Theo báo cáo từ Trung tâm kiểm soát và ngăn ngừa bệnh Mỹ (CDC), người phụ nữ này ở độ tuổi 60, trước đây khỏe mạnh và tiêm văcxin phòng bệnh sốt vàng trước chuyến tham quan Nam Mỹ. Tuy nhiên, 6 ngày sau khi tiêm, bà phải nhập viện vì nôn, tiêu chảy và khó thở. Mười tiếng sau khi nhập viện, tình trạng sức khỏe của bà xấu đi và các bác sĩ phải cho bà dùng máy thở. Bệnh nhân sau đó bị suy tim, suy thận và chết sau 3 ngày nằm bệnh viện.
Khám nghiệm tử thi cho thấy người phụ nữ này có một khối u ở tuyến ức (cơ quan ở gần tim và là một phần của hệ thống miễn dịch). Bệnh của bà chưa từng được phát hiện trước đây. Khối u có thể là nguyên nhân gây nên phản ứng nặng nề của bệnh nhân với mũi tiêm. Trong các cơ quan và máu của bệnh nhân cũng đã có các cơ sở di truyền của virus sốt vàng.
Các bác sĩ khẳng định, người phụ nữ chết do một bệnh được gọi là bệnh lý hướng nội tạng liên quan đến văcxin (YEL-AVD) - một phản ứng nặng nề với văcxin sốt vàng trong trường hợp virus tự nhân lên không thể kiểm soát. Theo CDC, phản ứng này rất hiếm: Với một triệu liều văcxin phân phối, có khoảng 4 ca bị YEL-AVD.
Nhóm có nguy cơ cao bị phản ứng này là những người trên 60 tuổi hoặc có bệnh ở tuyến ức. Nếu người phụ nữ trên được phát hiện bệnh ung thư tuyến ức trước khi tiêm, bà sẽ được khuyến cáo không nên tiêm văcxin phòng bệnh sốt vàng. Khoảng 1/3 các trường hợp bị u tuyến ức được chẩn đoán là ở những người không hề có triệu chứng đặc hiệu gì.
Đến nay vẫn chưa có khuyến cáo nào trên truyền thông với bệnh u tuyến ức trước khi tiêm văcxin phòng sốt vàng. Bệnh u tuyến ức cũng là bệnh hiếm gặp, cứ một triệu người mới có khoảng 13 trường hợp mắc mỗi năm ở Mỹ.
Theo CDC, virus sốt vàng lây truyền qua muỗi và thường xuất hiện ở các khu vực nhiệt đới của Nam Mỹ và Châu Phi. Các triệu chứng bệnh có thể từ nhẹ là sốt vừa đến nghiêm trọng như suy gan và tử vong ở 20-50% số ca mắc. Văcxin phòng sốt vàng được khuyên dùng cho những người sống hoặc du lịch tới vùng nhiệt đới Nam Mỹ hoặc khu vực Châu Phi hạ Sahara.
"Hầu hết mọi người đều không có phản ứng gì hoặc gặp tác dụng phụ nhẹ sau tiêm văcxin sốt vàng, lợi ích của việc tiêm văcxin này với các khách tham quan ngắn ngày cần được cân nhắc với nguy cơ tác dụng phụ", các nhà nghiên cứu viết trong báo cáo hàng tuần của CDC về sự hoành hành của bệnh tật và các nguy cơ gây chết người.
Nguy cơ khi tiêm văcxin thường được cân nhắc với nguy cơ mắc bệnh mà loại văcxin đó có thể ngăn ngừa. Trong trường hợp bệnh sốt vàng da, CDC nhấn mạnh, trong cùng một khoảng thời gian, 5 người đã có phản ứng nghiêm trọng với văcxin này nhưng cũng có 4 khách du lịch không tiêm văcxin đã chết vì nhiễm sốt vàng.
"Khi quyết định liệu có nên tiêm văcxin sốt vàng hay không, bệnh nhân và cơ sở y tế nên trao đổi về nguy cơ nhiễm bệnh này khi đi du lịch, chú ý tới các yếu tố như mùa, điểm đến, khoảng thời gian lưu lại, khả năng bị muỗi đốt và tình trạng vắc xin", các nhà nghiên cứu nói.
Vương Linh (Theo Live Science)