Reuters dẫn thông kê từ công ty nghiên cứu Canalys cho thấy thị trường điện thoại Trung Quốc đã giảm mạnh do Covid-19, khiến tất cả thương hiệu lớn đều trượt dốc. Năm 2022, doanh số điện thoại thông minh của Trung Quốc giảm kỷ lục 14% xuống 287 triệu máy, đánh dấu lần đầu tiên trong 10 năm qua, số lượng smartphone bán cả năm chưa đến 300 triệu. Trong đó, Xiaomi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với doanh số giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xiaomi cũng đang đối mặt với khó khăn ở Ấn Độ - thị trường smartphone nước ngoài lớn nhất của Xiaomi và là thị trường điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới. Trong quý IV/2022, hãng để rơi danh hiệu smartphone bán chạy nhất Ấn Độ vào tay Samsung. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân là Xiaomi đã không đánh giá đúng về nhu cầu của người dùng ở thị trường về phân khúc smartphone cao cấp. Ngoài ra, nhà sản xuất smartphone Trung Quốc cũng có thể phải đối mặt với lo ngại về vấn đề bảo mật từ phía chính quyền Ấn Độ. Nhiều ứng dụng được cài đặt sẵn trong máy bị nghi ngờ ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Không chỉ thị trường quốc tế, báo cáo tài chính quý IV/2022 được Xiaomi công bố ngày 24/3 cho thấy doanh thu của công ty giảm kỷ lục bốn quý liên tiếp.
Cụ thể, doanh thu Xiaomi quý cuối năm ngoái đạt 66,05 tỷ nhân dân tệ (9,6 tỷ USD), giảm 22,8% so với mức 85,58 tỷ nhân dân tệ cùng kỳ năm trước. Đây là quý có tỷ lệ giảm cao nhất trong lịch sử kinh doanh của công ty. Trong khi đó, lợi nhuận là 1,46 tỷ nhân dân tệ, giảm 67,3%.
Tổng doanh thu năm 2022 của Xiaomi là 280,04 tỷ nhân dân tệ, giảm 14,7%, còn lợi nhuận là 8,52 tỷ nhân dân tệ, giảm 61,4%.
Báo cáo trên lập tức gây chú ý tại Trung Quốc vì sau khi Huawei bị văng khỏi cuộc đua do cấm vận từ Mỹ, Xiaomi trở thành đại diện mới của smartphone Trung Quốc. Lu Weibing, Chủ tịch Xiaomi, cho biết tình hình khó khăn có thể chưa kết thúc và còn kéo dài đến nửa đầu 2023.
"Việc phục hồi của thị trường smartphone có thể sẽ mất thời gian. Trong nửa đầu 2023, một cuộc suy giảm mới có thể tiếp tục diễn ra. Chúng tôi đang chờ xem trong nửa cuối năm, thị trường có điều chỉnh lớn nào không", ông nói.
Một thách thức khác với Xiaomi nói riêng và công ty công nghệ Trung Quốc nói chung là việc Mỹ tăng cường cấm vận, đặc biệt trong lĩnh vực chip, sẽ tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất. Nhiều nhà phân tích lo ngại trong tương lai, giá chip tăng sẽ dẫn đến giá sản phẩm của Xiaomi đắt hơn và khó cạnh tranh hơn.
Đại diện Xiaomi cho biết tiến độ hiện tại của công ty vẫn phù hợp định hướng ban đầu. "Vẫn còn một khoảng thời gian dài trước khi sản phẩm mới ra mắt và chúng tôi sẽ thực hiện một số điều chỉnh cần thiết theo tình hình thị trường", ông Weibing nói.
Trước xu hướng bùng nổ của siêu AI, Xiaomi xác nhận sẽ đẩy mạnh công nghệ trí tuệ nhân tạo, tiếp tục phát triển người mẫu ảo Xiao AI để có thể tích hợp lên điện thoại.
Khương Nha (theo Sina, Reuters)