Zong về thăm mẹ và ông bà ở Vũ Hán, thủ phủ tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát. Cô là một trong hàng trăm người được chính phủ Mỹ đưa lên máy bay hồi hương, sau đó phải trải qua 14 ngày cách ly tại căn cứ quân sự ở bang California.
Ngày thứ nhất
Tôi được thông báo rằng chuyến bay cuối cùng đón công dân Mỹ về nước sẽ khởi hành tối nay, nên phải tìm cách tới sân bay Vũ Hán. Khung cảnh ở đó thật hỗn loạn. Không ai biết mình sẽ đi đâu. Chúng tôi chỉ biết thông tin về chuyến bay trên một nhóm chat qua điện thoại. Thông tin trên vé máy bay của tôi được viết tay.
Nhân viên đại sứ quán Mỹ kiểm tra thân nhiệt và đưa cho tôi một vòng tay màu xanh, thể hiện máy bay tôi sẽ lên. Một chuyến bay khác cũng chuẩn bị khởi hành và mọi người trên đó phải đeo vòng màu vàng. Họ viết nhiệt độ cơ thể của tôi lên vòng tay và liên tục kiểm tra tình trạng của tôi trong suốt chuyến đi.
Chúng tôi phải chờ 5 tiếng trước khi máy bay cất cánh. Những đứa trẻ đang kêu khóc. Tôi cảm thấy kiệt sức.
Ngày thứ hai
Khi chúng tôi xuống máy bay tại căn cứ quân sự ở San Diego, nhân viên Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ trong bộ đồ màu xanh navy cùng logo CDC đứng chờ sẵn. Mọi thứ giống hệt bộ phim "Contagion" (Bệnh truyền nhiễm).
Thời tiết ở đây rất tuyệt, có nắng và gió nhẹ. Đó chính là California thân thuộc của tôi. Tôi thấy thật thoải mái và nhẹ nhõm. Tôi ước mẹ và ông bà cùng ở đây. Tôi gửi tin nhắn cho họ để nói rằng tôi đã đến nơi an toàn.
Xe buýt chở chúng tôi tới khu vực cách ly. Chúng tôi được kiểm tra thân nhiệt lần nữa và làm thủ tục nhập cảnh. Nhân viên ở đây rất thân thiện và tốt bụng. Tôi nhận chìa khóa phòng cùng hành lý rồi đi tới phòng của mình.
Hoàn toàn kiệt sức. Tôi đã có một giấc ngủ ngon nhất sau nhiều ngày qua.
Ngày thứ 5
Tôi pha cho mình một tách cà phê. Nhìn qua cửa sổ căn phòng, tôi thấy cảnh bình minh thật đẹp. Tôi thậm chí vẫn không thể hiểu nổi mình đang ở đâu và trải qua chuyện gì. Chênh lệch múi giờ khiến tôi thực sự mệt mỏi.
Cầm lấy điện thoại, một tin nhắn lập tức kéo tôi về hiện thực ở Vũ Hán. Người bạn của tôi nhắn tin rằng bà và dì của anh ấy đã qua đời vì nhiễm nCoV, trong khi bố anh ấy đang nằm viện.
Tất cả khiến tôi nhớ lại những gì đã trải qua ở Vũ Hán. Ngay trước khi rời thành phố, tôi cùng mẹ tới nhà chào tạm biệt ông bà. Đó là lần đầu tiên tôi thấy ông khóc. Tôi không thể ôm và thậm chí không thể lại gần họ. Bà đưa cho tôi chiếc túi đựng phong bao màu đỏ cùng một lá thư mà ông bà viết cho tôi. Tôi cố không khóc và nói lời tạm biệt họ.
Đó là lời tạm biệt khó khăn nhất của tôi từ trước tới giờ.
Ngày thứ 6
Ở căn cứ, hai người trong khu cách ly được phát hiện dương tính với nCoV. Mọi người bắt đầu chất vấn nhân viên CDC. Tôi cũng có nhiều băn khoăn, nhưng quyết định đặt trọn niềm tin vào nhân viên đó, người đã hỗ trợ chúng tôi từ đầu và phải làm việc 14 tiếng mỗi ngày.
"Chúng ta là những người may mắn", tôi nói với mọi người ở đây. Nhưng tất nhiên, chẳng ai nghĩ giống tôi. Họ đã viết đơn kiến nghị làm xét nghiệm nCoV cho tất cả mọi người.
Vài ngày đầu, đồ ăn ở đây thực sự rất tệ, giống như đồ thừa trên các chuyến bay thương mại. Nhưng tôi nghe rằng họ đang thay đổi nhà cung cấp và tôi thấy mọi thứ tốt lên từng ngày.
Chúng tôi tới một văn phòng trong khu cách ly. Quan chức CDC nói rằng người nhiễm nCoV đã vô tình được đưa về căn cứ quân sự này do nhầm lẫn kết quả xét nghiệm. Mọi người tỏ ra giận dữ. Họ lo lắng và muốn biết danh tính người bị nhiễm. Nhưng vì lý do bảo mật thông tin, quan chức này đã không tiết lộ cho họ. Tôi hiểu sự lo ngại của mọi người, nhưng thấy điều đó hơi thái quá và vô nghĩa.
Ngày thứ 8
Tôi không phải người thích tổ chức ăn mừng trong những ngày đặc biệt. Tôi độc thân nên không quan tâm tới ngày lễ tình yêu. Nhưng muốn làm điều gì đó để cảm thấy bớt buồn chán trong thời gian cách ly ở đây, tôi đã quyết định đặt sô cô la Godiva và thiệp chúc mừng trên mạng. Tôi muốn tặng nó cho hai phụ nữ trẻ ở phòng bên cạnh. Tôi gõ cửa phòng họ và giữ khoảng cách 2 m theo quy định ở đây, rồi đưa túi quà.
Tôi thường kiểm tra nhiệt độ cơ thể vào buổi sáng. Tôi cũng đưa cho nhân viên CDC một món quà Valentine. Tôi thực sự xúc động khi thấy nhân viên này cũng đã chuẩn bị quà Valentine cho chúng tôi. Tôi ăn sô cô la và một túi dâu tây rồi rời đi. Tôi còn một kế hoạch khác cho ngày hôm nay: giặt đồ.
Sau gần 10 ngày ở khu cách ly, tôi thực sự thấy bản thân vui vẻ hơn trước. Tôi ít sử dụng điện thoại hơn, mà thay vào đó là quan tâm tới bản thân. Tôi đọc những cuốn sách còn bỏ dở suốt nhiều năm qua. Tôi ở trong phòng và chơi trò ghép hình một mình suốt 6 tiếng.
Điều gì khiến tôi nhớ nhất ư? Đó là món ăn mà mẹ và bà đã nấu khi tôi còn ở Vũ Hán. Ở đây, tôi dành 2-3 tiếng mỗi ngày để nói chuyện với gia đình và bạn bè ở đó. Tôi cũng có nhiều bạn mới ở đây và thường nói chuyện với họ vào bữa sáng. Nhưng gần như tôi không ra ngoài hay ở cùng những người khác.
Ngày thứ 9
Tâm trạng của tôi thay đổi theo từng ngày ở đây. Vài ngày đầu, tôi cảm thấy an tâm và cuối cùng cũng có thể ngủ ngon giấc. Nhưng sau khi hai người nhiễm virus được phát hiện, tôi bắt đầu thấy sợ hãi và hoảng loạn đôi chút.
Tôi không phải bác sĩ hay chuyên gia, nhưng hiểu mình cần phải làm gì. Ở góc độ y tế, các biện pháp bảo vệ như đeo khẩu trang, rửa tay sạch và sử dụng dung dịch sát khuẩn thường xuyên là điều cần thiết. Nhưng ở góc độ tinh thần, tôi hiểu không nên phản ứng thái quá.
Sau khi bác sĩ và nhân viên CDC giải thích tất cả tình hình với chúng tôi, tôi thấy khá tự tin về tình trạng sức khỏe của mình.
Dường như mọi người ở đây đang coi những người nhiễm virus giống như xác sống. Chúng ta nên thương tiếc những người đã chết vì nCoV, tôn trọng những người đang nỗ lực để chống lại dịch bệnh này. Chúng ta nên vui mừng khi là những người may mắn. Đừng đối xử với người khác bằng sự lo sợ hay ghét bỏ, bởi nó không giải quyết được vấn đề gì.
Ngày thứ 14
Một buổi sáng bận rộn khi chúng tôi phải đóng gói đồ đạc và làm thủ tục rời khu cách ly ở căn cứ quân sự. Tất cả chúng tôi được đưa một phong bì khổ A-4 màu vàng cùng giấy xác nhận không có nguy cơ lây nhiễm nCoV. Nó giống như chúng tôi vừa tốt nghiệp một chương trình đào tạo bí mật.
Tôi đang đợi ở sân bay San Diego để về nhà. Thật lạ là sau ngần ấy ngày cách ly, mọi thứ lại trở lại bình thường. Không ai đeo khẩu trang. Mọi người ngồi xung quanh tôi, cùng nhau ăn trưa và nói chuyện về cuộc sống của họ.
Tôi cần thêm thời gian để thích nghi với điều này. Bởi để trở về nhà, tôi đã phải chờ đợi quá lâu và trải qua một hành trình dài.
Tôi muốn nói một câu bằng tiếng mẹ đẻ rằng: "Đừng bỏ cuộc nhé, quê hương của tôi. Tôi yêu các bạn!"
Thanh Tâm (Theo NY Times)