buộc, bà đành học cách đặt thực phẩm online.
"Mấy tháng đầu còn đỡ, giao đều đều, đồ tươi ngon. Nhưng khoảng một tháng trước, tôi đặt có mấy thứ nước rửa chén, xà bông, mãi chẳng thấy ai gọi giao hàng. May mà trước đó có trữ sẵn, mua phòng hờ thôi, chứ không lại chẳng có mà xài", bà Lâm than thở về tình hình trì hoãn giao hàng khi TP HCM trải qua đợt siết chặt biện pháp chống dịch.
Nhà Hoàng Minh và bà Lâm may mắn vượt qua đợt dịch thứ 4 không có ai nhiễm bệnh. Dù đã tiêm đủ hai mũi vaccine Covid-19, nhà họ vẫn chưa dám ra ngoài nhiều vì sợ lây. Bà Lâm "nhớ chợ" nên đánh liều ra khu chợ nhỏ gần nhà. Lúc đi bà trang bị đầy đủ khẩu trang hai lớp, kính chống giọt bắn, mũ đội đầu, găng tay và chai xịt sát khuẩn.
Ngày đầu ra chợ, bà Lâm háo hức vì sau bao tháng cũng được "chạm" vào thịt, cá tươi rói. Tuy nhiên thấy đông người đi chợ, bà không nán lại lâu, chỉ mua thứ cần thiết rồi về nhà, không quên xịt khuẩn kỹ càng. Dầu gội, xà bông, những thứ thiết yếu khác bà để con trai tiếp tục đặt online. Bà cho biết giá trên các sàn thương mại điện tử giờ rẻ hơn nhiều, được hỗ trợ phí ship và giao sớm hơn tháng trước.
Đây cũng là ưu điểm khiến gia đình Trung Dũng (29 tuổi, quận 11) chuộng mua sắm online trên các sàn suốt từ đầu dịch đến giờ. Dù thời gian giao hàng chậm, nhưng hình thức này lại phù hợp với nơi anh ở. Tuy không có chốt chặn, gia đình Dũng vẫn không thể ra ngoài vì là F0, phải tự cách ly tại nhà gần một tháng.
Lúc nhà chưa có F0, Dũng đã kịp đặt mua vài thứ thiết yếu, xà bông, nước giặt, sữa tắm, kèm theo các mặt hàng vệ sinh, sát khuẩn như nước rửa tay, chai xịt khuẩn, cồn 70 độ, khẩu trang y tế, kính chống giọt bắn... Khi xác định là F1, gia đình anh tự cách ly trong nhà. Thời điểm này shipper vẫn còn hoạt động, anh cẩn thận dặn shipper đặt gói hàng ở ngoài rào chắn rồi rời đi, sau đó mới ra xịt khuẩn cẩn thận gói hàng.
Nhận kết quả test nhanh cả nhà dương tính, gia đình Dũng lao đao vì lo lắng cho bà và các dì tuổi đã cao. Song anh cũng thấy yên tâm phần nào vì nhà đủ lương thực, thuốc men lẫn đồ dùng thiết yếu đã kịp đặt mua và giao đủ trước đó. Khi đồ trong nhà vừa đủ dùng cho khoảng một tháng tới, anh lại lên ứng dụng thương mại điện tử đặt hàng.
"Thời gian giao hàng ước tính khoảng hai tuần đến một tháng sau khi xác nhận đơn, tôi thấy khá ổn. Vì nếu có giao sớm hơn, tôi cũng không ra nhận được, lại liên lụy người khác. Giao chậm vậy mà hợp hoàn cảnh", Dũng kể lại.
Khi biết tin TP HCM bước vào "bình thường mới", gia đình Trung Dũng không vội ra ngoài đi chợ, mua sắm như những F0 khỏi bệnh khác dù đã có kháng thể. Anh cho biết vẫn gắn bó với sàn thương mại điện tử vì giao hàng tận nơi, lại nhiều ưu đãi; trong khi đi siêu thị, chợ tự phát phải xếp hàng, khai báo y tế, còn phải có "thẻ xanh", khá phiền phức. Sản phẩm trên sàn cũng đa dạng hơn vì hàng hóa lưu thông lại bình thường, đơn hàng không bị trì hoãn, hoàn trả. Gia đình anh cũng yên tâm nhận hàng vì đã khỏi hẳn bệnh.
Không riêng gia đình Trung Dũng và Hoàng Minh, nhiều gia đình khác tại TP HCM vẫn chọn gắn bó với các sàn thương mại điện tử vì nhiều ưu điểm, phù hợp thời dịch. Sự ưa chuộng này được giới thương mại điện tử đánh giá vẫn sẽ tiếp tục duy trì ngay cả khi người dùng Việt quen với lối sống "bình thường mới". Các sàn thương mại điện tử trong nước trải qua đợt sale 9/9 mới đây cũng ghi nhận nhiều số liệu tích cực, cho thấy lượng đơn hàng không giảm mà còn tăng trưởng so với giữa dịch.
Đơn cử có Lazada, một trong những sàn thương mại điện tử quay lại giao hàng sớm nhất trong đợt dịch vừa rồi. Theo số liệu ghi nhận thực tế từ sàn này, tổng đơn hàng trong 2h đầu ngày 9/9 tăng gấp ba lần so với lễ hội mua sắm năm ngoái. Trung bình một khách hàng được giảm giá khoảng 690.000 đồng khi mua sắm trên Lazada, giúp người dùng tiết kiệm kha khá chi phí. Thời gian giao hàng cũng được đảm bảo giữa thời dịch nhờ đội ngũ Lazada Logistics vẫn hoạt động và được trang bị đồ bảo hộ đầy đủ.
Việc các sàn thương mại điện tử hoạt động mạnh mẽ trở lại, tích cực tung chương trình ưu đãi lớn, nhiều mã giảm giá, miễn phí giao hàng... khiến người dùng vốn đã quen việc mua sắm online lúc dịch bệnh, giờ lại càng thích thú vì vừa tiện, lại tiết kiệm. Thêm vào đó, đây còn là một trong những hình thức đi chợ, mua sắm lý tưởng cho những gia đình còn e ngại dịch bệnh, chưa dám ra ngoài sinh hoạt bình thường dù TP HCM đã mở cửa lại một số dịch vụ đa ngành nghề.
Thái Nghiên