Sáng tháng 5, thượng nguồn sông Tiền mây đen kéo đến. Mặt sông sóng gợn lăn tăn, gần chục xuồng chia nhau thả lưới cách nhau khoảng 300 m. Ông Đi ôm cuộn lưới xuống vỏ lãi (tương tự xuồng làm bằng composite), xách kèm phích trà đường, khởi động máy chạy về hướng phà Hồng Ngự. Cách bến phà hơn 500 m, ông tắt máy, bơi ra giữa sông bắt đầu buông lưới.
Ông Đi cố định đầu lưới trên một chiếc phao có gắn cờ hiệu để ghe xuồng thấy tránh khi ngang qua. Nương theo con nước chảy, việc thả lưới mất khoảng 15 phút, ông quay xuồng bơi vào bờ, chờ thêm ba tiếng mới thu lưới. "Tuỳ con nước, cá dính ít hay nhiều. Thường nước ròng (cạn) phân nửa tới nước lớn thả sẽ dính nhiều", người đàn ông quê Hồng Ngự nói.
Mẻ lưới kéo lên, cá cơm to bằng đầu đũa ăn, màu trắng óng ánh, mắc vào khá nhiều. Thu xong, ông nhanh chóng chạy vỏ lãi về nhà. Hai người ở nhà chờ sẵn, ông vừa về liền kéo lưới mắc lên thân cây, một người phăng lưới, hai người dùng cây đánh vào lưới để cá văng ra. Với cách này họ chỉ mất chừng 30 phút để gỡ những con cá nhỏ, ướp nước đá để chúng tươi ngon.
Giá cá cơm dao động 25.000-30.000 đồng một kg, thương lái đến tận nhà mua. Hôm nào thả lưới hai lượt, ông Đi kiếm được 600.000-800.000 đồng. Có hôm trúng lớn được hơn 50 kg, gia đình ngư dân kiếm hơn một triệu. "Lưới cá cơm có tiền hơn mấy cá khác chỉ cực công lúc giũ cá, phải ba người làm mới nhanh", ông Đi nói.
Cũng đoạn sông Tiền phía dưới phà, gần cồn Long Khánh, việc đánh bắt trong ngày phải theo thứ tự. Ông Nguyễn Văn Thái neo xuồng tại bãi đất bồi ven sông - nơi tập trung hơn 30 người đánh cá, chờ đến lượt. Sở dĩ có phân chia "tài" khi đánh bắt vì mọi người trong nhóm hùn tiền trục vớt cây dưới sông, thả lưới ít bị rách, nên việc đánh bắt phải có trước có sau. "Ai đến trước thả lưới trước, người đến sau phải đợi theo thứ tự, không có lộn xộn", ngư dân 60 tuổi cho biết.
Sáng nay ông Thái thức sớm chờ "tài" nên xuất bến lúc 5h khi mặt trời chưa ló dạng. Ngoài phao làm bằng chai nhựa, chủ xuồng lưới gắn thêm đèn phát sáng, để các phương tiện dễ quan sát. Sau khoảng một tiếng thả lưới, ông Thái thu lưới nhưng cá khá ít, ước chừng gần hai kg. "Nghề bà cậu, hôm trúng hôm thất là bình thường", nói xong ông cuộn lưới gọn gàng, tranh thủ về chăm bón thửa ruộng hơn một ha.
Mỗi ngày cứ một đến hai lần ra sông đánh bắt, ông kiếm được gần 10 triệu đồng một tháng. Nguồn thu nhập giúp ông đủ xoay xở 5 miệng ăn trong nhà, nếu tiết kiệm sẽ có thêm tiền mua phân bón rải lúa. Trung bình mỗi người vào nghề tốn chi phí gần 20 triệu đồng gồm xuồng máy, 200-300 m lưới.
Theo ngư dân, thả lưới cá trên các sông lớn như sông Tiền dễ mắc phải gốc cây, nhánh chà, chảy theo dòng sông. Ngoài ra, lục bình, rác cũng dễ tấp vào lưới ngư dân mất khá nhiều thời gian để gỡ. Hôm nào xui hết cỡ là bị ghe, tàu cuốn lưới, họ phải nghỉ 5-7 hôm để may tấm lưới khác.
Mùa cá cơm thường bắt đầu vào tháng 9 âm lịch năm trước kéo dài đến tháng 5 hoặc tháng 6 tùy "nước quay" (nước lũ từ thượng nguồn Mekong đổ về) sớm hay trễ. Cá cơm được xem là đặc sản của miền Tây, lớn hết cỡ chỉ bằng đũa ăn, tập trung nhiều ở đầu nguồn sông Tiền. Loại cá nhỏ nhanh ươn, người đánh bắt phải nhanh chóng ướp đá hoặc cắt bỏ phần ruột mới bảo quản được lâu. Cá thường dùng kho lạt, luộc chua hoặc làm khô.
Ven bờ kè huyện Hồng Ngự hoặc thị xã Tân Châu (An Giang) vào mua cá, ra sông thường có thương lái tập trung mua bán nhộn nhịp. Cá bán tại chỗ khá tươi, song chợ nhóm nhanh, chỉ vài tiếng buổi sáng hoặc chiều.
Ngọc Tài