Năm 2016, nghiên cứu do Angela Bahns - phó giáo sư tâm lý tại Đại học Wellesley và Chris Crandall - giáo sư tâm lý học tại Đại học Kansas (Mỹ) tiến hành đã tìm hiểu câu hỏi: Liệu một người có thể thay đổi bản thân vì người mà họ yêu hay không? Kết quả nghiên cứu được đăng trên Tạp chí Nhân cách và Tâm lý Xã hội (Journal of Personality and Social Psychology) cho thấy: "Mặc dù ý tưởng về ảnh hưởng lẫn nhau giữa các đối tác là cốt lõi của nghiên cứu, chúng tôi phát hiện ra tính cách, thái độ và giá trị của đối tác hầu như không khiến hành vi của một người thay đổi".
Các nhà nghiên cứu chỉ ra, các yếu tố như di truyền, môi trường thơ ấu, kinh nghiệm sống được kết hợp tạo nên tính cách, giá trị, niềm tin cũng như hành vi của một người. Trong số đó, các đặc điểm tính cách cốt lõi có xu hướng duy trì tương đối cố định, khi người đó trưởng thành.
Crystal Raypole - nhà văn, biên tập viên của GoodTherapy - khẳng định: "Trong hầu hết các trường hợp, sự thay đổi sẽ không xảy ra cho đến khi một người thực sự muốn áp dụng những thay đổi đó cho cuộc sống của chính họ, chứ không phải vì bất cứ áp lực, yêu cầu nào từ phía đối tác".
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi người chúng ta có thể thay đổi bản thân thông qua môi trường và động lực cá nhân. Tiến sĩ tâm lý học Ramani Durvasula, tác giả cuốn sách Should I Stay or Should I Go? chia sẻ: "Chúng ta sẽ tự hủy hoại bản thân khi cố gắng đưa đối tác của mình vào một cái hộp hoàn hảo.
Nghiên cứu do Angela Bahns và Chris Crandall còn cho thấy một điểm thú vị khác, đó là con người có xu hướng kết bạn hoặc tìm một nửa tương lai có xu hướng tương đồng về tính cách, quan điểm, nhằm bảo vệ bản thân khỏi những thông tin và ảnh hưởng đối lập.
Hai nhà nghiên cứu lập luận rằng việc lựa chọn một người bạn đời giống mình giúp thúc đẩy sự nhất quán và ổn định trong việc tổ chức nhân cách khi trưởng thành. Do đó, sự phát triển của một mối quan hệ có thể phụ thuộc nhiều vào sự tương đồng giữa hai người ngay từ những ngày đầu gặp gỡ.
Thùy Linh (Theo Aboluowang)