Mưa phùn là mưa xuân. Ảnh tác giả cung cấp. |
Tôi sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, tôi mới về thăm Việt Nam có hai ba lần, nhưng 30 năm nay bố mẹ tôi hay kể chuyện bên đó cho chị em tôi nghe, nhất là những chuyện về phong tục, tập quán, tết lễ ở Việt Nam nên vốn hiểu biết về Tết nguyên đán của tôi cũng kha khá.
Tôi thích Tết Việt Nam không chỉ ở phong bao mừng tuổi, nhiều loại bánh mứt… Mà còn vì Tết mình có những phong tục, tập quán thật đáng ghi nhớ.
Lúc nhỏ thì thích thú háo hức với những tục lệ : kiêng quét nhà, mặc đồ mới … Lớn lên hiểu biết thêm lại thấy có thêm nhiều điều thú vị.
Gửi bài dự thi tại đây Bấm vào đây để xem thể lệ |
Câu chuyện "Mưa phùn - Mưa xuân" của mẹ luôn làm tôi nhoẻn miệng cười, tươi nét mặt mỗi khi nhớ đến và càng nghĩ càng thêm yêu mến Tết Việt Nam mình.
Mẹ kể rằng: Ở miền bắc của Việt Nam mùa lạnh có một loại mưa hạt nhỏ li ti như hạt bụi tên là mưa phùn, văn thơ hay miêu tả nó là: "Mưa như rây bột". Phần đông mọi người đều không thích loại mưa này vì nó chất thêm độ nặng, ẩm vào không khí, lại hay kéo dài nhiều ngày làm mọi thứ trong nhà cũng bị ẩm ướt, phố xá, ngõ ngách lầy lội, đi lại lép nhép bắn bẩn bùn đất. Thế nhưng không hiểu vô tình hay cố ý mà trong những ngày Tết nếu có mưa phùn thì mọi người lại quên đi những phiền toái đó và còn gọi nó là: mưa xuân.
Thực ra mưa xuân thưa hạt hơn, lất phất dịu dàng đáng yêu hơn. Nó như một thứ đồ trang sức, làm duyên dáng thêm cho mùa xuân nên năm nào không có mưa xuân mọi người cũng nhắc nhở, chờ đợi. Còn mưa phùn thì chắc không có ai mong nhớ bao giờ.
Song có lẽ thời khắc đất trời chuyển giao, lòng người hứng khởi nên mọi thứ đều trở nên đẹp đẽ, đáng yêu.
Chẳng may thiên nhân có nhầm lẫn, nàng xuân có quên trang điểm thì vẫn đưọc con người bao dung, lượng thứ: "Đâu phải mưa phùn, mưa xuân đấy chứ". Rồi cho dù nền nhà có ẩm sì, bánh mứt bị ỉu xìu thì cũng do trời nồm, chứ không phải tại… "mưa xuân" năm đó!
Để được vui vẻ, hạnh phúc trong suốt năm mọi người hay nhắc nhở nhau: ngày đầu năm nên giữ gìn không khí phấn khởi, tươi vui, kiêng kỵ những vụ buồn phiền, khóc mếu, nhất là trong ngày mồng một tết cho không bị "dông" cả năm. Vì vậy hãn hữu có những cơn nóng giận, bực tức và những sai sót lớn nhỏ nếu có cũng dễ dàng đươc thông thoáng, xí xóa.
Tôi thích và nhớ nhất tục lệ này bởi chính tôi đã có lần được "ngày Tết" cứu nguy giải thoát cho: "Hôm nay là ngày Tết nên bố mẹ bỏ qua cho… ".
Đúng là: ngày Tết, mưa phùn là mưa xuân!
Cũng bởi quan niệm: "ngày Tết thế nào thì quanh năm như thế" nên nhà nào cũng lo mua sắm, sang sửa tươm tất cho mấy ngày tết để hy vọng cả năm đó đời sống sẽ được sung túc, đầy đủ, nhà cửa khang trang, sạch sẽ suốt cả năm. Nhưng chắc chắn nếu không chịu bỏ thêm sức lực chịu thương, chịu khó của mình thì cũng sẽ không được như thế đâu!
Vì hồi còn nhỏ tôi có hiểu sai: khai bút tức là sáng mồng một Tết chỉ cần cầm bút nắn nót mấy chữ thật đẹp thì cả năm chữ viết sẽ đuợc đẹp như tiên nên đã cố gắng thử nghìệm. Nhưng đến nay, chữ tôi viết vẫn xấu như…ma! Năm nay tôi sẽ khai bút bằng viết tiếp bài viết này!
Mưa phùn vẫn dầm dề…
Tết nào bố mẹ tôi cũng gói bánh trưng. Mẹ thì chuẩn bị ngâm, vớt, trộn muối vào gao nếp, nấu đỗ nghiền nhuyễn nắm thành từng nắm to để tiện gói hơn. Bố gói bánh trưng đẹp lắm: bánh cao thành vuông cạnh và rất chặt tay.
Bố mẹ thường chia hết phần lớn số bánh làm đươc cho mấy nhà bà con họ hàng, bạn bè thân quen vì ở bên đây ít nhà gói bánh lắm!
Mẹ kể là: ngày xưa có năm bà ngoại tôi vì lý do gì đó không gói bánh được, nhưng Tết năm đó lại có nhiều bánh trưng hơn mọi năm vì nhà nào cũng gói rồi đem cho nhà mẹ, mỗi nhà lại cho những hai cái vì có phong tục bánh chưng phải đi đôi, gọi là một cặp bánh trưng. Rồi mẹ cũng làm giò thủ, nấu xôi gấc, chè kho, hấp bánh tổ và làm vài ba loại mứt.
Mẹ bồi hồi nhớ khi xưa các bạn học nữ của mẹ tuy không rủ nhau mà nhà ai cũng có mứt Tết tự làm. Khi đi chúc Tết từng nhà thì cùng nhau chấm điểm, mứt của mẹ được chấm điểm 9, chỉ thua một bác có thêm món mứt củ sen. Có một bác nam giới cũng biết làm mứt, bây giờ bác ấy làm cán bộ cấp cao cỡ thành phố.
Hồi trường mẫu giáo của chị em tôi làm Kermesse, các bà mẹ làm bánh mang đến bán lấy tiền gây quỹ .Mẹ đóng góp mấy loại mứt mẹ làm. Người Tây ăn khen nức nở rồi hỏi mẹ cách làm. Họ cứ tấm tắc Việt Nam mình không ăn nhiều khoai tây, cà-rốt như họ mà lại có cách chế biến vừa đẹp mắt,vừa ngon miệng. Mẹ nói mấy người Đức, Ba Lan, Hungaria.. ở lớp học tiếng Pháp của mẹ thưởng thức xong cũng khen vậy.
Đêm giao thừa nào bố mẹ cũng đi hái lộc. Mấy hôm sau cành lộc đó nở hoa rất đep vì trong nhà được sưởi ấm hơn. Có năm mẹ làm hoa đào giả gắn lên cành cây khô, phải nhìn sát, sờ vào mới biết là hoa giả vì ngày xưa mẹ cũng hay làm để "chữa cháy" những năm cành đào không có hoa do tiết trời quá lạnh.
Càng về sau này, ở bên đây mọi thứ chuẩn bị đón tết càng được đầy đủ hơn vì bên Việt Nam xuất sang phục vụ bà con Việt kiều. Vậy mà chưa tết nào bố mẹ ưng ý trọn vẹn, hết ca cẩm còn thiếu đồ này thứ nọ, lại chê đồ kia không giống, thứ đó ở Việt Nam ngon hơn, đẹp hơn. Đi hội chợ Tết Việt Nam đã khen có được không khí Tết rồi mà vẫn còn nói: cảm thấy thiêu thiếu cái gì đó…
Có một năm kỳ nghỉ Đông của học sinh trùng với dịp Tết ta, bố mẹ cho chị em tôi cùng về ăn tết với ông bà ngoại ở thành phố Hồ Chí Minh (ông bà nội mất rồi). Tôi cứ nghĩ bố mẹ sẽ rất vui, không còn gì để than thở nữa. Song bố mẹ lại vẫn ưu tư nhắc đến tết ở Hải Phòng, một thành phố bé nhỏ (tôi đã về thăm), cảnh quan cũng khiêm tốn thôi. Nhưng đó là nơi quê cha đất tổ, bố bảo thế. Ở đó bố mẹ có đông người thân và nhiều kỷ niệm xa xưa hơn.
Giải thích thắc mắc của tôi, mẹ bảo ông bà chuyển vào Nam là vì muốn gần gũi với bác và dì công tác ở trong này. Muốn chuyển vào đây thì khó chứ khi nào muốn về Bắc ở thì rất dễ thôi. Cũng giống như nhà mình, tuy có thể dễ dàng đi du lịch các nước, nhưng vẫn khó khăn nếu muốn ở lại nơi đó. Riêng về Việt Nam sinh sống thì sẽ không có gì trở ngại vì đó là quê hương mình, coi như về nhà mình. Mọi người trong nước luôn sẵn lòng đón nhận mình, cho dù trước đây mình có làm sai điều gì.
Ngày Tết, mưa phùn là mưa xuân.
Năm nay mẹ tôi lại về Việt Nam ăn tết với ông bà ngoại. Giờ này có lẽ mẹ đi lễ chùa về rồi, đang vào bếp chuẩn bị bữa ăn,vừa làm vừa ngân nga bài hát mẹ thích. Tôi nghe nhiều cũng thuộc mấy câu cuối:
Về đây nghe em, về đây nghe em,
Về đây đứng khóc trên sông nước này
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn người vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin tạ chút ơn
Hạnh phúc khi đã gặp nhau.
Mai Hương Ly