Sở Y tế TP HCM vừa tổng kết 10 ca nguy kịch được cứu sống trong đường tơ kẽ tóc năm qua.
Chẩn đoán cấp cứu từ xa qua Viber với bệnh nhân nhồi máu cơ tim cấp
Cuối tháng 3, Bệnh viện huyện Cần Giờ tiếp nhận bệnh nhân nữ 58 tuổi bị đau ngực, khó thở và ngất. Điện tâm đồ cho thấy hình ảnh nhồi máu cơ tim cấp thành dưới. Các bác sĩ Cần Giờ đã liên hệ với Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, gửi các hình ảnh ECG qua ứng dụng viber, hội chẩn qua điện thoại.
Sau xử trí ban đầu, bệnh nhân được chuyển khẩn về Bệnh viện Nguyễn Tri Phương. Trên đường chuyển viện, các bác sĩ liên tục trao đổi qua điện thoại, cho bệnh nhân tiếp tục dùng thuốc vận mạch và theo dõi nhịp tim trên monitor. Đến nơi, bệnh nhân được can thiệp đặt stent trên động mạch vành, giúp hồi phục tốt.
Nhiều năm qua ngành y tế huyện Cần Giờ gặp nhiều khó khăn, cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng, thiếu hụt nhân viên y tế, không tuyển được bác sĩ trong nhiều năm. Bệnh viện chỉ có 17 bác sĩ nên không thể vận hành hết các chuyên khoa khi cơ sở mới của bệnh viện đi vào hoạt động ngày 26/2.
Sở Y tế TP HCM phân công Bệnh viện Nguyễn Tri Phương đã hỗ trợ toàn diện, giúp công tác điều trị Cần Giờ ngày càng tốt hơn, hạn chế để người dân phải đi xa đến các bệnh viện thành phố khám, chữa bệnh, đặc biệt các trường hợp cấp cứu trong khung giờ vàng.
Báo động liên viện cứu người đa chấn thương nặng
Nam thanh niên sinh năm 1992, đang lưu thông trên đường thì bị xe container đụng, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Quận 2 tháng 5. Xác định tình trạng nặng, bệnh viện kích hoạt báo động đỏ liên viện, nhanh chóng sơ cứu và chuyển đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định.
Nhận được cuộc gọi, các bác sĩ Gia Định chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu. Các bác sĩ nhiều chuyên khoa có mặt tại phòng mổ, chờ sẵn bệnh nhân để xử trí khẩn cấp. Người bệnh hôn mê, sốc mất máu, nhiều vết thương dập đứt khắp cơ thể, lộ màng phổi, nứt sàn sọ, dập não trán...
Sau 130 phút phẫu thuật, các bác sĩ đã khống chế được tình trạng chảy máu và đưa bệnh nhân ra khỏi tình trạng nguy hiểm, dần dần phục hồi và xuất viện sau 14 ngày điều trị. Việc phối hợp nhịp nhàng, chuẩn bị sẵn sàng nhờ sự báo động đỏ từ trước là yếu tố quan trọng góp phần cứu sống bệnh nhân.
Dùng robot cứu sống người bị xuất huyết não
Nữ bệnh nhân 62 tuổi cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 ngày 16/6 với chẩn đoán xuất huyết não ngày 2, tăng huyết áp. Lúc vào viện bệnh nhân đã hôn mê, liệt nửa người trái. Bác sĩ quyết định phẫu thuật lấy máu tụ bằng phương pháp xâm lấn tối thiểu với sự hỗ trợ của robot Modus V Synaptive, sử dụng ống "brain path" để lấy khối máu tụ.
Phương pháp cũ giải ép kèm lấy khối máu tụ, người bệnh phải trải qua ca phẫu thuật lớn, thời gian mổ kéo dài, đường mổ lớn, mở nắp sọ rộng, dễ để lại di chứng. Phẫu thuật xuất huyết não bằng hệ thống robot mang đến sự chính xác, kiểm soát tốt ổ máu tụ, giúp giảm thiểu nhiều các tổn thương não.
Bệnh viện cấp quận can thiệp tim mạch cứu người ngưng tim
Tối 10/7, Bệnh viện Quận Thủ Đức tiếp nhận bệnh nhân 69 tuổi trong tình trạng huyết áp tụt, mạch chậm. Bác sĩ chẩn đoán nhồi máu cơ tim thành dưới thất phải giờ thứ nhất, diễn tiến nặng do nhịp tim chậm.
Ngay sau nhập viện, bệnh nhân bị ngưng tim. Các y bác sĩ hồi sinh tim phổi trong 2 phút, đặt nội khí quản bóp bóng giúp thở. Sau đó các bác sĩ quyết định sử dụng thiết bị tạo nhịp qua da để đảm bảo tần số tim, giữ được tính mạng bệnh nhân tạm thời đến khi tái thông dòng chảy nhánh động mạch vành thành công. Sau 6 ngày điều trị, bệnh nhân hồi phục và xuất viện khỏe mạnh.
Điều bác sĩ liên viện cứu sản phụ đột ngột hôn mê
Tối 13/9, thai phụ 35 tuổi trải qua ca sinh mổ bắt con tại Bệnh viện huyện Bình Chánh. Khi cuộc mổ đang diễn tiến bình thường, sản phụ đột ngột hôn mê sâu, ngưng thở. Các bác sĩ sơ cấp cứu và kích hoạt báo động đỏ Bệnh viện Hùng Vương kịp thời đến xử trí.
Nguyên nhân đột ngột hôn mê của sản phụ được xác định là ngộ độc thuốc tê, may mắn được can thiệp kịp thời nên thoát chết.
Giành sự sống cho cháu bé bị xe container cán ngang người

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trực tiếp đẩy băng ca đưa bệnh nhân vào phòng cấp cứu hôm 20/9. Ảnh: Minh Gia.
Bé gái 11 tuổi từ Long An đến cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Thành phố trưa 20/9 trong tình trạng xanh xao, tím tái, sốc nặng, rối loạn tri giác lơ mơ, hôn mê. Trước đó 2 giờ, bé đi xe đạp bị xe container đụng, cán bánh xe lên người gây vỡ toác vùng chậu.
Các bác sĩ báo động đỏ, đặt nội khí quản giúp thở, truyền dịch truyền máu chống sốc, điều chỉnh rối loạn điện giải, cầm máu vết thương. Sau 15 phút, bệnh nhi vừa tiếp tục được hồi sức vừa chuyển đến phòng mổ. Sau 6 giờ phẫu thuật nhiều cam go, kíp mổ xử trí thành công các tổn thương, giành lại sự sống kịp thời cho bé.
Vi phẫu hồi sinh bàn tay đứt lìa của bé trai
Bé trai chưa tròn 12 tháng tuổi được chuyển từ Đồng Tháp đến Bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP HCM nửa đêm 28/9. Bé bò đến chơi gần chiếc xe máy mới mua đang nổ máy chạy rô đa, đặt tay vào dây sên gây vết thương đứt lìa bàn tay trái và hai ngón của bàn tay phải. Vết thương bầm dập, bẩn do bám nhiều dầu nhớt.
Bệnh viện kích hoạt báo động đỏ, huy động bác sĩ từ nhiều chuyên khoa trong đêm khuya. Ca phẫu thuật bắt đầu lúc 2h35 ngày 29/9, kết thúc sau hơn 8 giờ căng thẳng. Kíp mổ cắt lọc rửa vết thương, lần lượt nối các động mạch, tĩnh mạch, dây thần kinh và các gân gấp... bằng kỹ thuật siêu vi phẫu trên bệnh nhi có mạch máu khâu nối rất nhỏ.
Sau mổ 10 ngày, bệnh nhi ăn uống tốt, không sốt, không có dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc. Bàn tay trái của bé hồi phục, các ngón tay hồng hào trở lại.
Bé gái ngưng tim ngay cổng bệnh viện
Xe cứu thương từ Bình Thuận dừng bánh tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 ngày 25/10, cũng là lúc nhịp tim bé gái 12 tuổi ngưng đập. Bé được các bác sĩ khẩn trương đặt nội khí quản giúp thở, xoa bóp tim ngoài lồng ngực, dùng thuốc kích thích tim hoạt động lại.
Các bác sĩ tim mạch sau đó đặt máy tạo nhịp tạm thời, trong khi kíp hồi sức dưới sự hỗ trợ của đồng nghiệp từ Bệnh viện Chợ Rẫy cho bé thở bằng kỹ thuật tuần hoàn ngoài cơ thể (ECMO). Một giờ sau, tim của bé đập lại và tình trạng huyết động cải thiện hơn.
Sau 6 ngày chạy tuần hoàn ngoài cơ thể và lọc máu liên tục, tình trạng viêm cơ tim ổn định dần, chức năng co bóp cơ tim tốt. Bé được cai ECMO và sau đó xuất viện khỏe mạnh. May mắn là dù ngưng tim một thời gian đáng kể, bé không bị di chứng.
Phát hiện kịp sa dây rốn ngăn biến chứng ngạt bé sơ sinh
Sản phụ 28 tuổi nhập Bệnh viện huyện Củ Chi ngày 27/10 với chẩn đoán con so, thai 37 tuần, ngôi đầu, báo chuyển dạ. Trong quá trình theo dõi sinh, sản phụ được thăm khám và theo dõi tim thai thường xuyên, diễn tiến bình thường.
Sáng 28/10, sản phụ đột ngột vỡ nước ối tự nhiên, lượng vừa, màu trắng đục, không ghi nhận phần dây rốn trong âm đạo. Khoảng 2 phút sau khi ối vỡ, đột ngột tim thai giảm sâu. Nhận định suy thai cấp diễn tiến nhanh, các bác sĩ nghĩ nhiều đến sa dây rốn bên, một tình trạng không phát hiện được qua khám âm đạo và không dự phòng được.
Bác sĩ lập tức kích hoạt báo động đỏ, chuyển sản phụ đến phòng mổ, kíp hồi sức nhi sẵn sàng. Em bé được bắt ra nhanh chóng với dây rốn nằm ép chặt giữa đầu bé và thành trên tử cung. Bé được cắt dây rốn và chuyển nhanh sang bàn hồi sức, không ghi nhận dị tật bất thường hay các dấu hiệu thiếu oxy não. Trong lúc bé được chăm sóc sau sinh, ủ ấm, các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật cho mẹ. Sau mổ tình trạng mẹ và bé hồi phục tốt và xuất viện ngày 7/11.
Cấp cứu kịp thời không bị ngạt do sa dây rốn là điều nhiều bệnh viện sản xử trí thường quy, nhưng ca này tạo được dấu ấn bởi diễn ra tại Bệnh viện huyện Củ Chi. Nhiều năm trước, bệnh viện không có bác sĩ sản, được Bệnh viện Từ Dũ hỗ trợ. Hiện các bác sĩ tuyển mới và đào tạo tại viện đảm trách tốt hoạt động chuyên môn.
Cứu sống bệnh nhi rối loạn nhịp tim bẩm sinh
Bệnh nhi 7 tháng tuổi, cân nặng 7 kg, nhập Bệnh viện Nhi đồng 1 ngày 4/12 trong tình trạng nguy kịch do loạn nhịp nhanh, tim bẩm sinh nặng. Bác sĩ chẩn đoán trẻ mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White. Đây là một dạng loạn nhịp có thể dẫn đến đột tử.
Sau khi điều trị hai loại thuốc chống loạn nhịp đều thất bại, bé được chỉ định thực hiện thăm dò điện sinh lý tim. Bác sĩ đã phát hiện ổ phát nhịp bất thường và tiến hành can thiệp đốt ổ loạn nhịp thành công, giúp bé khỏe mạnh xuất viện. Đây là trường hợp nhỏ ký nhất được can thiệp điện sinh lý tại viện.
Theo y văn, các trường hợp can thiệp tương tự trên thế giới đều thực hiện ở trẻ hơn 5 tuổi, nặng trên 15 kg.