Theo thông tin cung cấp, bạn đã hoàn tất thủ tục mua bán nhà, bao gồm việc sang tên sổ đỏ và thanh toán đầy đủ tiền mua nhà, vì vậy bạn là chủ sở hữu hợp pháp. Chủ cũ không còn quyền sử dụng, chiếm giữ hoặc cư trú tại căn nhà đã bán nếu không được sự đồng ý của bạn.
Khi bạn mua nhà và sang tên sổ đỏ, nếu đã liên hệ với bên Điện lực và đơn vị cấp nước làm thủ tục sang tên hợp đồng mua bán điện nước (HĐMBĐN) từ chủ hợp đồng cũ sang tên của bạn thì có thể đề nghị các bên cung cấp dịch vụ cắt điện, nước.
Trường hợp chưa hoàn thành thủ tục sang tên HĐMBĐN từ chủ hợp đồng cũ, bạn cần mang giấy tờ tùy thân cùng hợp đồng chuyển nhượng nhà, đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất đến làm việc với các bên cung cấp dịch vụ để làm thủ tục sang tên.
Sau khi là chủ hợp đồng mua bán điện nước của căn nhà này, bạn có thể gửi thông báo trước tới chủ cũ về việc nếu không chuyển đi thì sẽ làm thủ tục báo cắt điện nước ngôi nhà theo đúng quy định của pháp luật.
Bộ luật Dân sự 2015 đã quy định tại Điều 164 về biện pháp bảo vệ quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản và Điều 166 về quyền đòi lại tài sản. Trong trường hợp vợ chồng chủ nhà cũ vẫn không hợp tác bàn giao nhà và rời đi, hoặc gây khó dễ trong việc bàn giao căn nhà, đã đề nghị chính quyền địa phương can thiệp, tác động nhưng không có hiệu quả thì bạn có quyền kiện chủ nhà cũ ra tòa án để đòi lại tài sản (căn nhà) và yêu cầu chấm dứt hành vi chiếm giữ trái pháp luật.
Sau khi có phán quyết của tòa án buộc giao nhà, nếu họ vẫn không thực hiện, bạn có thể đề nghị cơ quan thi hành án dân sự cưỡng chế.
Luật sư Phạm Quốc Bảo
Công ty Luật Bảo Ngọc, Hà Nội