Đại dịch năm 1918 đã cướp đi 40 triệu sinh mạng. |
Vụ dịch mang tên cúm Tây Ban Nha xảy ra năm 1918 đã lan rộng từ châu Âu tới tới tận Mỹ, Australia, Trung Quốc, Nam Phi và Bắc Nauy. Những nghiên cứu nhằm lần theo dấu vết của virus gây bệnh đã được thực hiện trên toàn thế giới. Cách đây 4 năm, tại Nauy, người ta đã khai quật những thi hài đóng băng để tìm hiểu về virus cúm Tây Ban Nha. Tuy xác định được một số gene nhưng các nhà khoa học vẫn chưa hiểu vì sao virus lại có thể dễ dàng giết chết những thanh niên khỏe mạnh trong khi khó quật ngã người ốm yếu.
Theo các chuyên gia, virus cúm có khả năng đột biến liên tục và rất có thể sẽ gây ra một vụ dịch mới kinh khủng như đại dịch năm 1918. Vì vậy, việc tìm ra yếu tố tạo nên sức mạnh đặc biệt cho virus này có thể sẽ cứu sống được rất nhiều sinh mạng.
Nhóm nghiên cứu tại Bệnh viện St Batholomew (London) dự định sẽ khai quật phần mộ của Phyllis Burn, con gái một vị tướng, chết khi mới 20 tuổi. Cô gái được chôn ở Twickenham, Tây Nam London, trong một chiếc quan tài bằng chì với mái vòm làm từ gạch. Theo các nhà khoa học, đây là những điều kiện rất tốt để bảo quản thi hài, và rất có thể loài virus chết người vẫn còn nằm trong đó.
Tuy nhiên, việc khai quật thi hài sẽ rất nguy hiểm vì nếu virus thoát được ra ngoài, nó vẫn có thể giết người. Người ta sẽ mở nắp quan tài ở một môi trường hoàn toàn kín và thi hài sẽ chỉ được kiểm tra khi đã nằm trong Viện Nghiên cứu Y khoa Quốc gia tại Bắc London. Nhóm nghiên cứu đang cố gắng tìm kiếm hậu duệ của người phụ nữ này để xin phép khai quật. Tuy nhiên, kể cả nếu không tìm được người thân, Bộ Nội vụ Anh vẫn có thể cấp cho họ giấy phép.
John Oxford, giáo sư virus học, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, nói: "Dịch cúm mới nhất xảy ra năm 1968 đã giết chết 2 triệu người. Vụ dịch tiếp theo có thể sẽ rất lớn. Phải mất 6 tháng để tạo được vacxin phòng cúm mới nhưng nếu phát hiện được thành phần tạo ra sức mạnh đặc biệt của virus, người ta có thể kịp thời tích lũy những thuốc cần thiết".
Thu Thủy (theo AFP, Ananova)