![Xe tăng VT-4 Thái Lan trong quá trình nghiệm thu. Ảnh: Army Recognition.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/01/29/thailand-tests-chinese-vt4-2419-1548726786.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=wVeKzAmohniqZBF1_VupUQ)
Xe tăng VT-4 Thái Lan trong quá trình nghiệm thu. Ảnh: Army Recognition.
Quân đội Thái Lan tuần trước công bố kế hoạch chi 73 triệu USD để mua thêm 14 xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 do Tập đoàn Công nghiệp phương Bắc Trung Quốc (NORINCO) chế tạo. Nếu được thông qua, đây sẽ là hợp đồng mua xe tăng thứ ba giữa Bangkok và Bắc Kinh, sau hai hợp đồng có tổng trị giá gần 222 triệu USD được ký năm 2016 và 2017.
Cũng trong năm 2017, chính quyền Thái Lan đã phê duyệt kế hoạch mua ba tàu ngầm S26T Trung Quốc với trị giá hơn một tỷ USD. Tuy nhiên, những thỏa thuận hợp tác quân sự giá trị lớn với Trung Quốc của chính quyền Thái Lan đang hứng chịu hàng loạt chỉ trích trong dư luận với lý do thiếu tính minh bạch, thậm chí còn bị một số người cáo buộc là "các hợp đồng phi pháp" có thể khiến Bangkok hứng chịu nhiều hậu quả, theo CTN News.
Sau cuộc đảo chính lật đổ thủ tướng Yingluck Shinawatra vào năm 2014, Hội đồng Hòa bình và Trật tự Thái Lan (NCPO), chính quyền quân sự do các tướng lập ra, đã tăng ngân sách quốc phòng thêm 20%, từ mức 5,8 tỷ USD/năm lên 7,2 tỷ USD. Sau thông báo của quân đội Thái Lan về hợp đồng mua thêm xe tăng từ Trung Quốc hồi tuần trước, Srisuwan Janya, tổng thư ký nhóm hoạt động chính trị Hội Bảo vệ Hiến pháp Thái Lan đã lên tiếng yêu cầu điều tra các hợp đồng vũ khí này.
"NCPO cho phép quân đội mua nhiều khí tài Trung Quốc, bao gồm cả tàu ngầm S26T và xe thiết giáp VN1. Tại sao họ tập trung mua sắm khí tài từ Bắc Kinh, nhất là khi chúng không thể được giám sát công khai như phương Tây", Janya phát biểu.
Sau khi Mỹ lên tiếng phản đối cuộc đảo chính quân sự năm 2014, quan hệ giữa Thái Lan với đồng minh lâu năm này trở nên nguội lạnh, các cuộc diễn tập chung giữa quân đội hai nước bị cắt giảm về quy mô và tần suất, trong khi quan hệ quốc phòng giữa Bangkok và Bắc Kinh trở nên nồng ấm.
Sau khi Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha thăm Nhà Trắng hồi tháng 10/2017, Bangkok công bố kế hoạch mua 4 trực thăng UH-60 Black Hawk của Washington với tổng trị giá gần 100 triệu USD. Hải quân Thái Lan trong năm đó cũng xác nhận sẽ mua tên lửa chống hạm RGM-84L Harpoon Block II do tập đoàn Boeing phát triển. Tuy nhiên, quy mô của các hợp đồng này kém xa những thương vụ Thái Lan ký với Trung Quốc.
![Xe tăng VT-4 trong biên chế lục quân Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/01/29/Royal-Thai-Army-VT4-Main-Battl-5520-1737-1548726786.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=op4274N5QVTzE1pzF6mLAw)
Xe tăng VT-4 trong biên chế lục quân Thái Lan. Ảnh: Bangkok Post.
"Khí tài quân sự Trung Quốc có giá rẻ nhưng chất lượng thua kém sản phẩm Mỹ và phương Tây. Tuy nhiên, việc Thái Lan mua xe tăng, tàu ngầm và nhiều vũ khí Trung Quốc không gây bất ngờ, khi chính quyền quân sự nước này đang ngả về Bắc Kinh do chính sách dưới thời cựu tổng thống Mỹ Barack Obama", Paul Chambers, giáo sư ngành quan hệ quốc tế ở đại học Naresuan của Thái Lan, nhận xét.
Giáo sư Chambers cho rằng Bangkok đang chào đón các khoản đầu tư và vũ khí từ Bắc Kinh, nhưng sẽ duy trì chính sách đối ngoại cân bằng giữa Nga - Trung Quốc và Mỹ - Nhật.
"Quân đội Thái Lan từng nhiều lần mua vũ khí từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc ngả về phía Bắc Kinh có thể đi ngược lại chiến lược hiện nay của họ, khiến chính sách đối ngoại và quốc phòng của Bangkok ít mềm dẻo hơn. Ảnh hưởng từ Trung Quốc có thể khiến Thái Lan đưa ra những quyết định có lợi cho Bắc Kinh trong tương lai", Dulyapak Preecharush, phó giáo sư nghiên cứu Đông Nam Á tại đại học Thammasat, nhận xét.
Một số người lo ngại rằng việc dựa ngày càng nhiều vào vũ khí, khí tài Trung Quốc có thể khiến Thái Lan nếm thêm "trái đắng" như thương vụ mua xe tăng chiến đấu chủ lực Type-69-II năm 1987. Chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào biên chế, quân đội Thái Lan đã phải loại biên trước thời hạn toàn bộ 25 xe tăng Type-69-II do gặp nhiều hư hỏng, trục trặc và thiếu linh kiện thay thế.
Chính quyền Thái Lan phải ném số xe tăng này xuống biển để làm rặng san hô nhân tạo vào năm 2010. Số phận của những chiếc Type-69-II này được coi là thất bại đáng quên trong tiến trình mua sắm vũ khí của Bangkok.
![Một xe tăng Type-69-II bị Thái Lan ném xuống biển năm 2010. Ảnh: Bangkok Post.](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2019/01/29/Type-69-II-1-7058-1548726786.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sXamyfvHV2Ctbn7h3OhIVw)
Một xe tăng Type-69-II bị Thái Lan ném xuống biển năm 2010. Ảnh: Bangkok Post.
Ngoài lô xe tăng Type-69-II, Thái Lan cũng gặp vấn đề lớn khi mua 4 tàu hộ vệ lớp Type-053H2 từ Trung Quốc với giá 60,3 triệu USD/chiếc, chỉ bằng một phần tư giá chiến hạm cùng loại của phương Tây.
Ngay sau khi nhận bàn giao, hải quân Thái Lan bắt đầu than phiền về chất lượng tàu. Dây điện của 4 chiếc Type-053H2 đều bị lộ ra ngoài, buộc hải quân Thái Lan phải thiết kế lại mạng điện. Hệ thống kiểm soát thiệt hại cũng rất kém, thiết bị dập lửa và cửa chống nước không hiệu quả. Hải quân Thái Lan đánh giá nếu vỏ tàu bị thủng, nước sẽ nhanh chóng tràn vào và làm chìm tàu. Bangkok buộc phải chi nhiều tiền của và thời gian để sửa chữa những vấn đề này.
Bên cạnh Thái Lan, Trung Quốc cũng đang xuất khẩu vũ khí tới một số nước Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines và Myanmar nhằm tăng cường quan hệ quốc phòng và sức ảnh hưởng. Tuy nhiên, nhiều khí tài do nước này chế tạo đã gặp sự cố trong quá trình sử dụng hoặc bị đánh giá là kém chất lượng.
Trong đợt diễn tập ngày 14/9/2016 của hải quân Indonesia, hai tên lửa chống hạm C-705 do Trung Quốc sản xuất gặp vấn đề sau khi phóng và không thể bắn trúng mục tiêu. Sự cố xảy ra trước sự chứng kiến của Tổng thống Indonesia Joko Widodo. Chỉ vài tháng sau, một khẩu pháo phòng không hai nòng Giant Bow do Trung Quốc sản xuất cũng bị trục trặc và tự khai hỏa, khiến 4 binh sĩ Indonesia thiệt mạng và 8 người bị thương.
Cuối tháng 6/2017, Trung Quốc tặng hàng nghìn súng trường CQ-5A cho quân đội Philippines để chống phiến quân. Tuy nhiên, một sĩ quan Philippines giấu tên cho biết những khẩu CQ-A5 do Trung Quốc tặng chỉ có chế độ bắn phát một. Xạ thủ phải siết cò để bắn được một phát đạn, sau đó nhả và siết cò để khai hỏa viên đạn tiếp theo.
Chế độ này giới hạn đáng kể tốc độ bắn và mật độ hỏa lực của mỗi binh sĩ so với bắn liên thanh, khi chỉ cần một lần siết cò để bắn hết băng đạn. Đây là nhược điểm chết người khi binh sĩ Philippines đối mặt với các tay súng phiến quân trang bị súng trường tự động và súng máy.
Một số nhà hoạt động chính trị Thái Lan đặt câu hỏi về việc chính quyền quân sự hối hả ký hợp đồng mua vũ khí giá trị lớn với Trung Quốc ngay trước thềm cuộc tổng tuyển cử sẽ được tổ chức vào ngày 24/3. Theo phó giáo sư Preecharush, một khi các hợp đồng này được ký, chúng sẽ được thực hiện kể cả khi Thái Lan có chính quyền mới, do quân đội vẫn đóng vai trò quan trọng trong cuộc bầu cử và tiến trình chuyển giao quyền lực.
"Việc mua sắm vũ khí với Trung Quốc có thể ảnh hưởng phần nào đến hình ảnh của chính phủ, nhưng sẽ không quá nhiều. Nhiều người đặt câu hỏi về giá trị cũng như chất lượng vũ khí và mục tiêu mua sắm, nhưng Trung Quốc chấp nhận chia sẻ công nghệ sản xuất vũ khí cho Thái Lan, điều có thể tốt cho ngành công nghiệp quốc phòng và nghiên cứu an ninh nước này", Preecharush nhận định.