Thứ bảy, 25/1/2025
Chủ nhật, 24/1/2021, 13:32 (GMT+7)

Một năm xử lý dioxin ở sân bay Biên Hòa

Đồng Nai1.200 m3 trong 500.000 m3 đất nhiễm dioxin đã được các chuyên gia Việt - Mỹ xử lý sau một năm khởi động dự án tại sân bay Biên Hòa.

Ngày 5/12/2019, đại diện Bộ Quốc phòng cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) khởi động dự án Xử lý ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa. Dự án sẽ thực hiện trong 10 năm với kinh phí 390 triệu USD, do chính phủ Mỹ hỗ trợ.

Sau khi khởi động dự án, các chuyên gia Mỹ đã có mặt tại Đồng Nai để tiến hành khảo sát, xử lý những khu vực nhiễm dioxin ở phía Tây sân bay, đặc biệt là vùng giáp khu dân cư. Tháng 3/2020, đoàn thực hiện dự án họp tại công trường trong bối cảnh Covid-19.

Một tháng sau, các chuyên gia trực thuộc Bộ Quốc phòng tiến hành khảo sát và rà phá bom mìn quanh khu vực sân bay để đảm bảo công tác xử lý dioxin được an toàn.

Một điểm xử lý dioxin giai đoạn đầu ở phía Tây sân bay Biên Hòa được các chuyên gia lấy mẫu đất đưa đi xét nghiệm. Các mẫu đất được chuyên gia cân đo, ghi chép số liệu để tìm hướng xử lý.

Hai chuyên gia sử dụng máy dò radar Opera Duo (của Italy) để định vị các vật, công trình ngầm tại khu vực đào xúc trong sân bay.

Máy dò Opera Duo gồm ăng-ten tần số kép 250 và 700 MHz, cùng phần mềm thu thập dữ liệu, giúp chuyên gia có thể xem và xử lý dữ liệu được mặt cắt đứng của lớp địa chất. Từ đó, họ phát hiện, đánh dấu kết quả và tự động nối các kết quả được đánh dấu trên các mặt cắt khác nhau để bản đồ hóa công trình ngầm.

Trước khi đào, xúc đất nhiễm đi xử lý, các đơn vị liên quan của Việt Nam và Mỹ cùng tiến hành khảo sát. Theo đánh giá của đoàn công tác, 5.300 m2 hồ cổng 2 được xem là khu vực nhiễm dioxin lớn nằm trong 75 ha với ước tính 500.000 m3 đất.

Khu vực xử lý chất độc hóa học trong sân bay được rào chắn cẩn thận, có biển báo cảnh báo nguy hiểm và nhắc nhở những người có nhiệm vụ được vào cần có bảo hộ cấp độ C, bao gồm mặt nạ lọc không khí, găng tay chống hóa chất bên trong và bên ngoài, mũ cứng, mặt nạ thoát hiểm và ủng chống hóa chất dùng một lần.

Hồ Cổng 2 thuộc khuôn viên sân bay trước khi chưa xử lý rộng chừng 5.200 m2. Theo đại diện USAID, trước đây quân đội Mỹ đã sử dụng sân bay Biên Hòa làm điểm tập kết chất dioxin. Theo thời gian, những chất này phát tán và trôi theo dòng nước khiến hồ bị ô nhiễm.

Chuyên gia lấy mẫu nước mặt nền hồ Cổng 2, nằm bên cạnh sân bay Biên Hòa để xét nghiệm trước khi xử lý.

5 máy xúc cùng các chuyên gia tiến hành xúc đất, xử lý dioxin tại hồ cổng ngày 13/1/2021.

Một tuần sau, hồ Cổng 2 được USAID bàn giao cho Bộ Quốc phòng sau khi xử lý xong. Đơn vị này đã bốc xúc gần 1.200 m3 trầm tích ô nhiễm dioxin vượt ngưỡng tiêu chuẩn cho phép, đưa vào khu xử lý trong sân bay Biên Hòa, đồng thời giải phóng, phục hồi toàn bộ diện tích mặt hồ rộng hơn 5.300 m2, đáp ứng về ngưỡng dioxin của Việt Nam.

Nhà máy xử lý đất nhiễm dioxin theo công nghệ Nhật Bản bên trong sân bay Biên Hòa. Đất sẽ được đưa qua nhiều bước để làm sạch dioxin.

Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam rò rỉ ra bên ngoài.

Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới.

Phước Tuấn (Ảnh Bộ Quốc phòng Việt Nam - USAID)