Tại Hội thảo về thương mại điện tử và thuận lợi hóa thương mại trong quá trình hội nhập diễn ra sáng 21/12 ở TP HCM, anh Nguyên bức xúc về việc thiếu hành lang pháp lý để bảo vệ người mua hàng trực tuyến. "Thanh toán tiền sòng phẳng nhưng hàng không được chuyển về hoặc chất lượng kém hơn quảng cáo của trang web thương mại điện tử, khách hàng sẽ khiếu kiện ở đâu để được giải quyết?", anh Nguyên băn khoăn.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam 2007 khởi sắc với việc nhiều website mới ra đời và dịch vụ thanh toán trực tuyến dần trở nên phổ biến. Song nhiều khách hàng bắt đầu nhận thấy, bùng nổ trang kinh doanh trực tuyến cũng đồng nghĩa với chất lượng nhiều website kém, không ít trường hợp bị mất tiền vì không nhận được hàng hoặc hàng không như ý muốn.
Ông Trần Hữu Linh, Vụ Thương mại điện tử thuộc Bộ Công thương thừa nhận, các trang web kinh doanh trên mạng xuất hiện thời gian gần đây với số lượng lớn và chất lượng khác nhau. Vấn đề là khách hàng phải chọn những website thương mại điện tử đáng tin cậy để giao dịch. Khi có tranh chấp xảy ra khi mua bán trên mạng, theo ông Linh, việc giải quyết rất phức tạp, thậm chí người mua mất tiền cũng đành chịu. Tình trạng này không chỉ xảy ra ở Việt Nam.
Tuy vẫn còn những rủi ro trong mua bán qua mạng, song 2007 được giới kinh doanh thương mại điện tử đánh giá là đánh dấu sự thành công trong triển khai thanh toán trực tuyến, đặc biệt là sự nỗ lực lớn mạnh của các trang web chuyên ngành.
Tên của trang web www.pacificairlines.com.vn được giới kinh doanh thương mại điện tử nhắc đến thường xuyên như một điển hình của website doanh nghiệp thành công trong triển khai thanh toán giao dịch trực tuyến.
Theo đánh giá của Phó tổng giám đốc Công ty thẻ Smartlink Nguyễn Đăng Hùng, hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines đã thành công khi triển khai dịch vụ bán vé máy bay qua mạng internet. Doanh số tăng trưởng của công ty này trong 9 tháng thực hiện vé điện tử đã vượt kế hoạch 20%, dự kiến chiếm 50% doanh số trong năm 2008. Pacific Airlines cũng cắt giảm được một khoản đáng kể chi phí hợp lý, nâng cao hình ảnh của một thương hiệu mới, hiện đại và hợp xu thế thời đại.
TrustVn.gov.vn, chuyên đánh giá xếp hạng các website thương mại điện tử uy tín của Việt Nam do Bộ Công thương phối hợp với Hiệp hội thương mại điện tử thực hiện, cũng vừa công bố top 10 trang web B2C (thương nhân cung cấp hàng đến người tiêu dùng), uy tín.
Trong đó, mạng Pacific Airlines chiếm vị trí quán quân, tiếp theo là 123mua.com.vn; travel.com.vn.
Gophatdat.com, một website thương mại điện tử B2B (thương nhân cung cấp dịch vụ đến thương nhân) được đánh giá là có sức lớn mạnh Phù Đổng, đứng thứ 3 trong top 10 website B2B bình chọn của TrustVn. Chưa được hai năm tuổi, Gophatdat.com hiện có hơn 30.000 thành viên doanh nghiệp, trong đó 70% là công ty nước ngoài và chủ yếu là người mua; giới thiệu hơn 50.000 cơ hội mua bán với trên 30.000 sản phẩm.
Thậm chí qua Gophatdat, một số doanh nghiệp đã ký hợp đồng những đơn hàng có giá trị trên 300.000 USD để xuất khẩu sang Châu Âu. Ông Lâm Hoàn Phú, Công ty Phú Quang chuyên về xuất khẩu đồ gỗ còn khẳng định, tỷ lệ giao dịch thành công của ông qua thương mại điện tử lên đến 60%.
Tuy nhiên trao đổi với VnExpress, nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại trước đây, ông Lương Văn Tự nay là Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp thương mại điện tử cho rằng, thương mại điện tử vẫn chưa được hiểu đúng nghĩa và vận dụng hiệu quả trong vận hành kinh tế nói chung.
Ông Tự lấy ví dụ, hằng ngày các kế toán viên doanh nghiệp đã phải ra ngoài nhiều lần để lấy tiền khách hàng, giải quyết thủ tục ngân hàng... mất rất nhiều thời gian, công sức cũng như tiền bạc, thậm chí còn có thể góp phần gây nên ách tắc giao thông. "Giải quyết tình trạng này rất đơn giản, gọn nhẹ hơn nhiều so với hiện nay nếu toàn bộ doanh nghiệp đều ứng dụng công nghệ thông tin và giao dịch trực tuyến", ông Tự nhấn mạnh và thêm, nhiều diễn giả nói về thương mại điện tử nhưng thực ra chưa hiểu nhiều thực chất thương mại điện tử là gì.
Phan Anh