Ghi nhận ở một số trường đại học công lập đã công bố phương án tuyển sinh 2024, phương thức xét kết quả học bạ dần "hẹp" lại, khi các trường đặt ra thêm điều kiện, giảm chỉ tiêu hoặc bỏ hẳn cách xét tuyển này.
Một tuần trước, trường Đại học Ngoại thương (FTU) cho hay giữ ổn định 6 phương thức như vài năm gần đây, gồm xét học bạ; xét kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, học thuật quốc tế; xét điểm thi đánh giá năng lực; sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT; xét tuyển thẳng theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điểm mới của năm nay là với hai phương thức đầu, ngoài điểm học bạ, thí sinh phải đạt tối thiểu 24 điểm thi tốt nghiệp THPT trở lên, ở ba môn trong tổ hợp xét tuyển.
Trong khi đó, trường Đại học Nông Lâm TP HCM giảm khoảng 10% chỉ tiêu xét tuyển bằng học bạ, xuống còn 25-30% tổng chỉ tiêu.
Trường Đại học Kiến trúc TP HCM cũng hạn chế xét học bạ trong vài năm gần đây. Năm 2020, trường dành 30% tổng chỉ tiêu bằng xét học bạ, áp dụng với mọi thí sinh thì đến năm 2022, tỷ lệ này chỉ còn 15%, dành cho học sinh trường chuyên.
Thay vì giảm chỉ tiêu hay đặt thêm điều kiện, trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) năm nay bỏ tuyển sinh bằng học bạ. Các năm trước, trường thường dành 10-15% chỉ tiêu cho phương thức này, áp dụng với học sinh giỏi ở trường chuyên.
Đại diện các trường cho biết kết quả học bạ không đồng đều giữa các địa phương và các trường THPT, tỷ lệ ảo cao là nguyên nhân khiến trường 'siết' dần phương thức này.
TS Trần Đình Lý, Phó hiệu trưởng trường Đại học Nông Lâm TP HCM, cho biết nhà trường đã phân tích hồ sơ của thí sinh xét vào trường bằng kết quả học bạ. Kết quả cho thấy điểm số học bạ không đồng nhất giữa các địa phương.
"Kết quả học bạ phụ thuộc vào cách đánh giá của giáo viên, nhà trường. Mỗi nơi đánh giá mỗi kiểu, các trường THPT trong cùng một quận ở TP HCM cũng đã có sự chênh lệch lớn", đại diện trường Kiến trúc TP HCM nói thêm.
Với trường Đại học Ngoại thương, việc đặt ra điều kiện sàng lọc cao hơn khi xét tuyển bằng kết quả học bạ nhằm tạo ra thước đo tương quan giữa điểm thi tốt nghiệp THPT và điểm học bạ. PGS.TS Phạm Thu Hương, Phó hiệu trưởng trường Đại học Ngoại thương, cho biết thay đổi này giúp trường thống nhất áp dụng điểm sàn 24 - mức giỏi - cho tất cả phương thức. Thứ hai, việc kết hợp điểm thi tốt nghiệp THPT với học bạ tạo ra một công cụ đối sánh gián tiếp, để các trường phổ thông chuẩn hóa việc đánh giá học sinh.
"Chúng ta không nên có tâm lý phủ nhận kết quả trong cả một quá trình của giáo dục phổ thông. Thay vào đó, cần chấp nhận dựa trên cơ sở khoa học và đồng hành để giúp hệ thống giáo dục phổ thông ngày càng hoàn thiện, tiệm cận với giáo dục quốc tế", bà Hương nói.
Một lý do khác là các trường muốn giảm tỷ lệ trúng tuyển ảo trong tuyển sinh đầu vào. PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, cho biết qua nhiều năm, trường nhận thấy hầu hết học sinh giỏi ở trường chuyên đều đủ điều kiện xét tuyển bằng chứng chỉ quốc tế hoặc điểm thi riêng.
"Bỏ xét học bạ với học sinh trường chuyên sẽ làm giảm tỷ lệ ảo, vì một em có thể dùng nhiều phương thức", ông Triệu nói.
Điều này cũng xảy ra ở trường Đại học Nông Lâm TP HCM. Hàng năm, tỷ lệ ảo ở phương thức xét học bạ khá cao do thí sinh trúng tuyển bằng nhiều phương thức, nhưng khi xác nhận nhập học thì thường chọn xét theo điểm thi tốt nghiệp hoặc điểm thi đánh giá năng lực. Vì vậy, trường giảm xét tuyển học bạ để dành chỉ tiêu cho phương thức khác.
Hồi tháng 8 năm ngoái, bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho biết chỉ 32,2% thí sinh trúng tuyển sớm (xét học bạ, tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển) đặt nguyện vọng trúng tuyển ở vị trí số 1. Còn lại, gần 70% thí sinh trúng tuyển sớm là ảo, khiến các trường gặp không ít khó khăn trong tuyển sinh.
Dù vậy, đến nay, 60 đại học công bố xét học bạ năm 2024, gồm cả khối trường quân đội. Nhiều đại học nhận định phương thức này tạo thuận lợi cho thí sinh, lực học của sinh viên trúng tuyển bằng học bạ không chênh lệch nhiều so với sinh viên vào trường theo điểm thi tốt nghiệp THPT.
Lệ Nguyễn - Thanh Hằng