Mùa thu năm 1918, khi dịch cúm Tây Ban Nha lây lan trên toàn cầu, giá chanh đột ngột tăng vọt. Từ Rome, Rio đến Boston, cư dân tuyệt vọng tích trữ loại trái cây màu vàng, tìm mọi cách bảo vệ sức khỏe trước căn bệnh đã giết chết khoảng 50 triệu người. Cảnh tượng tương tự với dòng người đổ xô đi mua khẩu trang những ngày đầu Covid-19 bùng phát.
Khi ấy, người dân truyền tai nhau một thông tin chưa xác thực, rằng chanh vàng vừa là biện pháp phòng ngừa, vừa là liều thuốc đối với virus. Hàng loạt bài báo gọi cam chanh là "khắc tinh dịch bệnh", kèm lời khuyến nghị: "Nếu không muốn trở thành nạn nhân của bệnh cúm, hãy uống nước chanh".
Mức giá của loại quả này đã bị thổi phồng đến nỗi Ủy ban Lương thực Liên bang New York phải vào cuộc để ngăn chặn tình trạng này.
Thực tế, nước chanh nóng là bài thuốc dân gian lâu đời. Dù không ngăn được cúm Tây Ban Nha, biện pháp cũng làm dịu đi cảm giác khó chịu, bù nước cho các bệnh nhân.
Song trong đại dịch, người ta truyền tai nhau hình thức có phần kỳ quặc, đó là hút nước trực tiếp từ trái chanh. Tháng 10/1918, tờ Los Angeles Herald xuất bản số báo có tiêu đề "Ngậm chanh được khoa học chứng minh là biện pháp chữa cúm", với hình ảnh của phát ngôn viên xinh đẹp Marie Cooney, thuộc Phòng Thương mại Mỹ, trên bìa. Các chuyên gia khẳng định điều này không thể ngăn chặn sự lây lan của virus. Song đây vẫn là cơ hội hiếm có đối với những người nông dân trồng chanh ở California.
Trước đó, công cuộc kinh doanh không hề dễ dàng. Những khu vườn thơm ngát bao phủ Nam California vốn là một phần cảnh quan nơi đây trong nhiều năm liền. Song việc thương mại hóa mặt hàng cam chanh vẫn chưa bén rễ.
Mọi thứ thay đổi vào tháng 9/1918, khi đại dịch bắt đầu hoành hành, khởi nguồn từ doanh trại quân đội Commonwealth Pier, sau đó lan sang thành phố, các bang và cả đất nước. Chỉ trong một tháng, hơn 1.000 người Boston đã chết vì bệnh cúm Tây Ban Nha. Giá bán buôn chanh cũng vì thế mà tăng hơn gấp đôi.
Cùng lúc, người dân Mỹ nghĩ ra hàng loạt phương pháp điều trị tại nhà. Một số không có tác dụng, số khác lại gây ngộ độc. Hầu hết các bài thuốc tự chế xuất phát từ những nguyên liệu nấu ăn thân thuộc, như hành tím, cà phê đen, mật mía ngâm hoặc rượu mạnh trộn với mủ khô - loại gia vị cay nồng phổ biến trong ẩm thực Ấn Độ.
Biện pháp khác được sử dụng để ngăn chặn dịch cúm long não. Người dân thường đeo một túi long não quanh cổ để "xua đuổi virus". Nhiều y bác sĩ thậm chí tiêm hợp chất này cho các bệnh nhân nhiễm cúm.
Song chỉ làn sóng "ăn chanh phòng dịch" làm mưa làm gió trong thời gian dài. Ít ai biết, đứng sau nó là chiến lược của Don Francisco, giám đốc quảng cáo Hiệp hội Nông dân trồng cây ăn quả California.
Theo ông, trực tiếp kêu gọi sử dụng chanh có thể làm dấy lên sự phẫn nộ và phản đối. Thay vào đó, hiệp hội đưa ra hàng loạt biện pháp phòng ngừa như "tránh tụ tập đông người", "tập thể dục đầy đủ", "ngủ đủ giấc", "giữ cho chân bạn khô và ấm", cuối cùng kèm thêm lời nhắc "hãy uống một hoặc hai ly nước chanh nóng".
Điều này khiến doanh số bán chanh tăng vọt, loại quả quen thuộc trở thành "bài thuốc tự nhiên cho dịch cúm Tây Ban Nha".
Đến tháng 12/1918, làn sóng lây nhiễm dường như qua đi, cơn sốt chanh giảm bớt. Song, tâm lý cảnh giác đã khiến chanh có một vị trí lâu dài trong đời sống người tiêu dùng.
Sau này, nhiều người vẫn lan truyền thông tin về "tác dụng thần kỳ" của quả chanh, như việc uống nước chanh nóng chữa trị ung thư, các bệnh huyết áp cao, bảo vệ mạch vành, điều hòa lưu thông máu. Tuy nhiên, giới chuyên gia đã nhiều lần chứng minh đây là các tin đồn sai lệch, cô căn cứ.
Trong đại dịch Covid-19, chanh cũng được coi như "thần dược" ở một vài nước. Đầu tháng 4, người dân Israel lan truyền công thức chữa Covid-19 bằng chanh và muối nở.
"Pha và uống như trà nóng vào mỗi buổi chiều. Chanh kết hợp với muối nở trong nhiệt độ nóng sẽ lập tức tiêu diệt, loại bỏ hoàn toàn virus khỏi cơ thể", bài biết nêu rõ.
Ngay sau đó, Krutika Kuppalli, chuyên gia bệnh truyền nhiễm, thành viên Trung tâm An ninh Y tế Đại học Johns Hopkins, khẳng định điều này là sai sự thật. "Không dữ liệu nào cho thấy sử dụng nước chanh, trà nóng hay bất cứ thứ gì tương tự có thể ngăn ngừa được Covid-19", bà nói.
Thục Linh (Theo Atlas Obscura)