Thứ bảy, 1/10/2022, 08:26 (GMT+7)

Một năm hồi sinh của kinh tế TP HCM

Sau một năm mở cửa, doanh nghiệp, hàng quán hoạt động nhộn nhịp, loạt chỉ số kinh tế của thành phố phục hồi nhanh hơn dự kiến dù vài tổn thương vẫn còn.

Tối 30/9 - một năm sau ngày TP HCM quyết định dỡ phong toả - các hàng quán dọc con đường Bùi Viện, quận 1, tấp nập khách Tây. Bên trong các quán ken cứng người đang ăn uống, nói cười rôm rả. Đây là một trong những tuyến phố đi bộ sầm uất với nhiều quán ăn, nhà hàng nhất thành phố.


Không khí này khác hẳn cảnh "cửa đóng, then cài" cùng các chồng ghế chất đống, bám đầy bụi của một năm trước khi cả thành phố thực hiện giãn cách. "12 tháng nay, chúng tôi thật sự đã sống lại", chủ một quán ăn trên đường Bùi Viện bộc bạch.

Nhiều nơi khác như chợ Bến Thành, các trung tâm thương mại lớn của thành phố hiện cũng nhộn nhịp khách mua bán. Mọi hoạt động giao thương trên toàn địa bàn đã thực sự hồi sinh.

"Sống lại" cũng là từ mà ông Đoàn Hào Hiệp, CEO Eurostone, nhà phân phối các thương hiệu đá ốp lát nhân tạo cao cấp chọn để nói về một năm qua. "Quyết định dỡ bỏ giãn cách giúp chúng tôi như được tái sinh, giải tỏa lo ngại về tình hình công ty, nhân sự và khách hàng. Đó là động lực để vực dậy và tiếp tục chiến đấu", ông Hiệp nói.

Với Tổng giám đốc Công ty Hóa mỹ phẩm Mỹ Hảo, Lương Vạn Vinh khi nhớ lại ngày 30/9/2021 - thời điểm TP HCM công bố dỡ giãn cách, từng bước mở cửa nền kinh tế - vẫn rất bồi hồi. "Lúc đó, chúng tôi vui lắm", ông Vinh nói.

Hơn 30 năm xây dựng sự nghiệp trên mảnh đất này, 4 tháng giãn cách với ông là trải nghiệm khó quên trong đời. Đó là những ngày bản thân ông vừa có giai đoạn nằm viện vì nhiễm Covid-19, vừa chứng kiến người lao động vất vả "3 tại chỗ".

Giờ mọi thứ đã sang trang. Một năm qua, hàng trăm công nhân của công ty ông Vinh không còn phải sản xuất, ăn ngủ chung trong một không gian gò bó xa nhà, gần 500 nhân viên kinh doanh cũng tự do đi lại mà không cần xin giấy đi đường hay làm việc từ xa. "Được ra đường, được thuận tiện, tự do kinh doanh, kết nối giao thương là rất hạnh phúc", ông Vinh nói.

Thành phố từng bước phục hồi

Covid-19 và nhất là 4 tháng cao điểm giãn cách để lại một vết thương lớn cho đầu tàu kinh tế đất nước. Vào thời điểm kết thúc tháng 9/2021 - trước khi mở cửa lại kinh tế - lần đầu tiên trong lịch sử, tốc độ tăng trưởng GRDP quý III của TP HCM giảm hơn 24% so với cùng kỳ 2020, kéo tốc độ tăng trưởng cả năm 2021 âm 6,78%.

Thiệt hại vì dịch cho cả hai năm 2020 và 2021 vào khoảng 273.000 tỷ đồng - tương đương 11,9 tỷ USD. Dù bước ra khỏi giãn cách với đổ vỡ ngổn ngang, thành phố vẫn đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% cho năm nay, trong bối cảnh phải tiếp tục kiểm soát dịch bệnh.

Ngay khi được trở lại đường đua, sự năng động vốn có của nền kinh tế dần hồi sinh một cách tự nhiên. Tốc độ hồi phục thậm chí nhanh hơn dự kiến ban đầu. Chỉ mất 9 tháng để biểu đồ tăng trưởng GRDP hoàn thiện hình chữ V.

Biểu đồ tăng trưởng GRDP các quý so với cùng kỳ của năm trước.

"Kinh tế thành phố đã cơ bản hồi phục, đánh dấu sự tăng trưởng bằng loạt mốc kỉ lục mới của ngành công nghiệp", nhóm chuyên gia dẫn đầu bởi TS Phạm Thị Thanh Xuân nhận định trong "Báo cáo Kinh tế vĩ mô TP HCM quý III/2022" do Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP HCM vừa phát hành.

Tính chung 9 tháng đầu năm nay, kinh tế thành phố tăng trưởng khá cả về công nghiệp, thương mại, dịch vụ, nông nghiệp. Từ mức âm 6,78% năm 2021, tăng trưởng 9 tháng của thành phố đạt 9,71%. Tổng thu ngân sách trên 90% dự toán, tương đương gần 350.000 tỷ đồng. UBND TP HCM đánh giá, "kinh tế tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh".

Công ty Giải pháp Ưu Việt (UVS), một đơn vị chuyên cung cấp các thiết bị nội thất vệ sinh cao cấp nhập khẩu, cho biết một năm qua, họ đã làm mới lại showroom tại quận 7 và nâng cấp showroom ở quận 2. Công ty cũng đang trong quá trình phát triển 2 ngành hàng mới để đón đầu xu hướng...

Với Công ty Eurostone, dù định hướng là phát triển toàn quốc nhưng những ngày này, ông Đoàn Hào Hiệp cho biết vẫn ưu tiên hoạt động tại thị trường TP HCM - nơi đã làm nên tên tuổi của công ty trong ngành đá xây dựng. Theo đó, Eurostone sẽ kinh doanh các sản phẩm đá thạch anh nhân tạo cao cấp do chính họ sản xuất và phân phối .

"Đây là nơi luôn năng động, cởi mở và dễ dàng tiếp nhận cái mới. Tôi nhận thấy kinh tế thành phố đã hồi phục một cách ngoạn mục với sự tăng trưởng mạnh của các đơn vị bán lẻ, nhất là ngành tiêu dùng", ông Hiệp nói.

Theo báo cáo của Cục thống kê, 9 tháng qua, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tại thành phố đạt hơn 800.000 tỷ đồng, tăng gần 26% so với cùng kỳ năm ngoái.


Từ hàng ăn uống đến cửa tiệm bán lẻ, mặt bằng dần được thuê mướn lại. Có hơn 26.000 doanh nghiệp dịch vụ, tiêu dùng thành lập mới trong 3 quý đầu năm, tăng gần 46% so với cùng kỳ. Điều này phần nào cho thấy sức mua quay lại.

Bà Trần Kim Nga, Giám đốc Đối ngoại hệ thống siêu thị MM Mega Market cho biết 8 tháng đầu năm nay tăng trưởng khá tốt. "Nhóm khách hàng chuyên nghiệp của hệ thống HoReCa (khách sạn, nhà hàng, cantin) nhờ được hoạt động lại nên doanh số tăng trưởng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước. "Với khách hàng hộ gia đình có sự tăng trưởng nhẹ hơn, khoảng 10% do MM vẫn mở cửa phục vụ họ trong suốt mùa dịch", bà Nga nói.

Ngay cả với những nhà bán lẻ chưa hiện diện vật lý ở đây như Sakuko Việt Nam, sự hồi sinh của sức mua tại thành phố vẫn dễ dàng cảm nhận được trên các kênh kinh doanh online. "Đây là thị trường sôi động đối với các đơn vị bán lẻ hàng tiêu dùng. Chúng tôi cực kỳ lạc quan với lộ trình mở rộng mạng lưới kinh doanh, gia tăng độ phủ tại đây", bà Cao Thị Dung, CEO Sakuko Việt Nam, bày tỏ.

Hiện chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) của thành phố cũng tăng liên tục. Nếu như tháng 6, IPP chỉ tăng 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái, sang tháng 8 và 9, lần lượt đạt mức 104% và gần 90%.

Tính chung 9 tháng, IIP ước tăng 19,6% so với cùng kỳ 2021, trong đó bốn ngành công nghiệp trọng yếu (gồm sản xuất hàng điện tử; hóa dược - cao su - nhựa; chế biến lương thực, thực phẩm, đồ uống; cơ khí) ước tăng 24,4%.

"Ông trùm cà pháo" Nguyễn Lê Quốc Tuấn, Tổng giám đốc Sông Hương Foods cho biết, các sản phẩm thực phẩm đóng gói của công ty ông vốn được tiêu thụ mạnh trong dịch nên có đà tăng tốc sau giãn cách khi hàng hóa thông thương thuận tiện hơn.

"Khách hàng quay lại mua tiếp, cộng với việc chúng tôi có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hơn trước nên doanh số tăng trưởng cao", ông Tuấn nói.

Đầu tư và xuất khẩu của TP HCM tiếp tục cải thiện. Trong 9 tháng đầu năm, thành phố thu hút khoảng 2,97 tỷ USD, tăng hơn 26% so với cùng kỳ. Theo quan sát của các chuyên gia, dòng vốn FDI cũng có bước dịch chuyển tích cực, từ đầu tư hình thành nhà máy gia công sang các dự án cung ứng dịch vụ công nghệ cao.

Một số chỉ tiêu khác cũng tiến triển tốt. Tổng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp thành phố qua cửa khẩu cả nước 9 tháng đầu năm ước đạt hơn 35 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ tăng 0,31%). Tinh thần khởi sự kinh doanh cũng tăng cao. 9 tháng qua, thành phố đã cấp phép gần 33.000 doanh nghiệp, tăng gần 47% so cùng kỳ...

Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hoài, Đại học Kinh tế TP HCM, cho rằng kinh tế thành phố đã gần như bình thường trở lại ở mọi lĩnh vực. "Dù Covid-19 làm tê liệt mọi hoạt động trước đó nhưng giờ đã phục hồi gần như hoàn toàn", ông Hoài nhận định.

Mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên đánh giá kinh tế địa phương "đã phục hồi nhanh, khá đồng bộ và tương đối toàn diện". Còn bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch Hội đồng Nhân dân TP HCM, nhận định sự phục hồi này "sớm hơn kỳ vọng".

Những trụ cột còn yếu

Dù các chỉ số chung đang phục hồi tích cực, TP HCM vẫn có một số trụ cột còn yếu. Chẳng hạn ở lĩnh vực sản xuất, một số ngành như sản xuất tủ, bàn ghế, dệt may... hiện vẫn khó khăn.

Cuối tháng 9, theo ghi nhận của Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM (Hawa), tình trạng thiếu đơn hàng và giảm giờ làm chưa khắc phục được. Ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Hawa nhận định, chỉ nhóm FDI có đủ đơn hàng trở lại, còn các nhà sản xuất khác duy trì được 40-60% công suất.

"Bức tranh hiện tại phản ánh việc doanh nghiệp trong nước hoàn toàn bị động trước những biến chuyển của thế giới. Mô hình sản xuất gia công - OEM khiến doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào 'sức khoẻ' của các thương hiệu quốc tế", ông Khanh nói.

Ông Phạm Quang Anh, Nhà sáng lập kiêm CEO Công ty May mặc Dony cũng cho hay, từ tháng 7 đến nay, ngành dệt may lao đao vì sụt giảm đơn hàng. Lúc này, công ty ông đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng, đối tác cũng như mở rộng thị trường mới.

Lãnh đạo và công nhân làm việc tại xưởng công ty may mặc Dony, quận Tân Bình, TP HCM sau khi dỡ giãn cách. Ảnh: Quỳnh Trần

Theo Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài, nhìn chung 90% các khu công nghiệp ở thành phố đã quay về mức độ sản xuất như bình thường. Một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giày, đồ gỗ chưa hồi phục hoàn toàn là dễ hiểu. "Thị trường Âu, Mỹ mở cửa sau dịch chậm vào năm ngoái và hiện mức sống bị ảnh hưởng nên nhu cầu giảm", ông Hoài đánh giá.

Cũng do ảnh hưởng điều kiện kinh tế thế giới nên mảng dịch vụ, du lịch của thành phố tuy hồi sinh "vẫn còn xa phong độ trước dịch".

Cục thống kê TP HCM cho biết 9 tháng đầu năm nay, doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 4.715 tỷ đồng. So với trước dịch, con số này chưa bằng một phần ba (doanh thu 8 tháng đầu năm 2019 là 18.402 tỷ đồng). Ông Ngô Minh Đức, Thành viên Hội đồng tư vấn Du lịch quốc gia, Chủ tịch HG Holdings - đơn vị sở hữu nền tảng Gotadi BTM - nói rằng chỉ cần nhìn người đánh giày và đạp xích lô còn ít ở TP HCM cũng hiểu khách quốc tế quay lại thành phố chưa nhiều.

Đây cũng là cái khó chung của ngành du lịch Việt Nam. Nguyên nhân đến từ nhiều yếu tố, trong đó một phần do kinh tế thế giới suy yếu vì lạm phát tăng cao, xung đột Ukraine. Các thị trường có lượng khách lớn đều gặp khó khăn riêng. Khách Trung Quốc chưa quay lại. Tại châu Âu, khủng hoảng năng lượng khiến người dân cẩn trọng chi tiêu hơn, euro mất giá cũng khiến vé máy bay Việt Nam - châu Âu tăng gần gấp đôi.

"Trong lộ trình hồi phục, ngành kinh tế không khói này là ‘điểm chờ’ trong bức tranh tổng thể, chậm sau vài nhịp so với các ngành khác, chữa dần các vết thương vốn rất sâu do Covid-19 gây ra", nhóm chuyên gia Đại học Kinh tế - Luật, nhận định.

Một điểm nghẽn khác của thành phố cũng đang diễn biến song song với tình hình chung cả nước là đầu tư công. Theo ước tính của UBND TP HCM, 9 tháng qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn đạt 26% kế hoạch năm, thấp hơn mức trung bình cả nước.

"Quyết tâm của chính phủ và lãnh đạo địa phương đều có nhưng vẫn cần thêm cam kết triển khai của hai bên", Giáo sư Hoài nêu ý kiến. Theo ông, lãnh đạo thành phố quyết tâm, các sở ban ngành bên dưới cũng phải nỗ lực chủ động hơn nữa. Hoặc có thể nghiên cứu thêm cơ chế nào đó để đảm bảo sự linh hoạt, sáng tạo cho thành phố trong việc giải quyết các điểm nghẽn cơ sở hạ tầng.

Tương lai nhiều thách thức

Các chuyên gia lẫn doanh nghiệp cho rằng tương lai kinh tế của TP HCM vẫn tươi sáng, nhưng bất lợi cũng đang nổi lên và cần theo dõi. Theo nhóm nghiên cứu Đại học Kinh tế - Luật, quý III có thể đã là đỉnh tăng trưởng của 2022, triển vọng quý IV không lạc quan vì các yếu tố tạo áp lực chiếm ưu thế.

Trong đó, các doanh nghiệp ngành sản xuất, xuất - nhập khẩu kém lạc quan hơn. Các nguồn nguyên liệu và thị trường lớn trên thế giới đều vẫn bất ổn. Khủng hoảng năng lượng ở châu Âu, lạm phát tại Mỹ và nhiều nền kinh tế phát triển, xung đột Ukraine leo thang, Trung Quốc vẫn cứng rắn chống dịch...đều tạo ra những tác động nhất định.

"Sản phẩm của chúng tôi chủ yếu nhập từ các nước châu Âu. Vì vậy, công ty lo ngại tình hình chiến sự và xung đột của các quốc gia sẽ ảnh hưởng đến việc nhập nguyên liệu đầu vào và khó khăn về vận chuyển", ông Đoàn Hào Hiệp, CEO của Eurostone nói.

Nhiều chuyên gia quốc tế đang dự báo về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Ông Lương Vạn Vinh cho hay, sau dịch, nguyên liệu đầu vào tăng 30-40%, một phần do chiến sự. "Đầu vào tăng nhiều nhưng tôi tăng không bao nhiêu nên còn khó khăn. Chưa kể giá USD giờ tăng quá cao. Một số bạn bè khác ngành của tôi, ngày trước làm quanh năm không nghỉ, giờ một tuần chỉ sản xuất 4-5 ngày", ông Vinh cho biết.

Tuy nhiên, với diễn biến đến hiện tại, Tổng cục Thống kê dự báo GRDP năm nay của thành phố có thể tăng 9,44% (năm 2021 giảm 6,78%). Điều này cũng đồng nghĩa, cả năm nay, mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% là chắc chắn vượt qua. Hiệu ứng tích cực của tiêu dùng và dịch vụ có thể kéo dài sang quý IV, bù đắp cho những khó khăn hiện hữu ở khu vực công nghiệp.

Bán lẻ đang kỳ vọng vào mùa Tết trong khi du lịch quốc tế chờ cải thiện thêm nhờ mùa du lịch cuối năm vào tháng 11 và 12.

Giáo sư Nguyễn Trọng Hoài cho rằng, thời gian tới, TP HCM cần củng cố 4 trụ cột cơ bản để nâng cao sức khỏe nền kinh tế, vừa duy trì đà phục hồi vừa sẵn sàng chống chịu những biến số bất ngờ của kinh tế toàn cầu.

Thứ nhất, trọng tâm vẫn là an toàn - an sinh xã hội cho những người sinh sống tại đây. Cần đầu tư nhiều hơn cho lĩnh vực y tế vì nó là xương sống tạo niềm tin thu hút người lao động, nhà đầu tư tìm đến.

Thứ hai, để tất cả các lĩnh vực từ công nghiệp đến dịch vụ, đổi mới sáng tạo thuận lợi phát triển cần nâng cao hệ sinh thái quản trị. Theo đó, thành phố cần số hóa tốt hơn, hành lang hành chính thông thoáng, nhanh và thân thiện hơn.

Thứ ba, muốn tăng trưởng bền vững phải giải quyết được cơ sở hạ tầng. Tiến độ các dự án chống ngập, chỉnh trang đô thị, khép kín đường vành đai 2 và triển khai vành đai 3 cần đẩy nhanh. Khi hệ thống hạ tầng hoàn thiện hơn, dòng luân chuyển hàng hóa sẽ mạnh và cạnh tranh chi phí logistics tốt hơn.

Cuối cùng là trụ cột đổi mới sáng tạo. TP HCM không thể tiếp tục đi sâu vào thâm dụng lao động mà cần những mô hình kinh tế mới dựa trên công nghệ và đổi mới sáng tạo. Cần có những chính sách khuyến khích phát triển hệ sinh thái này. Việc giảm thâm dụng lao động và thay bằng thâm dụng tri thức, công nghệ, sáng tạo mới thực sự giúp TP HCM xứng đáng là hình mẫu tiên phong về đổi mới và tăng trưởng ở Việt Nam.

Còn đối với những người làm kinh doanh như ông Lương Vạn Vinh, tương tự như Covid-19 và 4 tháng giãn cách năm ngoái, những đám mây kinh tế sắp tới cũng không làm ông chùn bước. "Mình làm sản xuất là lâu dài, vẫn phải nỗ lực duy trì phát triển. Lúc này lời ít cũng được, nhưng phải ráng vượt qua. Một hai năm sau, kinh tế trở lại bình thường, 'sau cơn mưa trời lại sáng'", ông Vinh chia sẻ.

Viễn Thông