Lý Mạnh Tú, sinh năm 1989, làm việc cho một công ty du lịch tại Hà Nội. Anh cùng vợ và hai người bạn du ngoạn qua nhiều địa điểm nổi tiếng: Miếu Bà Chúa Xứ, rừng tràm Trà Sư (An Giang), bến Ninh Kiều (Cần Thơ) và tham quan một số chùa Khmer (Sóc Trăng) cùng những trải nghiệm đậm chất miền Tây sông nước.
"Cuộc sống sẽ tẻ nhạt nếu không đặt chân đến những vùng đất mới", Tú tâm sự. Vì vậy, anh quyết định tham quan một số tỉnh thành miền Tây vào đầu tháng 4. Hành trình xê dịch luôn có vợ đi cùng và mang niềm đam mê du lịch vào nghề kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch.
Trong chuyến hành trình về Sóc Trăng, anh dành một ngày khám phá hai ngôi chùa Khmer nổi tiếng là chùa Dơi và Som Rong. Hệ thống chùa Khmer ở Nam Bộ theo hệ phái Nam Tông khá dày đặc, nhất là ở tỉnh Trà Vinh với 143 ngôi chùa Khmer, tiếp theo là Sóc Trăng với 92 chùa. Mỗi ngôi chùa Khmer có khung cảnh ấn tượng, quy mô khác nhau, có sự kết hợp giữa cổ điển và hiện đại nhưng đều tựu chung là một công trình nghệ thuật mang dấu ấn riêng biệt. Chùa Khmer nổi tiếng nhất ở Sóc Trăng là chùa Dơi, cách trung tâm thành phố gần 2 km.
Chùa Dơi có tên Khmer là Wath Sêrâytêchô Mahatup, người Kinh và người Hoa đọc chệch Mahatup thành "Mã tộc", nên chùa còn có tên gọc là chùa Mã Tộc. Mạnh Tú bất ngờ khi lối vào chính điện trồng nhiều cây sao và dầu cổ thụ, mang đến không gian xanh cho ngôi chùa, phía sau khuôn viên chùa là một hồ nước kè bằng đá nuôi các loài cá khác nhau.
Anh dừng lại tò mò trước những bức tượng tiên nữ Kemnar chắp tay trước ngực, đắp trên hành lang bao quanh gian chính điện. Theo Tú, điều thú vị nhất là chiêm ngưỡng cảnh đàn dơi treo mình lủng lẳng như trái cây phía sau chùa. Anh cũng bày tỏ chút tiếc nuối khi dơi không còn nhiều so với một số hình ảnh đăng trên mạng về đàn dơi đông đúc hàng trăm nghìn con như trước kia.
Sau chùa Dơi cổ kính, Mạnh Tú tiếp tục di chuyển đến chùa Bôtum Vong Sa Som Rong (thường gọi Som Rong). Đây là điểm đến du lịch tâm linh nổi tiếng tại Sóc Trăng, tọa lạc ở phường 5, TP Sóc Trăng, với lối kiến trúc Khmer pha nét hiện đại, thu hút đông du khách, đặc biệt là các bạn trẻ.
Chùa có điểm nhấn chính là tượng Phật Thích Ca nhập Niết bàn chiều dài 63 m, cao 22,5 m, nặng khoảng 490 tấn, được xem là một trong những tượng Phật nằm lớn nhất Việt Nam hiện tại. Trong chùa, các bạn nữ thuê trang phục hóa trang thành thiếu nữ Khmer chụp ảnh tại các lối đi hành lang, tam cấp chùa, tòa tháp bên ngoài khuôn viên và trước tượng Phật nằm...
Ngoài khám phá kiến trúc, Mạnh Tú còn tìm hiểu nếp sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Khmer. Qua đó, anh biết được trong thời gian từ ngày 14 đến 16/4 là Tết Chôl Chnăm Thmây truyền thống. Người Khmer cho rằng đây là thời điểm trời đất giao hòa, mùa nắng chuyển sang mùa mưa, muôn cây xanh tốt, là sự khởi đầu cho một năm mới. Thông thường, những ngày này người Khmer tập trung vào chùa, nơi các vị chư tăng tổ chức những nghi lễ, ý nghĩa khác nhau.
Ngoài hai chùa trên, nếu ở Sóc Trăng trong hai ngày, du khách có thể tham quan thêm một số chùa Khmer nổi tiếng khác như chùa Kh’leang, Chrôi Tưm Chắs, Paem Buôl Thmây (TP Sóc Trăng), chùa Chén Kiểu (huyện Mỹ Xuyên) hay chùa Bốn Mặt (huyện Châu Thành).
Chuyến tham quan Sóc Trăng không nhiều thời gian nhưng Mạnh Tú cũng tranh thủ đi một vòng khám phá chợ trung tâm TP Sóc Trăng, bất ngờ khi thấy trái cây bán quá trẻ so với ở Hà Nội, xoài chỉ 5.000-10.000 đồng/kg tùy loại. Anh cũng không quên thưởng thức trái cà na ngâm chua ngọt, me chín, uống nước mía, ăn bún nước lèo và mua đặc sản bánh pía về làm quà.
Tú ấn tượng và mang nhiều lưu luyến với miền Tây. "Nhất định tôi sẽ trở lại Sóc Trăng và tiếp tục hành trình trên đất phù sa", Tú nhắn nhủ.
Huỳnh Phương
Ảnh: Lý Mạnh Tú