Mọi chuyện diễn ra hoàn toàn bất ngờ. Ngày 23/1, chính quyền Vũ Hán thông báo phong tỏa thành phố nhằm đối phó với dịch Covid-19 mà mới hôm trước còn được tuyên bố là "nằm trong tầm kiểm soát". Đây là thời khắc chưa từng có trong lịch sử Trung Quốc và thế giới, khiến 9 triệu người đang lưu lại Vũ Hán rơi vào cảnh không biết tương lai sẽ ra sao.
Ngay cả thời điểm dịch SARS bùng phát hồi năm 2003, chính quyền Trung Quốc cũng không áp dụng các biện pháp phong tỏa và kiểm soát đi lại nghiêm ngặt như vậy.
Những tuần sau đó, người dân thành phố phải đối mặt với những trải nghiệm hoàn toàn mới mẻ, từ việc đi siêu thị săn lùng nhu yếu phẩm cho tới nỗ lực giúp người thân được điều trị y tế. Vũ Hán hiện vẫn bị phong tỏa và chưa có dấu hiệu về việc khi nào người dân thành phố sẽ được phép tự do rời khỏi nhà.
"Tất cả giống như một trò đùa", đây là suy nghĩ đầu tiên nảy lên trong đầu doanh nhân Guan Wenhua, 46 tuổi, khi nghe về lệnh phong tỏa Vũ Hán. Ông lặng người lúc đọc tin trên điện thoại vào sáng 23/1.
"Vì sao nhà chức trách có thể đóng cửa một trong những trung tâm giao thông quốc gia quan trọng như vậy, nơi sinh sống của 11 triệu người dân", Guan nói. "Chúng tôi sẽ bị bỏ rơi đến chết ở đây ư?".
Thông báo được đưa ra vào khoảng 2h sáng và ngay khi các cửa hàng vừa mở cửa, người dẫn đã đổ tới, giành giật nhau để mua những vật phẩm thiết yếu về tích trữ, theo các video đăng trên mạng. Số khác rời thành phố trong lúc mọi thứ còn chưa ổn định.
Dịch Covid-19 đến nay khiến hơn 2.400 người chết và hơn 78.000 ca nhiễm. Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, là tâm dịch. Trong ngày đầu tiên áp lệnh phong tỏa, chính quyền thành phố ra một thông báo yêu cầu người dân không hoảng loạn. Giới chức địa phương nỗ lực cập nhật thường xuyên tình hình. Truyền thông nhà nước cố khắc họa Vũ Hán như một chiến trường và người dân thành phố đang chiến đấu vì vận mệnh quốc gia.
Nhưng hai tuần đầu tiên, Guan và gia đình vẫn sống trong hoài nghi. Họ không yên tâm trước những lời giải thích từ chính quyền.
"Trong tuần thứ nhất và thứ hai, cả gia đình tôi vô cùng lo lắng bởi chính phủ chưa bao giờ giải thích vì sao họ đưa ra quyết định đột ngột như thế. Liệu đây có phải dấu hiệu cho thấy dịch bệnh đã vượt khỏi tầm kiểm soát hay không? Tôi hoảng loạn khi nghĩ thế giới bên ngoài sẽ bỏ rơi chúng tôi", ông chia sẻ.
Câu hỏi lớn khác khiến gia đình Guan quan tâm là liệu cô con gái 18 tuổi của ông có thể tham dự kỳ thi tuyển sinh đại học mỹ thuật dự kiến diễn ra vào tháng một hay không.
"Con bé đã chuẩn bị rất nhiều suốt tháng vừa qua và rồi kỳ thi bị hủy. Con bé không biết bao giờ kỳ thi sẽ được tổ chức trở lại và tiến hành như thế nào", Guan nói.
Với Xia Chengfang, dịch bệnh đã khiến cô chịu một tổn thất đau đớn. Vào ngày Vũ Hán bị phong tỏa, ông của Xia bị sốt và mẹ cô đã lái xe đưa ông tới bệnh viện Vũ Hán số 7.
"Bệnh viện chật cứng bệnh nhân và chúng tôi phải đợi 5 tiếng mới gặp được bác sĩ, nhưng bác sĩ chỉ kê cho chúng tôi một số loại thuốc và yêu cầu mẹ và ông tôi trở về nhà", Xia nhớ lại.
Sức khỏe của ông Xia nhanh chóng xấu đi. Gia đình không thể nhớ số lần họ gọi cứu thương. Tuy nhiên, không có ai đến bởi không bệnh viện nào ở Vũ Hán còn giường để điều trị cho ông. "Ông tôi cuối cùng cũng được điều trị vào ngày 28/1 nhưng đã quá muộn. Ông qua đời vào sáng hôm sau vì 'nhiễm virus'", cô cho hay.
Theo Xia, ông cô là một trong nhiều ca tử vong nghi do nhiễm nCoV nhưng không được tính vào số liệu chính thức bởi ông mất trước khi các nhân viên y tế kịp làm xét nghiệm.
"Nếu biết trước ông không thể sống qua mùa đông này, tôi chắc chắn đã về thăm ông vào những dịp cuối tuần như ông mong muốn. Tôi đã phạm phải một sai lầm lớn", cô nói.
Một số người bắt đầu tỏ thái độ giận dữ với chính quyền khi đưa ra quyết định phong tỏa thành phố. "Tại sao giới chức Vũ Hán lại đột ngột phong tỏa thành phố chỉ một ngày sau khi họ nói rằng dịch bệnh đang được kiểm soát?", Xia đặt câu hỏi, đề cập tới những bình luận trên mạng của bác sĩ Wang Guangfa, trưởng khoa phổi tại Bệnh viện Thứ nhất thuộc Đại học Bắc Kinh.
Một ngày trước khi Vũ Hán bị phong tỏa, bác sĩ Wang viết rằng dịch Covid-19 vẫn "có thể kiểm soát và ngăn chặn được" dù lúc bấy giờ, ông đã bị nhiễm virus.
Với tình nguyện viên Andy Wang, anh đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc trong suốt thời gian Vũ Hán đóng cửa. Khi giao thông công cộng ngừng hoạt động, Andy gia nhập một nhóm tình nguyện viên nhận trách nhiệm đưa các y bác sĩ tới nơi làm việc bằng chính phương tiện của mình.
Ngày 31/1, anh đưa một y tá trở về căn hộ sau 7 ngày liên tiếp ở bệnh viện. Cô dành vài phút ngắn ngủi đến thăm cha mẹ trước khi về nhà.
"Nữ y tá không vào trong nhà mà nói chuyện với bố mẹ từ xa, qua hành lang bởi cô sợ lây bệnh cho họ", Andy kể. "Tôi rất hiếm khi khóc nhưng một tháng qua, tôi đã khóc hơn 10 lần".
Thời gian qua đi cũng là lúc tâm lý hoảng loạn dần lắng xuống ở Vũ Hán khi mà người dân nhận ra rằng họ hoàn toàn có thể sống sót mà không cần phải ra ngoài. Internet hỗ trợ họ rất nhiều.
Người dân có thể đặt hàng trên mạng và lấy vào ngày hôm sau, tại một địa điểm được chỉ định ở từng khu dân cư. Giá rau, thịt và trứng có tăng nhưng hầu hết người dân đều cho biết đây là điều họ có thể hiểu và chấp nhận được.
Với người dân Vũ Hán, cuộc sống vẫn tiếp diễn và họ đang thích nghi từng ngày. Tài xế Andy Wang cho hay anh mong chờ ngày dịch bệnh bị đẩy lùi và Vũ Hán thoát khỏi cảnh bị phong tỏa. "Tôi biết không ít người đã bị mất đi người thân và có những thứ sẽ thay đổi mãi mãi, nhưng tôi vẫn hy vọng cuộc sống của họ có thể trở lại như bình thường", anh nói.
Vũ Hoàng (Theo SCMP)