Luật sư Giang Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Giang Thanh) cho hay, pháp luật về giao dịch chuyển nhượng bất động sản hiện nay quy định, người nhận chuyển nhượng phải nộp lệ phí trước bạ còn người chuyển nhượng phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên, hai bên có quyền thỏa thuận bên nào phải nộp cả hai loại tiền trên.
Về mức thuế thu nhập cá nhân, Điều 22 Nghị định 12/2015 quy định: "Thuế suất đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là 2% trên giá chuyển nhượng". Về mức lệ phí trước bạ, Điều 7 Nghị định 140/2016 quy định là 0,5% trên giá chuyển nhượng.
Luật sư Thanh nhận định, trên thực tế, các bên mua bán đất ở thường ghi giá trị chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn giá chuyển nhượng thực tế để giảm cả thuế thu nhập cá nhân lẫn phí trước bạ. Mức giảm tùy giá trị khu đất, có thể vài chục triệu đến hàng tỷ đồng.
Bù lại, người dân có nguy cơ phải đối diện với những rủi ro pháp lý có thể xảy ra trong tương lai.
Về trách nhiệm hình sự, Điều 200 Bộ luật hình sự quy định, người nào trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng trở lên hoặc dưới mức này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về một số tội danh, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, sẽ bị xử lý về tội Trốn thuế.
Kể cả không bị xử lý hình sự, nếu cơ quan chức năng phát hiện, các bên vẫn phải nộp đủ thuế cho Nhà nước kèm theo tiền phạt, nên "thiệt hại chồng chất thiệt hại".
Về dân sự, nếu khu đất có tranh chấp và một trong 2 bên hoặc người thứ 3 nào đó khởi kiện yêu cầu hủy giao dịch, giá mua bán ghi trong hợp đồng công chứng sẽ là cơ sở tính giá trị đất.
Trường hợp tòa án tuyên, hủy hợp đồng chuyển nhượng đất để các bên "trả cho nhau những gì đã nhận", bên mua phải trả đất, bên bán hoàn tiền theo hợp đồng đã ký. Khi đó, người mua phải chịu thiệt hại rất lớn.
Luật sư Thanh khuyên, các bên nên ghi đúng giá trị mua bán để tránh các rủi do luôn phổ biến trong giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Song Minh