Trần Vũ thả chiếc điện thoại xuống bàn, hồ hởi sau khi kết thúc cuộc gọi với ai đó. Nhưng ngay lập tức như nhớ ra điều gì, cậu nhấc điện thoại lên và bấm số gọi đi.
"Tối nay ăn ngoài em nhé", cậu mời mọc. "Không sao đâu, mình đi ôtô mà", giọng đáp đầy vẻ hãnh diện, khi người ở đầu dây bên kia dường như thắc mắc vì trời đang nổi giông bão. Qua khe kính ở tầng 10 của văn phòng, gió vẫn rít liên hồi, mưa táp không kịp đọng giọt. Dưới đường, hai ba chục người đi xe máy, thu mình trong những chiếc áo mưa đủ màu sắc, cố giữ cho xe không đổ, co ro trên một vỉa hè chật hẹp.
Chiều thứ 6, ngày làm việc cuối cùng trước khi bước vào kỳ nghỉ lễ 2/9 tưởng chừng buồn tẻ, đã thay đổi. Đợi ngớt mưa, Vũ lao sang nhà chị họ cách công ty cậu chỉ khoảng một cây số. Cậu nhận chìa khóa chiếc Brio. Gia đình anh chị đi picnic đợt này, chỉ dùng xe 7 chỗ nên Vũ được nhờ đem chiếc hatchback nhỏ đi bảo dưỡng, cũng là có phương tiện 3 ngày loanh quanh đâu đó.
Buổi tối, vợ chồng cậu đi lòng vòng đủ nơi trong thành phố, để ăn tối, cafe nghe nhạc rồi xem phim tới khuya. Hoàn lưu của cơn bão Podul khiến Hà Nội mưa lúc rả rích, lúc xối xả. Gia đình trẻ thì không hề mảy may, dù có lúc đường tắc như nêm. Họ ngồi trong xe, nghe "Kết nối yêu thương" ở kênh 91 Mhz. Trên radio, một anh làm nghề xây dựng, viết thư cho bạn gái nhân dịp sinh nhật cô, hẹn 3 tháng nữa chụp ảnh cưới ở Đà Lạt. Với Vũ, đi ôtô, chuyện gì cũng trở nên dễ thương như vậy.
Trần Vũ và vợ, Quỳnh Chi có hồ sơ khá đẹp nếu so với bạn bè. Vũ 30 tuổi, tốt nghiệp một đại học danh tiếng, đi làm cho một công ty lớn, vị trí trưởng nhóm. Quỳnh Chi kém chồng 3 tuổi, học về truyền thông, tốt nghiệp làm đúng chuyên ngành. Tổng thu nhập hai vợ chồng mỗi tháng khoảng 40 triệu. Tuần trước, họ kỷ niệm 6 tháng về chung nhà - một căn chung cư đi thuê, giá 7 triệu. Cuộc sống của "đôi chim sẻ" chưa có con, khá thoải mái.
Đó là vì, họ chưa có gì trong tay.
Chi lâu lâu lại mang giấy bút ra nhẩm nhẩm, cộng cộng rồi thở dài, vẫn thiếu nhiều quá. Tiền tiết kiệm được hơn 1 tỷ. Muốn mua nhà ở gần, phải vay ngân hàng khoảng 1,5 tỷ nữa. Họ tự lực cánh sinh, không có trợ giúp nào khác. Mua ở xa thì Vũ không nỡ, vì sức khỏe bà xã không đảm bảo hàng ngày phơi mặt trên xe máy đi về 30 cây số. Bài toán được đặt ra. Lấy 40 triệu trừ 7 triệu thuê nhà, 15 triệu trả lãi nếu vay ngân hàng thì chỉ còn lại 18 triệu. Tất cả dành cho sinh hoạt, tiết kiệm rồi còn công nọ việc kia, giúp đỡ bố mẹ. Có vẻ không ổn, Vũ tính thế.
Chỗ "chui ra chui vào" còn chưa giải quyết được, việc hy vọng còn dư tiền để kiếm chiếc xe nho nhỏ lại càng xa vời. Mục tiêu trước 35 tuổi của Vũ là mua nhà, mua xe và lo cho con nếu năm tới vợ sinh. Bạn cậu, có người sinh ra đã ngồi ở vạch đích. Duy Hưng, người thành đạt nhất lớp Vũ, ra trường có sẵn chiếc bán tải để chạy, điều hành công ty gia đình, mua chung cư cao cấp ngay trung tâm thủ đô. Bạn của Chi cũng nhiều người mà cô luôn thấy họ giỏi, khi bán hàng online vài năm mua nhà, mua xe đầy đủ; thỉnh thoảng khoe vài chiếc túi hàng hiệu trên Facebook.
Nhưng gia đình Vũ thực ra vẫn ở mức khá. Nhiều người đồng trang lứa với họ còn chật vật hơn, chỉ ở nhà thuê 1-2 triệu giống thời sinh viên, lương không tới 8 con số. Họ có ước mơ nhà, xe không? Hẳn là có. Thử tìm kiếm cụm từ "mua nhà hay mua xe" trên Google, có tới 166 triệu kết quả, không thua kém cụm từ hot cả nước quan tâm là "Việt Nam Thái Lan" - 225 triệu kết quả. Đây cũng là một trong những chủ đề thảo luận sôi nổi nhất trên diễn đàn Xe/VnExpress.
Vấn đề của người trẻ là chưa tích lũy đủ, trong khi giá xe vẫn còn chênh lệch lớn so với thu nhập, bởi chịu nhiều loại thuế phí. Mục tiêu 35 tuổi của Vũ có thể sẽ không thực hiện được, nếu không có đột biến trong công việc. Khi mua nhà, tiền trả lãi, nuôi con, sinh hoạt sẽ khoét rất nhanh túi tiền của người trẻ. Nhưng ước mơ thì vẫn hừng hực.
Ước mơ đó đến từ 3 năm trước. Trong một lần đi họp lớp, trời cũng mưa. Vũ đèo Chi, khi ấy vẫn là người yêu, đến nhà hàng trên chiếc xe máy. Vũ ướt một bên ống quần, Chi thì đầu tốc nhễ nhại vì dính nước mưa. Ngay cạnh, cậu bạn mở cửa xe bước xuống, bung ô che cho bạn gái. Vũ cảm thấy ngại chào hỏi, dù người ta thì rất thân thiện. Cậu không ngại cho mình, mà "xót" cho vợ, váy vóc trang điểm đã bớt đẹp phần nào. Từ đó, mục tiêu mua xe hơi xuất hiện.
Ba năm là khoảng thời gian quá ngắn để biến ước mơ thành hiện thực, khi mà ý niệm "an cư, lạc nghiệp" vẫn lấn át tâm trí Vũ, cũng như suy nghĩ "phải có một tổ ấm trước khi sinh con". Mong ước thì ngày càng lớn lên, nhưng túi tiền chỉ nhích thêm từng chút một rất khiêm tốn.
Nhưng kệ, Vũ tặc lưỡi, giật mình khi Chi hỏi "anh nghĩ gì mà ngẩn người ra thế?". Mưa bên ngoài càng lúc càng xối xả. Với bệnh viêm mũi dị ứng của Chi, nếu xe máy, chắc tối về cô lại bị những cơ hắt xì hành hạ. Nhưng đi ôtô, cô khỏe re.
Hai ngày lễ sau đó, vợ chồng trẻ hứng thú ra khỏi Hà Nội, lên núi Ba Vì, xuống phố biển Hạ Long, kiểu đi chơi nhiệt tình của những người mới sử dụng ôtô. Họ thích thú, vì ngày mai, lại trở về với chiếc hai bánh, với quần áo bám đầy mùi khói chỉ sau 15 phút ra đường.
Buổi tối ngày nghỉ lễ cuối cùng, Vũ lùi chiếc Brio vào đỗ ở bãi gần nhà. Do mới lái, cậu không cẩn thận để đuôi xe hơi chạm vỉa hè, xước một mảng nhỏ. Cậu tính, nếu mà mua chiếc này, nhất định sẽ lắp thêm camera lùi.
Xe 438 triệu. Lăn bánh và lắp thêm camera lùi, phụ kiện, khoảng gần 520 triệu.
"Thôi, từ từ rồi tính", Vũ nói với Chi, khi ra khỏi nhà ngày đầu tiên đi làm sau nghỉ lễ, bằng xe máy.
Đức Huy
Ảnh: Minh Quân