Từ tháng 7 năm ngoái, Jongchul Lee sống trong túp lều nhỏ trên con phố ở trung tâm Seoul. Người cha này tiếp tục cuộc chiến đòi công bằng và câu trả lời cho cái chết của cậu con trai Minwoo Lee. Minwoo là một trong số những nạn nhân phải bỏ mạng ngoài khơi khi phà Sewol chở quá tải bị đắm trên đường từ thành phố Incheon tới đảo Jeju.
16/4/2014 mãi là ngày Jongchul không bao giờ quên. Hôm ấy, con trai anh cùng nhiều bạn học khác tham gia chuyến du lịch của nhà trường. Đó cũng là chuyến đi cuối cùng của cậu bé. Phà bị nghiêng rồi nhanh chóng chìm ở ngoài khơi tây nam Hàn Quốc. Trong tổng số 476 người có mặt trên phà chỉ có 172 người được cứu sống. 7 ngày sau thảm kịch, thi thể của Minwoo mới được tìm thấy. Lúc trông thấy xác con, Jongchul thậm chí không thể nhận ra Minwoo Lee ngày nào.
"Thi thể cháu bị dầu bao phủ. Trên má Minwoo còn có một vết xước. Chân, tay nó duỗi thẳng đơ", Jongchul kể. "Minwoo chết bên trong phà nên cháu bị giảm trọng lượng và trông chỉ còn da bọc xương. Chiều cao của con trai tôi cũng thay đổi. Thật khó để nhận ra Minwoo khi lần đầu tiên tôi gặp lại con. Nhưng nhìn vào đôi mắt, tôi biết đó là con trai mình".
Người cha 48 tuổi này vẫn tin chính phủ Hàn Quốc chưa nỗ lực hết mình, cả ngay khi thảm kịch xảy ra và nhiều tháng sau đó. Jongchul không đơn độc với suy nghĩ này.
Hàng chục gia đình khác cũng dựng trại ở quảng trường Gwanghwamun để gây sức ép với chính phủ buộc họ phải hoàn thành nhiệm vụ trục vớt chiếc phà và điều tra xem chuyện gì đã xảy ra.
Một bản kiến nghị cũng được đưa ra với năm mục tiêu chính là tìm thi thể của 9 nạn nhân vẫn mất tích, nâng phà lên mà không làm hư hại nó, điều tra nguyên nhân thảm kịch, trừng trị những người chịu trách nhiệm và xây dựng một xã hội an toàn hơn. Nhiều người nhà nạn nhân từ chối nhận tiền bồi thường và cho rằng vấn đề tiền nong chỉ là thứ yếu, xếp sau những vấn đề nêu trên.
"Chúng tôi không hiểu tại sao chính phủ để phà lại. Chúng tôi đang thu thập chữ ký ủng hộ việc nâng phà đắm lên", Chulhan Kim, tình nguyện viên của nhóm đưa ra bản kiến nghị, cho biết. "Người nhà nạn nhân không cần tiền hay bất cứ khoản bồi thường nào. Những gì họ muốn là biết được nguyên nhân tại sao nhiều người thiệt mạng từ thảm kịch đó và tại sao công tác cứu hộ lại diễn ra quá chậm chạp".
Mutimedia: Thảm họa chìm phà Sewol
Cùng chung nỗi đau với ông bố Jongchul, Kyunghee Yoon mất con gái và cháu gái trong vụ chìm phà Sewol. Người mẹ này đang tích cực phản đối việc trả tiền bồi thường chóng vánh trước khi nhận được câu trả lời thỏa đáng từ nhà chức trách. Gia đình Kyunghee tổ chức lễ tang trong nhiều ngày liên tiếp vào tháng 4 năm ngoái. Sáu ngày sau khi phà đắm, thi thể Siyeon Kim, con gái Kyunghee, được tìm thấy.
"Giờ không phải lúc nói tới tiền bồi thường vì vẫn còn nhiều người mất tích. Tôi đã có 6 ngày khó khăn nên tôi không thể tưởng tượng được người thân của 9 người vẫn chưa được tìm thấy sẽ thế nào", Kyunghee chia sẻ.
Theo Kyunghee, không có sự hỗ trợ nào từ phía chính phủ. Tại thời điểm phà đắm, Tổng thống Park Geun-hye hứa với họ rằng dù chỉ còn một người trên phà, bà ấy cũng sẽ cứu họ. Ủy ban điều tra được thành lập hồi tháng trước vẫn chưa bắt đầu công việc do bế tắc chính trị ở Seoul. Nhiều người lo ngại chính phủ có thể can thiệp vào quá trình điều tra.
Giới chức Hàn Quốc đổ lỗi cho sự xao lãng của thuyền trưởng và thủy thủ đoàn cùng việc cứu hộ chậm chạp hành khách trên phà đã gây nên thảm kịch. Phà Sewol bị nghi chở quá tải với 3.608 tấn hàng hóa, trong khi mức cho phép là 987 tấn.
Thuyền trưởng phà và các thuyền viên bị cáo buộc nhiều tội danh khác nhau, từ xao lãng trách nhiệm cho đến giết người. Khi bị xét xử, họ nói rằng lực lượng tuần duyên mới là bên chịu trách nhiệm sơ tán hành khách. Đoạn phim ghi lại cảnh thuyền viên thoát thân, bỏ mặc hành khách mắc kẹt trên phà, gây phẫn nộ cho dư luận khắp Hàn Quốc.
Chính phủ của Tổng thống Park cũng gặp nhiều chỉ trích về việc xử lý chậm và cứu hộ thiếu hiệu quả. Một tháng sau thảm kịch, bà Park tuyên bố giải tán lực lượng tuần duyên và sắp xếp lại các hoạt động cứu hộ.
Hàng trăm người dân Hàn Quốc tối 13/4 cùng tập trung ở quảng trường Gwanghwamun giữa thời tiết giá lạnh và mưa dai dẳng để cầu nguyện cho các nạn nhân, đồng thời hy vọng 9 người mất tích sẽ được tìm thấy.
Khu vực tưởng nhớ nạn nhân đầy những biểu ngữ viết tay, áo đồng phục cũ, ảnh lớp học và những đồ vật cá nhân. Chân dung của từng nạn nhân được chiếu sáng nhờ nến. Những người tới thăm đều đặt hoa và châm nén hương trước từng di ảnh. Một loạt các sự kiện tưởng nhớ đánh dấu một năm thảm kịch phà Sewol sẽ được tổ chức khắp Hàn Quốc vào ngày 16/4 này.
Bình Minh