Tết Chôl Chnăm Thmây là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer, diễn ra trong ba ngày từ 14 đến 16/4 Dương lịch. "Chôl" nghĩa là "vào" và "Chnăm Thmay" là "năm mới’. Người xưa cho rằng đây là thời điểm khởi đầu cho một năm mới bởi trời đất giao hòa, mùa nắng chuyển sang mùa mưa, cây cối đâm chồi nảy lộc.
Du khách đến Sóc Trăng dịp này có thể cảm nhận sự náo nhiệt, vui tươi đón Tết tại hầu hết các điểm chùa Khmer, gồm các chùa nổi tiếng tại thành phố Sóc Trăng như chùa Dơi, chùa SomRong, chùa Kh’leang, Chrôi Tưm Chắs hay Paem Buôl Thmây.
Sư Hoàng Đạt, đang tu học tại chùa Dơi, cho biết trước Tết Chôl Chnăm Thmây vài ngày, người dân sống tại phum sóc (khu dân cư) quanh chùa trang hoàng, dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ; còn các vị chư tăng thì dựng, trang trí sân khấu từ các vật liệu địa phương, chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ.
Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của hơn 1,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer tại Việt Nam. Năm nay, đồng bào Khmer tổ chức Tết cổ truyền sau 2 năm tạm ngưng vì Covid-19. Đêm giao thừa ngày 13/4, người dân đến chùa nghe các nhà sư tụng kinh, ban phước lành trong thời khắc chuyển sang năm mới. Thanh niên, thiếu nữ Khmer rực rỡ trong trang phục truyền thống thu hút ánh nhìn của du khách.
"Tôi háo hức khi đi chơi Tết, hòa vào không khí vui tươi cùng bà con Khmer", anh Trường Dương, người Kinh, sống tại thành phố Sóc Trăng, chia sẻ. Anh Dương theo dõi các tiết mục văn nghệ, xem các bé chơi nhạc ngũ âm và múa rô băm vào đêm giao thừa 13/4 tại chùa Dơi.
Ngày Tết thứ nhất 14/4 gọi là Chôl Sangkran Thmây. Tại nhà, mọi người chọn giờ tốt nhất trong ngày, tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo trang trọng và lịch sự, chuẩn bị bàn thờ thiên. Họ xếp hoa, trái cây và nhang đèn sẵn sàng để tiễn vị thần Têvêđa cũ, đón thần mới đến cai quản phum, sóc (cụm dân cư của người Khmer).
Tại chùa diễn ra nghi lễ rước Đại lịch (Maha Sangkran). Phật tử đi quanh ngôi chánh điện của chùa ba vòng, để đánh dấu rước lịch năm mới đến với đồng bào Khmer. Lễ rước đại lịch mang ý nghĩa tương tự lễ đón giao thừa dịp Tết Nguyên đán, nhằm tiễn những điều không may của năm cũ, hy vọng năm mới tốt lành.
Ngày Tết thứ hai 15/4 gọi là Wonbơf. Sáng sớm mọi người làm lễ dâng cơm đến các nhà sư, đến chiều làm lễ "Đắp núi cát" (Puôn phnôm khsach) trong khuôn viên chùa. Phật tử thắp hương để cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu phúc theo ước nguyện của mình.
Ngày thứ ba 16/4 gọi là Lơm-sắk, còn gọi là ngày Lễ tắm Phật. Ngày này mang nhiều ý nghĩa quan trọng đối với đồng bào Khmer và đánh dấu kết thúc Tết. Trong nghi lễ, các nhà sư dùng những cành hoa, vẩy những giọt nước có ướp hương hoa thơm lên tượng Phật. Sau đó, mọi người về nhà làm lễ tắm tượng Phật thờ trong gia đình, chúc mừng ông bà, cha mẹ và dâng bánh để tạ ơn.
Không chỉ là là Tết của người Khmer, dịp này người Kinh, Hoa trên địa bàn Sóc Trăng cũng đến chung vui. Ngày Tết cổ truyền Khmer góp phần giáo dục con người về tấm lòng hiếu thiện, thương yêu, giúp đỡ nhau trong phum sóc. Đây cũng là dịp bà con gặp gỡ nhau chia phúc, thăm hỏi và trao đổi kinh nghiệm trong tương lai.
Huỳnh Phương