Hai vợ chồng tôi xuất thân từ gia đình nghèo, được ăn học đến nơi đến chốn. Lúc xưa tôi học giỏi, nhưng không có khả năng học cao. Thời thế bắt buộc phải lập nghiệp từ hai bàn tay trắng sau khi cưới vợ.
Một tháng sau khi cưới, không chịu được cảnh ở chung với gia đình đông đúc, chúng tôi ra chợ, xin thuê một túp lều đúng nghĩa với giá 100 ngàn đồng một tháng để có chỗ chui ra chui vào.
Rồi chúng tôi tìm cách xoay xở vay vốn bán rau củ quả. Buổi chiều hai vợ chồng chia nhau đạp xe vào vườn nhà nông dân mua rau củ họ thừa để buổi sáng hôm sau mang ra chợ bán.
Tôi không nói mình chăm chỉ, nhưng không giàu thì phải lăn lộn ra đường mưu sinh. Thật may, ông trời cũng thương, hai vợ chồng tôi từ những người mua đầu chợ, bán cuối chợ bây giờ là chủ vựa rau củ quả, có hai xe tải, có đất đai...
Có thời điểm, trong một năm mà tôi mua liền bốn mảnh đất. Mảnh đầu tiên và mảnh thứ hai, tôi mua của người em họ vỡ nợ vì cờ bạc. Mảnh thứ ba, thứ tư thì mua lại của bạn hàng cấn nợ... Mua đất xong, tôi đều cho xây nhà cấp bốn để làm kho chứa hàng, hoặc cho thuê lại.
Sau khi đọc bài Đổ lỗi 'người trẻ giết chết bất động sản', tôi thấy mình tội lỗi quá. Sở dĩ nói như vậy vì theo lý luận đó, dường như tại vì tôi sinh ra trước, trưởng thành trước nên có ưu thế mua nhiều đất, làm cho người trẻ không còn cơ hội mua nữa vậy.
Nhưng sự thật là tôi giúp ba người có tiền trả nợ, mua vật liệu xây dựng, thuê thợ xây, phụ hồ làm nhà...
Nhưng nếu tôi làm ăn thất bại, vẫn ở trong túp lều gần chợ, thì mọi người sẽ khinh thường tôi và gia đình. Người Việt có câu, không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời.
Cũng có thể con cái tôi làm ăn thất bại, phải bán hết tài sản cha mẹ chúng tích góp. Nhưng đồng thời, nhiều bạn trẻ phấn đấu, ăn học đến nơi đến chốn hay kinh doanh thành công mua được nhiều nhà, đất thì sao?
Đặng Văn Tuấn
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.