Tài xế Zhang Sai, 32 tuổi, lượn lờ chiếc xe máy bên ngoài một tòa chung cư ở Vũ Hán, tâm dịch Covid-19 ở Trung Quốc. Quản lý đã yêu cầu anh không được giao đồ ăn tới tận cửa nhà khách hàng, để giảm thiểu nguy cơ nhiễm virus corona.
Nhưng người phụ nữ đặt hàng qua điện thoại đã cầu xin anh, Zhang nhớ lại. Đồ ăn Zhang giao là dành cho mẹ của cô ấy. Bà không thể xuống tầng một để nhận hàng.
Zhang mủi lòng. Anh phớt lờ khuyến cáo và chạy nhanh trên những bậc cầu thang. Khi Zhang đặt túi đồ ăn xuống sàn, cánh cửa mở ra. Giật mình, Zhang vội vã bỏ đi. Trong một giây không kịp suy nghĩ, anh dùng ngón tay ấn nút thang máy, chạm vào bề mặt có khả năng truyền nCoV rất cao.
Anh lái xe trở về trạm giao hàng với một ngón tay duỗi thẳng, cẩn thận để không chạm vào phần còn lại của bàn tay.
"Tôi rất sợ", Zhang nói. "Vì tôi lái một chiếc scooter nên tôi cảm giác ngón tay mình giống như lá cờ vậy".
Với nhiều người bị cách ly tại gia ở Trung Quốc, các tài xế giao hàng như Zhang là đầu mối kết nối duy nhất giữa họ với thế giới bên ngoài. Zhang cùng các đồng nghiệp của mình đang được ca ngợi như những người hùng ở Vũ Hán.
Trên cả nước Trung Quốc, ít nhất 760 triệu người đang phải đối diện với các biện pháp cách ly ở những mức độ khác nhau, từ hạn chế ra ngoài cho đến phong tỏa cả tòa nhà, khu phố. Các hạn chế được đặt ra đặc biệt nghiêm ngặt ở Vũ Hán, nơi chính phủ đã ban hành lệnh phong tỏa để ngăn virus lây lan.
Cách ba ngày, mỗi hộ gia đình có thể cử một người ra ngoài mua nhu yếu phẩm. Dù vậy, không ít người vẫn không dám bước chân ra khỏi cửa vì sợ bị lây nhiễm. Đa số trong hơn 2.100 ca tử vong và hơn 75.000 ca nhiễm nCoV ở Trung Quốc đại lục là người Vũ Hán.
Nhưng con người vẫn phải ăn để tồn tại. Đây là lý do Zhang và đội quân tài xế giao hàng vẫn miệt mài lao đi trên đường phố mỗi ngày. Trong lúc Vũ Hán và hàng loạt thành phố khác rơi vào trạng thái đóng băng, đội ngũ giao hàng đã trở thành động mạch quan trọng của quốc gia, đưa thịt tươi, rau củ và vô số vật phẩm cần thiết khác tới những người không dám ra khỏi nhà.
Đó là một công việc mệt mỏi và nguy hiểm. Zhang, nhân viên chuỗi siêu thị Hema thuộc tập đoàn Alibaba, đi khắp thành phố chỉ với những chiếc khẩu trang và một lọ nước rửa tay được công ty phát cho vào mỗi sáng.
Đồng phục công ty cho phép nhà chức trách địa phương nhận biết anh thuộc diện được phép di chuyển trên đường giữa lệnh phong tỏa. Đêm xuống, Zhang cố gắng không nghĩ về dịch bệnh. Anh nghe nhạc và chỉ xem những tin tốt lành trên TV.
Những chuyến giao hàng Zhang thực hiện mỗi ngày không chỉ giữ mạch sống cho Vũ Hán mà còn là nguồn sống của chính anh. Gia đình Zhang có 4 người, gồm anh, vợ và hai cậu con trai sinh đôi 4 tuổi. Cuộc sống phụ thuộc vào một tay anh. Zhang chưa bao giờ tính đến chuyện dành thời gian nghỉ ngơi, kể cả sau khi dịch bùng phát ở Vũ Hán. Người nhà từng khuyên anh nghỉ việc, nhưng Zhang phớt lờ.
Gia đình Zhang sống ở ngoại ô Vũ Hán và anh không thể đến thăm họ vì dịch bệnh, nhưng anh vẫn gọi điện qua video với vợ con mỗi ngày.
Nếu giao hàng thật nhanh và làm việc thêm giờ, Zhang có thể kiếm 8.000 tệ mỗi tháng (trên 1.100 USD), nhiều hơn thu nhập từ công việc chuyển phát thư trước đây.
Zhang và các đồng nghiệp thường xuyên cập nhật những mẹo vặt hay cách phòng bệnh cũng như thông tin về dịch Covid-19. Một đồng nghiệp của Zhang khuyên anh dùng chìa khóa để ấn nút thang máy. Một chiều nọ, ai đó viết trên nhóm chat của công ty rằng có bệnh nhân nghi nhiễm nCoV đã chết ở khu dân cư 125 và khuyên mọi người không nên tới khu vực này. "Thật không may", một đồng nghiệp nói. "Tôi có đơn chuyển đến chỗ đấy". Tới nay, chưa đồng nghiệp nào của Zhang bị ốm, anh cho hay.
Dù nguy hiểm, dịch bệnh lại mang đến một số điểm tích cực bất ngờ đối với các tài xế giao hàng như Zhang. Trước đây, anh thỉnh thoảng phải vượt đèn đỏ để kịp giao đơn đúng hẹn vào giờ cao điểm. Nhưng nay, đường phố vắng vẻ giúp anh "dễ thở hơn" khi giao đơn.
Khách hàng cũng dễ tính và thân thiện hơn nữa, anh nói. Trước đây, nhiều khách hàng hầu như không mở cửa và không đưa mắt nhìn anh. Nhưng sau khi dịch bùng phát, mọi người đều nói "Cảm ơn" với tài xế giao hàng.
Tuy nhiên, những tương tác như vậy giờ đây trở nên hiếm hơn. Tuần qua, chính quyền Vũ Hán đã ra lệnh cho các khu dân cư thành lập điểm "giao hàng không tiếp xúc". Khi Zhang nhận đơn, anh sẽ chuyển hàng tới một điểm kiểm soát được chỉ định sẵn trong khu dân cư của khách hàng, để món đồ ở đó rồi rời đi.
Với Zhang, thay đổi lớn nhất và tốt nhất nằm ở thói quen sau giờ làm. Bình thường, Zhang sẽ xem phim hoặc dành thời gian đi chơi với bạn bè. Những ngày này, mỗi đêm, anh đều viết nhật ký rồi gửi tới nhiều website. Điều khiến Zhang vui mừng là họ rất hứng thú và bắt đầu chia sẻ chúng.
Bài đầu tiên của Zhang được đăng hôm 30/1 trên tạp chí online Single Read. Sau đó, anh đã có thêm 5 bài nữa được đăng.
Anh viết về chuyện mình gọi cho một người bạn nhờ giúp đỡ khi các con anh bị ốm, về việc nhìn thấy hai cụ ông chơi cờ ngoài đường mà không đeo khẩu trang hay về một ngày giao hàng, chạy xe quanh Vũ Hán của mình.
"Thông thường, bạn sẽ nhìn thấy mọi người tắm nắng, chơi cờ, mua đồ hay chỉ ngồi chơi, chẳng làm gì cả", Zhang viết trong bài đăng ngày 30/1. "Bình thường, tôi thấy mọi thứ quá ồn ào. Chỉ bây giờ tôi mới phát hiện ra rằng một thành phố không có tiếng người thật nhàm chán".
Zhang đọc mọi lời bình luận trên các bài viết của mình. Nhiều người nói họ không tin một nhân viên giao hàng viết ra những dòng như vậy.
"Tôi nghĩ mọi người thích tôi vì tôi chỉ là người bình thường giống như họ", anh nói.
Zhang định tiếp tục công việc viết lách kể cả sau khi dịch bệnh chấm dứt. Anh đã nhận ít đơn hàng hơn để có thêm thời gian viết. Nếu các bài viết không còn được xuất bản, anh sẽ tiếp tục giao hàng kiếm tiền, nhưng sẽ không dừng viết, Zhang khẳng định.
Vũ Hoàng (Theo New York Times)