Theo thống kê của công ty nghiên cứu Counterpoint công bố hôm 27/7, doanh số smartphone ở Trung Quốc trong quý II/2022 giảm 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. "Trong lễ hội mua sắm 618 tháng trước, doanh số smartphone có tín hiệu tốt khi các thành phố nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, tổng số vẫn giảm mạnh so với năm ngoái", nhà phân tích Ivan Lam tại Counterpoint cho biết.
"Các nhà sản xuất smartphone Trung Quốc đang bước vào mùa đông và thách thức sống sót qua giai đoạn này là vấn đề rất quan trọng", Wang Jiping, Phó chủ tịch IDC China Research, nhận định.
Trong khi đó, Zhao Ming, Giám đốc điều hành Honor, nói với 21 Century Business: "Chúng tôi đang đối mặt áp lực về doanh số. Nhiều đối tác và đối thủ cạnh tranh cũng đang gặp tình trạng tồn kho quá nhiều trong khi nhu cầu thị trường giảm mạnh".
Theo giới chuyên gia, các hãng smartphone Trung Quốc đang trải qua giai đoạn "mùa đông" khi phải đối mặt hàng loạt vấn đề nghiêm trọng.
Đầu tiên là hậu quả từ cuộc khủng hoảng chip diễn ra hai năm qua. Tiếp đến là sự cấm vận của phương Tây khiến mảng kinh doanh điện thoại của Huawei lao dốc và Trung Quốc mất đi một doanh nghiệp dẫn dắt trên thị trường di động toàn cầu. Trong khi đó, lệnh hạn chế ở Ấn Độ cũng khiến hàng loạt thương hiệu smartphone Trung Quốc lao đao. Theo thống kê của Counterpoint Research, Xiaomi, Vivo và Oppo đang chiếm 60% thị trường smartphone Ấn Độ, nhưng căng thẳng Trung - Ấn đặt những thương hiệu này vào thế khó.
Ở trong nước, chính sách phòng chống dịch tác động không nhỏ đến túi tiền và nhu cầu mua sắm của người dân. Trước đây, khi gặp khó nước ngoài, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn có thể bám vào thị trường nội địa để tiếp tục tồn tại, nhưng giờ nhu cầu mua sắm ở thị trường tỷ dân cũng liên tục giảm mạnh.
Theo báo cáo về ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng Trung Quốc của GfK, thị trường di động Trung Quốc đang bước vào vòng lặp theo chu kỳ. Toàn ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh trong 5-7 năm, sau đó bước vào thời kỳ bão hòa khi tốc độ đổi mới công nghệ chậm lại.
Ngành công nghiệp điện tử tiêu dùng của Trung Quốc bùng nổ năm 2017 với quy mô hai nghìn tỷ nhân dân tệ. Sự phát triển của những công nghệ mới như 5G, AI đẩy nhanh quy mô tăng trưởng hàng năm. Nhưng đến giai đoạn 2022, mọi thứ rơi vào vùng bão hòa và bắt đầu chững lại.
Khi thị trường trong nước sụt giảm, các hãng di động Trung Quốc tìm cách mở rộng thị phần tại nước ngoài. Nhưng những căng thẳng địa chính trị khiến các nhà sản xuất smartphone liên tục gặp khó. Trong số những smartphone được Huawei bán ra, thị phần nội địa lên đến 77%, chỉ còn 23% ở nước ngoài. Oppo và Vivo chủ yếu tập trung vào thị trường nội địa và khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Xiaomi phân phối đều hơn ở các thị trường quốc tế nhưng nhìn chung vẫn bị cạnh tranh gay gắt bởi các thương hiệu từ Mỹ, Hàn Quốc.
Để xoay chuyển, các thương hiệu di động Trung Quốc đang tìm cách mở rộng hệ sinh thái sang các lĩnh vực khác như ôtô, sản phẩm dành cho văn phòng và giải trí. Đây cũng là mục tiêu nhiều nhà sản xuất smartphone hướng đến trong kỷ nguyên IoT. Nhưng xây dựng được một hệ sinh thái đầu cuối hoàn chỉnh cũng là thách thức lớn, tiêu tốn thời gian và tiền của.
Khương Nha (theo Sina)