Luật sư tư vấn
Theo khoản 3 Điều 2 Nghị định 08/2020/NĐ-CP, vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
Về giá trị pháp lý, vi bằng không thay thế văn bản công chứng, chứng thực. Vi bằng chỉ là nguồn chứng cứ để Tòa án xem xét khi giải quyết vụ việc dân sự và hành chính theo quy định của pháp luật; căn cứ để thực hiện giao dịch giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, theo điểm a khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp kinh doanh bất động sản quy định tại điểm b khoản này.
Như vậy, việc mua bán nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng không được pháp luật thừa nhận, người mua nhà đất thông qua hình thức này gặp nhiều rủi ro và nguy cơ bị thiệt hại rất lớn. Một số thiệt hại có thể xảy ra đối với người mua nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng, như là: bên bán đã mang nhà đất đó thế chấp cho ngân hàng nhưng nay tiếp tục bán thông qua hình thức lập vi bằng; chỉ một nhà đất nhưng lại bán thông qua hình thức lập vi bằng cho nhiều người nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản...
Do đó, tôi khuyến nghị mọi người không nên mua nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng để tránh gặp rủi ro và thiệt hại. Việc mua bán nhà đất cần được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.
Luật sư Phạm Thanh Hữu
Đoàn luật sư TP HCM