Tôi và những đứa trẻ cùng thời được xem là thế hệ hạnh phúc vì được sinh ra và sống trọn trong thời bình. Chúng tôi được đi học, được hưởng đầy đủ tình yêu thương của gia đình và xã hội dành cho. Tôi chưa từng biết đến nỗi cô đơn, nỗi buồn hay nhớ nhung gì lớn lao, nhưng luôn biết và thấy được điều đó qua sự nhớ thương của cha về người cô ruột ở cách xa cha và cách xa ông bà gần nửa quả địa cầu. Cha luôn nhắc và kể về cô như muốn khơi gợi trong tôi một hình ảnh của người thân, một mối thâm tình mà tôi chưa một lần biết mặt. Do hoàn cảnh, do thời cuộc hay do chính con người cũng đều đau nhói lòng khi cách xa và khi chợt nhắc tới.
Và sau hơn ba mươi năm xa cách, mùa Tết vừa qua cô đã trở về quê hương sau. Cô về nước, về quê hương đáng lẽ ra cô phải vui, nhưng ngược lại là rất buồn.
Ba mươi năm trước, khi di cư sang Mỹ, cô được gia đình tiễn đi với mái tóc còn xanh, khi những đứa em còn nghịch ngợm bảo chị: “Mai mốt về chị mua đồ chơi thiệt đẹp cho em nghe”, khi ông bà của tôi còn rất khỏe, còn tươi cười cho bước chân của con không bịn rịn. Sau ba mươi năm sau, những gương mặt luôn ngóng chờ nhau trong ký ức thì xíu nữa không nhận ra nhau. Giờ cô tôi đã già lắm, tóc bạc nhiều, không còn giọng nói ngọt ngào như cha luôn kể, không còn mái tóc dài thướt tha mà thay vào đó là mái tóc xoăn vàng, giọng nói vấp váp giữa hai ngôn ngữ làm cả cô và gia đình đều lúng túng đôi lần.
Cô về với một trong ba người con mà lần đầu tiên tôi gặp. Anh tôi cũng cố gắng như tôi cũng từng cô gắng với ngôn ngữ lạ qua lời chào thân thiết “con chào cậu”, rồi quay sang đám nhóc tụi tui cười cười ngượng ngạo. Tôi không hiểu tại sao mình lại đứng lặng thinh trước anh, rõ là tôi đã trong chờ trong giấc ngủ hết cả tuần khi nghĩ đến cô và anh của mình với bao nhiêu câu hỏi, nào là “anh học bên ấy có vui không?”, “giáo viên bên đó có nghiêm khắc, có đánh roi không?”… nhưng ngược lại tôi đã nhìn anh với con mắt của người lạ, xen lẫn nỗi buồn mông lung.
Có lẽ tôi có chút thất vọng, cái thất vọng ngây ngô khó hiểu của đứa trẻ nông thôn. Tôi đã buồn khi nhìn anh quá sạch sẽ, lịch sự thì những trò chơi đồng nội bùn lầy mà tôi đã chờ đón anh xem như vô ích. Tôi đã buồn vô cớ khi muốn nói với anh nhiều nhưng lại bị bất đồng ngôn ngữ dù anh cũng cố gắng và tôi cũng từng cố gắng cho ngày đoàn viên. Tôi từng rèn tiếng Anh, từng ao ước nói thao thao khi được gặp cô, được khoe vốn kiến thức khá vững của bản thân, nhưng không thốt được lời nào mà lại trông chờ cô đến với tôi bằng ngôn ngữ quê nhà.
Dường như khi về nước, cô đã mặc vào chiếc áo bà ba của người phụ nữ Việt Nam ngay khi vừa xuống sân bay với câu hỏi thuần nông “lúc này mấy cậu làm lúa trúng mùa không?”. Cô vẫn là người phụ nữ đảm đang, khéo léo khi vẫn còn nhớ đến món xôi đậu thơm lừng mà bà vẫn làm khi cô và cha còn bé, cô nhắc đến món dừa nạo béo béo ăn cùng với cơm nếp nóng hổi, hay món ốc luộc sả chấm cơm mẻ cay cay đầu lưỡi.
Cô về với chiếc nón lá đội đầu khi ra thăm mộ người mẹ mà cô từng đau nhói lòng khi cách xa nửa vòng trái đất. Giờ đây, đó lại là nỗi đau nhói tim khi phải cách xa nhau giữa hai bờ sinh tử mà không được nhìn mặt bà dù lần cuối. Cô vẫn là người con hiếu thảo như ngày nào khi làm dâng lên cúng bà những món ăn mà sinh thời bà rất thích. Cô vẫn là người phụ nữ Việt Nam, vẫn nhớ như in hình bóng quê nhà, vẫn làm thành thạo những món ăn truyền thống dân dã. Và sau hơn ba mươi năm xa cách, chỉ trong những ngày tháng ít ỏi gần cô, nhưng tôi vẫn tưởng được gần và được ở bên cô từ lúc còn bé thơ. Hay những cảm xúc đó của tôi là tình huyết thống, là thâm tình của con người Việt Nam với nhau.
Huỳnh Thị Lài
Cuộc thi "Tình người xa xứ" diễn ra từ ngày 11/5 đến 8/6/2015 với giải thưởng cao nhất trị giá 20 triệu đồng. Cuộc thi được tổ chức nhân dịp sắp ra mắt bộ phim "Quyên", dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Văn Thọ.
Bộ phim tái hiện những cuộc đời người Việt lang bạt nơi đất khách, với những cuộc tình giằng co giữa toan tính, thù hận, những trận thanh toán đẫm máu giữa các băng nhóm thấm đỏ tuyết trắng những ngày đông. Phim sẽ được phát hành tại các rạp trên toàn quốc vào ngày 19/6.
Xem thể lệ và giải thưởng cuộc thi. Gửi bài dự thi tại đây. Gửi ý kiến về cuộc thi: nguoivietvnexpress@gmail.com