Sau khi xem các bức ảnh những đứa trẻ được cho là bị ảnh hưởng bởi vũ khí hóa học ở Douma, Đông Ghouta, Syria, hôm 7/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngay lúc đó đã kiên quyết rằng ông cần đáp trả chính quyền Syria vì cáo buộc gây ra vụ tấn công hóa học khiến khoảng 70 người thiệt mạng ở thành phố này, theo Wall Street Journal. Đến ngày 8/4, ông chủ Nhà Trắng tuyên bố chính phủ Syria và những nước ủng hộ, bao gồm Nga và Iran, sẽ "phải trả giá đắt".
Tuy nhiên, việc chuẩn bị cho một cuộc tấn công trả đũa lại phức tạp và tốn thời gian hơn nhiều so với ông tưởng tượng, các cố vấn của Tổng thống Mỹ cho hay. 7 ngày qua đã thử thách kỹ năng của vị tổng tư lệnh nước Mỹ vốn chưa từng phục vụ trong quân đội hay nắm giữ bất kỳ vị trí nào trong chính quyền cho đến khi trở thành tổng thống hồi năm 2016.
Ông Trump đã dành cả tuần nhằm thiết lập liên minh với Anh và Pháp để triển khai cuộc tấn công. Ông cũng phải đối diện với sự phản đối từ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, người muốn theo đuổi một hành động hạn chế hơn, không tiềm ẩn rủi ro làm gia tăng nguy cơ đối đầu với những lực lượng Nga trên chiến trường Syria, các quan chức Mỹ tiết lộ.
Tổng thống Trump giận dữ trước sự trì hoãn. Ông thúc giục Bộ trưởng Mattis đưa ra những lựa chọn quân sự cứng rắn hơn nhằm đảm bảo chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ không tiến hành thêm một cuộc tấn công hóa học nào nữa, như cáo buộc từ phía Mỹ và đồng minh.
Trump tuyên bố quyết định tấn công Syria.
Khi thông báo tấn công Syria vào tối 13/4 (giờ Mỹ, tức rạng sáng ngày 14/4 tại thủ đô Damascus, Syria), Tổng thống Trump đã làm rõ rằng ông đang hướng tới những biện pháp hành động mạnh mẽ hơn các phương án mà giới chức Lầu Năm Góc thường ủng hộ. Phát biểu từ Nhà Trắng, Trump tuyên bố mục tiêu của ông là cắt đứt cả việc sản xuất lẫn sử dụng vũ khí hóa học ở Syria, đồng thời thêm rằng liên quân Mỹ - Anh - Pháp sẽ không từ bỏ cho đến lúc "chính quyền Syria ngừng việc sử dụng các chất hóa học bị cấm".
Suốt một tuần qua, ngoài cuộc khủng hoảng Syria, Tổng thống Mỹ còn bị ảnh hưởng bởi những vấn đề gây phân tâm khác. Trump giận dữ khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) lục soát văn phòng luật sư riêng của ông. Thêm vào đó, cựu giám đốc FBI James Comey đã xuất bản cuốn sách với nhiều chi tiết đả kích ông, khiến Tổng thống Mỹ phải đáp trả trên mạng xã hội Twitter.
Song các cố vấn khẳng định, Trump vẫn hoàn toàn tập trung vào vấn đề Syria. Ông đã yêu cầu xem xét những tài liệu liên quan và hỏi các nhân viên về việc nên phản ứng như thế nào. Ông thậm chí còn tìm kiếm lời khuyên từ đội ngũ luật sư đang bảo vệ mình trước cuộc điều tra nghi vấn Nga can thiệp bầu cử Mỹ.
Tàu khu trục Mỹ nã tên lửa vào Syria ngày 14/4.
Một quan chức chính quyền cho hay cuộc khủng hoảng Syria chiếm tới 20 giờ mỗi ngày ở Nhà Trắng trong tuần qua và Tổng thống Trump ngay từ đầu đã rất nóng lòng với kế hoạch tấn công.
Hôm 11/4, Trump cảnh báo Nga "hãy sẵn sàng" vì tên lửa "đẹp, mới và 'thông minh' của Mỹ đang tới" Syria. Ngày hôm sau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thông báo Paris có bằng chứng chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học.
Đối mặt với những ý kiến cho rằng ông chỉ đang tung hỏa mù, Trump ngày 12/4 lặp lại lời cảnh báo. "Chưa bao giờ nói khi nào cuộc tấn công vào Syria sẽ diễn ra. Có thể rất sớm hoặc không quá sớm", ông tweet.
Cuối cùng, rạng sáng ngày 14/4, tên lửa liên quân đồng loạt khai hỏa nhắm vào Syria. Theo thông tin từ quân đội Mỹ, 105 tên lửa đã bắn chính xác vào các mục tiêu được cho là nơi sản xuất, lưu trữ vũ khí hóa học của chính quyền Assad, khiến năng lực vũ khí hóa học của Damascus "thụt lùi nhiều năm". Trên mạng Twitter, Trump khẳng định cuộc tấn công được triển khai một cách hoàn hảo và nhiệm vụ "đã hoàn thành".
Mỹ tuyên bố hành động can thiệp quân sự vào tình hình Syria là "hợp lý, hợp pháp và cân đối", song Nga phản đối, cho rằng Washington hiếu chiến, vi phạm luật quốc tế khi không kích Syria.
Syria công bố hậu quả vụ không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp.
Vũ Hoàng