Tại thành phố Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, 7,6 triệu cư dân sáng nay nhận được khuyến nghị từ giới chức trì hoãn đi làm và hủy các hoạt động không thiết yếu vì "thời tiết cực đoan". Một ngày trước đó, một số cảnh báo màu đỏ, mức cao nhất trong hệ thống cảnh báo mưa bão 4 cấp của Trung Quốc, đã được ban hành.
Dữ liệu của cảnh sát giao thông cho thấy 52 đoạn đường bị ngập nước, 30 trong số đó đã bị đóng cửa. 5 học sinh và một tài xế mắc kẹt trong một xe buýt trường học ở khu vực ngập nước và phải được lực lượng cứu hộ đưa lên xuồng cao su.
Cảnh báo nguy cơ lũ lụt cũng được ban hành tại tỉnh Cát Lâm, phía bắc Liêu Ninh.
Tại thành phố Diên Cát, tỉnh Cát Lâm, giáp biên giới với Triều Tiên, một người đàn ông được ca ngợi lòng dũng cảm sau khi lặn xuống dòng sông cuồn cuộn nước để cứu vợ dù không biết bơi. Hai vợ chồng bị một số vết xây xát nhưng không bị thương nặng.
"Tôi thề kiếp sau sẽ vẫn lấy anh ấy", người vợ mỉm cười nói với truyền thông.
Trong 12 giờ tới, lũ sông dâng cao dự kiến làm ngập đất nông nghiệp và các khu đô thị ở các thành phố Trường Xuân và Tứ Bình của tỉnh Cát Lâm. Liêu Ninh và Cát Lâm cũng được dự báo sẽ chứng kiến nhiều trận mưa như trút nước trong hai ngày tới.
Ba tỉnh vùng đông bắc gồm Hắc Long Giang, Cát Lâm và Liêu Ninh được gọi là "vành đai công nghiệp" bởi tập trung nhiều cơ sở công nghiệp của Trung Quốc.
Từ tỉnh Hà Bắc ở phía bắc đến An Huy ở phía đông, nhiều tài xế ôtô bị mắc kẹt vì động cơ chết máy trên những con đường ngập nước do những trận mưa lớn trong tuần này.
Trong tháng qua, Trung Quốc đã phải vật lộn với thời tiết khắc nghiệt từ sóng nhiệt đến lũ lụt lịch sử. Các nhà khí tượng học cho rằng biến đổi khí hậu và cơn bão đầu tiên trong năm Chaba đã gây nên những hình thái thời tiết cực đoan.
Hồi tháng 7/2021, hàng trăm người đã thiệt mạng vì lũ lụt nghiêm trọng ở Trịnh Châu, thành phố 12 triệu dân ở miền trung Trung Quốc.
Huyền Lê (Theo Reuters)