Căn nhà là mơ ước đối với nhiều cặp vợ chồng trẻ. Vì thế sau khi kết hôn ai cũng cố gắng để có mái ấm cho riêng mình. Tuy nhiên liều lĩnh vay nợ mua nhà trong khi chưa chuẩn bị đủ tiền trong khi thu nhập hàng tháng thấp khiến cuộc sống ngột ngạt, vợ chồng lục đục.
Độc giả Cát Bụi chia sẻ:
Trong trường hợp mua nhà khi kinh tế không đủ, người xưa hay có câu rằng "tay không bắt giặc" hoặc là "không bột sao gột nên hồ". Ý nói trong tay không có tiền đồ gì mà dám mua đất, mua nhà. Chỉ biết mua mà không tính trước lường sau. Cho nên hậu quả là quá sức. Lương hiện tại tổng thu nhập có 13 triệu đồng mà trả nợ hết nửa rồi là không ổn.
Người ta chỉ cố mua nhà khi thiếu tầm10 - 20% thôi thì còn được. Chưa có nhà thì đi thuê, bao giờ kinh tế vững thì mua có sao đâu? Gánh mà nặng quá thì buông thôi, bán nhà đi trả hết nợ rồi thuê nhà ở đỡ phải cãi nhau.
Cuộc sống của mình như nào thì do mình phấn đấu tự tạo, chứ cứ ngồi bánh vẽ hão huyền thì chỉ tăng cảm giác sĩ diện cho cái danh lợi mà thôi. Rất nhiều nhà chỉ vì muốn ta phải hơn thiên hạ nên vay mượn, xây nhà tậu xe hoành tráng, xong rồi vài hôm thì vỡ nợ, có khi biệt xứ luôn.
Trong khi đó, một số độc giả chia sẻ nếu phải chờ có đủ tiền thì bao giờ mới mua được nhà:
Tôi không biết mọi người sao, chứ chỗ tôi mà đợi đủ tiền mua đất thì chỉ có những người mua thêm thôi. Chứ mới lập gia đình, còn trẻ mà cứ đợi đủ hoặc thiếu 10-20% mới mua là không có. Vì đất tăng giá còn cao hơn lương tăng nhiều. Giá đất nó có ngồi im đâu mà đợi đủ tiền mới mua
Ngày xưa, tôi mua đất bằng tiền vay mượn trong khi hai vợ chồng có 5 triệu đồng. Trả lãi hết 2/3 tổng thu nhập nên phải cực kỳ thắt lưng buộc bụng. Sau 3 năm giá đất tăng gấp 7-8 lần, chúng tôi cắt một phần bán đi cũng dư trả nợ. Ở đời liều thì mới ăn nhiều, chẳng ai nói trước được chuyện hên xui may rủi.
>> Bán nhà sáu tỷ đồng gửi tiết kiệm là 'bóc ngắn cắn dài'
Trong khi đó độc giả Giang Nguyễn cho rằng chi tiêu luôn khiến nảy sinh mâu thuẫn trong gia đình nên phải tính toán kỹ lưỡng:
Chi tiêu là chuyện muôn thuở của các gia đình. Khi bất đồng về chi tiêu hãy nên có bảng cân đối thu chi, từ đó có thể thấy được bản thân và gia đình đã thu được tiền từ đâu chí vào cái gì nhiều. Có vậy dễ nhìn lại và vợ chồng chia sẻ nhau dễ hơn. Dĩ nhiên lịch sử thu chi chỉ nên là cơ sở tham khảo.
Còn cách hoạch định lại khác khoản chi thì tùy từng người tùy gia đình. Hiện nay có rất nhiều ứng dụng sổ thu chi ví dụ như misa bạn có thể ghi khá chi tiết và thêm các mục tùy ý.
Độc giả Cầu Nối Bđs thì cho rằng:
Hai vợ chồng trước khi làm gì phải cân đong đo đếm thử nếu làm điều đó thì sẽ phải chi phí ra sao, có khoản dự phòng không. Vạch hướng gia tăng thu nhập cho cả hai, chứ không phải bỏ vào tình huống phải gánh rồi thì lúc đó rất dễ sinh ra cãi nhau.
Nhưng nếu mọi chuyện đã xảy ra rồi, thì bình tĩnh cùng nhau mà cố gắng, tuy biết là chuyện tiền bạc sẽ rất nặng đầu, nhưng thay vì cãi nhau hãy suy nghĩ biện pháp.
Đừng trách móc lẫn nhau mà hãy góp ý mang tính xây dựng, hai vợ chồng ngồi lại vạch ra chi phí trong gia đình xem thử tiết kiệm nhất thì còn thiếu hụt bao nhiêu. Rồi sẽ tìm cách để gia tăng thu nhập hơn.
Nói chung đồng vợ đồng chồng tát biển đông cũng cạn, nhớ lấy câu đấy để vợ chồng cùng xây dựng chứ không phải cãi nhau rồi phá vỡ gia đình.
>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiến tại đây.
Hữu Nghị tổng hợp