Tối 6/4, tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội, buổi tọa đàm về cuốn sách Xứ Đông Dương của Paul Doumer - Toàn quyền ở Đông Dương từ 1897 đến 1902 và sau này là tổng thống Pháp (từ năm 1931 cho đến khi bị ám sát vào ngày 7/5/1932) - được diễn ra. Paul Doumer viết cuốn sách vào năm 1903 - một năm sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ Toàn quyền Đông Dương - với mục đích báo cáo, tổng kết hành trình 5 năm cai trị Đông Dương.
Có mặt tại buổi tọa đàm, PGS.TS Dương Văn Quảng - người từng là Tham tán Công sứ Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, nguyên Giám đốc Học viện Ngoại giao - cho rằng cuốn sách gợi một giai đoạn lịch sử đầy biến động và bi thương mà Việt Nam và các nước láng giềng trải qua.
Từ bi thương được ông Quảng lý giải: "Việc Paul Doumer sang Đông Dương nằm trong chiến dịch khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp, nhằm biến Đông Dương trở thành một nước Pháp ở Viễn Đông. Việc này xuất phát từ lợi ích của nước Pháp, mà người tạo ra những lợi ích đó chính là người dân nước ta. Bởi thế thời kỳ đó không thiếu bi kịch của những người thợ mỏ, thợ làm cao su, chuyện người nông dân, công nhân... bị bóc lột".
Ông Quảng cho rằng những điều đó tác động đến tâm lý của người dân nước ta. Trong khi với người Pháp, dưới góc độ của họ, là đã thành công trong việc khai thác lợi ích cho mẫu quốc.
Việc phát hành cuốn sách Xứ Đông Dương khiến nhiều độc giả băn khoăn liệu có nên ca ngợi Paul Doumer với chế độ thực dân đô hộ của nước Pháp bấy giờ. Ông Quảng cho rằng cuốn sách giúp nhìn lại lịch sử qua góc nhìn của Paul Doumer chứ không phải kể công hay kể tội.
Theo ông, cuốn sách có thể chứa đựng nhiều kiến giải chủ quan của Paul Doumer, nhiều sự kiện không trùng hợp với lịch sử Việt Nam hoặc không phù hợp cách nhìn của Việt Nam về cuộc khai thác thuộc địa lần thứ nhất của Pháp tại Đông Dương. Tuy nhiên, theo ông Quảng, cuốn sách với góc độ người trong cuộc sẽ mang đến góc nhìn mới cho người Việt, đặc biệt những bạn trẻ muốn học về lịch sử đất nước.
Nhà văn Trương Quý - người chuyên viết về Hà Nội - nhìn nhận cuốn sách ở góc độ những đóng góp của Paul Doumer trong việc xây dựng kiến trúc đô thị của Hà Nội. Tác của của bảy tập tản văn và truyện ngắn về đề tài Hà Nội cho rằng khi đến Hà Nội, Paul Doumer đã sớm nhận diện bản sắc bản địa và sớm nhận ra là "nên quan tâm đến bản sắc địa phương thay vì cai trị độc đoán".
Paul Doumer chính là người cho xây dựng cầu Long Biên (cây cầu còn mang tên ông). Ngoài ra, trên khắp Việt Nam, ông cũng tạo nên nhiều công trình còn giá trị đến ngày nay như cầu Tràng Tiền, cảng Hải Phòng, thiết kế xây dựng hệ thống đường sắt Đông Dương nối với Vân Nam, Trung Quốc... Các diễn giả đều đánh giá cao tầm nhìn, chính sách của Paul Doumer trong hoạch định Đông Dương.
Dưới thời Paul Doumer, ông chia Đông Dương làm năm xứ gồm Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Ai Lao và Cao Miên với chiến lược chia để trị. Cuốn sách lần lượt kể hành trình của Paul Doumer từ khi ông rời nước Pháp năm 1897, trên chuyến hải trình cập cảng Sài Gòn, từ đó khảo sát năm xứ Đông Dương và đưa ra những chính sách kiến thiết, cai trị. Sách viết theo lối hành văn hồi ký, chứa đựng những kiến thức lịch sử, địa lý, thiên nhiên, con người, văn hóa xứ Đông Dương.
Theo ông Nguyễn Cảnh Bình, cuốn sách của Paul Doumer mang đến sự tự hào cho thế hệ sau khi được đọc ở đó địa hình, khí hậu, sản vật, con người Việt Nam trong một giai đoạn lịch sử. "Sách khơi gợi sự tự hào người Việt, cho thấy chúng ta không hề kém cỏi mà là một dân tộc có tố chất, quả cảm, chăm chỉ, vững mạnh. Những trang sách hiện lên hình ảnh các vùng đất Việt Nam rất tuyệt vời với xứ Thanh, xứ Nghệ, xứ Quảng...".
Nguyễn Cảnh Bình dẫn lời Paul Doumer viết trong cuốn sách khen ngợi người Việt: "Người An Nam chắc chắn là tộc người ưu trội so với các dân tộc xung quanh... Người An Nam thông minh, cần cù và dũng cảm".
Các diễn giả đánh giá dù thế nào lịch sử vẫn là lịch sử. Những gì Paul Doumer làm được và những công trình ông xây dựng vẫn còn hiện diện. Xứ Đông Dương sẽ là nguồn tài liệu đáng quý, giúp chúng ta nhìn nhận lịch sử được khách quan hơn.
Sách do công ty Alpha Books và Trung tâm Hợp tác Trí tuệ Việt Nam phối hợp xuất bản từ hình thức gây quỹ cộng đồng. Trước đó, sách phát hành bản bìa cứng tới những người đặt mua trước nhưng bị phát hiện nhiều lỗi dịch thuật nên đã phải ngừng in để chỉnh sửa.
Di Ca