Sau thảm kịch ngày 16/4/2014 làm 304 người thiệt mạng, trong đó có các học sinh trường trung học Danwon, nhiều bậc phụ huynh vẫn giữ nguyên phòng ngủ của các con mà không nỡ bỏ đi bất cứ vật kỷ niệm hay đồ dùng hàng ngày nào. Thú nhồi bông, sách vở và áo quần vẫn nằm ngổn ngang ở phòng của nhiều học sinh. Các em gặp nạn ở đảo tây nam Jindo, khi đang đi dã ngoại bằng phà Sewol.
Từ chiếc máy tính Dong-huyk hay chơi game, một chiếc máy trị dị ứng da đến chiếc máy nghe nhạc MP3 được tìm thấy trong tay đứa con trai đã mất, ông Kim Young-lae đều không thể vứt bỏ.
Ngoài việc di chuyển chiếc giường, thay đổi duy nhất trong phòng là có thêm bức chân dung của cậu bé 16 tuổi.
"Thi thoảng tôi nói chuyện với nó qua ảnh", ông Kim nói, nước mắt lăn trên má. "Nhưng tôi không dám nhìn vào mắt của Dong-hyuk vì tôi vẫn còn rất đau đớn".
Một năm sau thảm kịch, nỗi tức giận và xấu hổ vẫn dâng trào trong lòng các thân nhân. Công tác điều tra vụ việc đang vướng mắc những tranh cãi chính trị, trong khi công chúng yêu cầu chính phủ nâng con phà và tìm kiếm nốt 9 thi thể vẫn đang mất tích.
Thông điệp cuối cùng của Dong-hyuk được quay lại trên điện thoại của một người bạn, cho thấy cảnh hỗn loạn vào những phút trước khi cậu bé thiệt mạng.
"Mình phải nói một lời cuối trước khi chết: bố và mẹ, con yêu hai người", Dong-huyk, đang mặc áo phao cứu sinh, nói trong điện thoại khi phà Sewol chìm xuống. Giới chức phát hiện phà chở quá tải, gây mất cân bằng, và công tác cứu hộ diễn ra yếu kém.
Ông Kim, một thợ hàn, nói rằng ông đã định tự tử sau cái chết của con trai. Gia đình tính giữ lại những đồ dùng của Dong-hyuk, nhưng chiếc giường trống khiến họ không thể kìm nổi lòng.
"Ông ấy đã bảo một người thân vứt chiếc giường của Dong-hyuk đi trước khi từ đảo Jindo trở về nhà vì ông ấy cảm thấy không thể bước nổi vào nhà nếu chiếc giường vẫn còn ở đó", mẹ cậu bé kể.
Anh Ngọc