Vừa qua, gia đình tôi có chuyến du lịch Đà Lạt. Chúng tôi nghỉ tại một khách sạn thuộc hồ Tuyền Lâm. Khi ra về, cô nhân viên nói rằng phòng chúng tôi ở thiếu một cái túi dùng để đựng đồ giặt ủi. Vì không bao giờ sử dụng dịch vụ này, không quan tâm đến cái túi ấy nên chúng tôi nói cô ấy nên kiểm tra lại.
Công bằng là nếu có mất thì chúng tôi sẽ đền. Bởi gia đình tôi đã mua trọn gói khách sạn trong vòng ba ngày, tiền cũng đã thanh toán trước rồi nên việc cộng thêm mấy dịch vụ kèm theo không đáng là bao. Lúc rời khỏi, tôi cũng không để ý là khách sạn đã tính tiền cái túi đó chưa, tôi vẫn nghĩ là khách sạn sẽ bỏ qua.
Về đến nhà, một trong những chiếc va li lộn xộn của gia đình tôi có lẫn với chiếc túi đựng đồ giặt ủi, nó rất đẹp và có thêu tên khách sạn. Chúng tôi gọi điện thoại đến khách sạn để xin lỗi và trả lại. Dù chuyện đã qua nhưng tôi cho đó là tự trọng.
Một chuyện khác cũng xảy ra khá lâu rồi. Khi thanh toán tiền ở siêu thị xong, ra đến ngoài xe, tôi thấy trong tay con gái (lúc đó khoảng 3 tuổi) cầm theo một hộp kẹo nhỏ. Tôi biết ngay là món này chưa thanh toán.
Trời nắng, giá trị hộp kẹo rất nhỏ, nếu cầm về thì lần sau tới mua thanh toán lại tiền hộp kẹo ấy cũng đơn giản mà. Nhưng không, tôi dắt con quay lại trả và xin lỗi người bán hàng. Tôi dạy con: “Đó là tự trọng”.
Khoảng hai tuần trước, cháu trai và con tôi đang chơi gần bãi cỏ, chúng mở chai nước suối và vứt cái vỏ nhựa bọc nắp chai vào cỏ. Dù miếng nhựa đó thật nhỏ nhưng tôi vẫn bắt chúng nhặt lên tìm thùng rác bỏ vào. Tôi dạy bọn trẻ đó là tự trọng.
Còn nhiều việc liên quan đến tự trọng. Là hoa hậu đại diện cho đất nước thi thố cùng bạn bè quốc tế, khi đã đăng ký kết hôn, tức là đã có chồng thì không được quyền tham gia. Nếu cô hoa hậu ấy vẫn đi thi thì một là cô ấy không biết luật, hai là cô không có lòng tự trọng.
Khi chúng ta lấy iPhone hay đồ của ai đó mà chưa được phép, hoặc vào siêu thị lấy đồ đi ra không tính tiền mà không biết đó là hành vi ăn cắp thì, chúng ta cần được dạy về đạo đức. Còn nếu đã biết như thế mà còn giải thích gì đó thì chúng ta không tôn trọng mình rồi.
Tôi nhớ có lần đã đọc báo rằng một hoa hậu Hồng Kông bị tố ăn cắp. Cô ấy nói rằng sự việc này rất ít người biết và cô ấy kể lại cho bạn cùng phòng của cô nghe, sau đó bạn cô ấy buột miệng kể lại cho báo giới. Cô ấy đòi kiện bạn mình mới ghê chứ.
Khi chúng là nhà thiết kế, chúng ta nhìn thấy cái váy của ai đó thiết kế đẹp và rồi cắt một cái y chang. Sau đó, chúng ta cho rằng nó là của mình vì ai thiết kế mà chẳng dựa vào ý tưởng của người khác đã có sẵn. Nếu vậy, chúng ta cần đi học lại. Còn nếu biết rằng đó là ăn cắp mẫu mà vẫn giải thích gì đó thì bạn đã không có tự trọng rồi.
Chúng ta là giáo viên, chúng ta bê nguyên giáo án của người khác để dạy học trò, sau đó lại nói là của mình vì rằng chữ quốc ngữ nào mà chẳng giống nhau thì miễn bàn.
Nếu biết cái gì của người ta sẽ không thuộc về mình, tức là người đó đã có tự trọng.
Sinh viên cũng thế, nếu có tự trọng thì “copy”, “đạo văn”, dịch vụ làm bài thuê làm gì còn đất sống?
Tự tôn trọng mình về những tiêu chuẩn do mình đặt ra, có thể không liên quan đến số đông nhưng điều ấy sẽ giúp cho thế giới này biết chúng ta là ai, là người như thế nào mà từ đó người ta có tôn trọng, tin tưởng, yêu quý mình hay không.
Tôn trọng, tin tưởng là nền tảng quan trọng nhất trong tất cả các mối quan hệ của ta với mọi người từ cha mẹ và con cái, vợ chồng, người thân, bạn bè, đồng nghiệp, lãnh đạo và nhân viên, cũng như các mối quan hệ xã hội khác.
Tôi không hoàn hảo, tôi đang cố gắng tôn trọng mình và người khác. Tuy nhiên gần đây, tôi thấy nhiều chuyện liên quan đến đau khổ, chia ly mà lòng tự trọng khi đem cân lên thì nhẹ tênh, nên có chút “tự kỷ” vậy.
Tôi mong chúng ta hãy một lần nhìn lại, cân đo xem lòng tự trọng của mình nặng bao nhiêu.
>> Xem thêm: Dấn thân vào Showbiz là phải vứt đi lòng tự trọng?
Chia sẻ bài viết của bạn về các vấn đề đời sống, xã hội tại đây.