Vợ chồng chị Đưa (tên đã đổi), 32 tuổi, ở Thăng Bình, Quảng Nam, lấy nhau nhiều năm chưa có con, đã đi chạy chữa nhiều nơi không kết quả. Tháng 7 năm ngoái, nghe tin một người ở xã Đại Phong, huyện Đại Lộc, có khả năng chữa bệnh hiếm muộn bằng tâm linh, hai vợ chồng dắt nhau đến.
"Thầy là một phụ nữ quãng 30 tuổi, nhưng lúc chữa bệnh lại nói tiếng đàn ông, nên gọi là thầy", anh Đưa kể hôm 30/6, sau khi có thông tin về một cặp vợ chồng vác bụng đi đẻ mà hóa ra bụng to vì mỡ. Chị Đưa cũng trong tình trạng như vậy, tin rằng mình có mang 8 tháng, nhưng đi siêu âm không thấy thai.
Hồi đó khi khám lần đầu, "thầy" bắt mạch rồi hỏi đi khám đâu chưa, chị Đưa nói "chưa", và được thầy chẩn đoán buồng trứng đa nang.
"Thầy nói chỉ cần ba tháng chữa thì sẽ có con vì rất nhiều người mắc bệnh như thế này đã thành công", anh Đưa nhớ lại. "Thầy dặn dò đã đến chữa bệnh thì phải tin tuyệt đối".
Nghĩ có bệnh thì vái tứ phương, hai vợ chồng đồng ý chữa bệnh bằng tâm linh, được cho loại thuốc bằng lá cây phơi khô, trông giống lá trầu không, đưa về nấu nước uống. "Tiền bạc tùy tâm, thầy không đòi hỏi", anh Đưa kể.
Ba tháng sau, thầy bắt mạch lại và thông báo chị Đưa đã có mang. "Chúng tôi xin đi siêu âm. Trước khi đi phải đến thắp hương và xin thầy một cốc nước uống. Kết quả siêu âm ở một phòng khám là có thai". Giấy tờ siêu âm lần đó anh Đưa không còn vì đã nộp cho thầy. Thầy cũng dặn nếu đi siêu âm mà không xin phép trước, thì kết quả sẽ là không có thai.
Từ tháng 10/2019 đến nay, chị Đưa tăng thêm gần 20 kg, bụng và ngực lớn lên rõ rệt. Chị có triệu chứng ốm nghén, rất sợ thực phẩm có mùi tanh. Chị cũng vô kinh từ đó.
"Nhiều lúc trong bụng đứa còn bé đạp, tôi cảm nhận rất rõ", người vợ nói và cho biết từ ngày cho là mang thai vẫn uống thuốc của thầy. Hai vợ chồng đã chuẩn bị đồ sơ sinh để chào đón đứa con.
Ngày 27/6, họ đến Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng siêu âm và xét nghiệm. Bất ngờ cho họ, kết quả khám là không có thai.
Bao năm mong mỏi có con, anh chị Đưa khó chấp nhận thực tế. "Chúng tôi biết nhiều nhà hiếm muộn đến chữa chỗ thầy đã có thai. Chúng tôi lập nhóm chat. Một người trong nhóm đã sinh con rồi mà", anh nói.
Trạm Y tế xã Bình Triều đã đến gặp vợ chồng Đưa tìm hiểu sự việc. Ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, cho biết đã giao cho Phòng Nghiệp vụ Y tế nắm bắt tình hình.
Trước đó, ngày 26/6 Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cũng thông báo tiếp nhận một phụ nữ 32 tuổi muốn nhập viện để sinh con. Đi cùng chị có nhiều người thân mang theo áo quần sơ sinh và đồ dùng. Người phụ nữ có bụng khá to, đi lại khó khăn. Bác sĩ chuyên khoa khẳng định chị không có thai cho dù siêu âm hay xét nghiệm bHCG. Đại diện bệnh viện cho biết người phụ nữ có bụng to là do béo.
Bác sĩ Lưu Quốc Khải, nguyên Trưởng Khoa Đẻ 2 Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, cho biết trong sản khoa, tiêu chuẩn để chẩn đoán một người có mang thai hay không là xét nghiệm beta hCG (xét nghiệm kiểm tra nồng độ hCG có trong máu hoặc trong nước tiểu) và siêu âm ổ bụng. Nếu hình ảnh siêu âm không có và xét nghiệm âm tính thì chắc chắn không có thai.
Việc người phụ nữ có các triệu chứng giống như mang thai thực sự, điển hình là mất kinh, bác sĩ giải thích đó là do trạng thái hoang tưởng của bệnh nhân làm ảnh hưởng đến sinh lý, kinh nguyệt.
"Bằng chứng là trong chiến tranh thế giới, rất nhiều phụ nữ châu Âu đã mất kinh do rơi vào trạng thái khủng hoảng, căng thẳng", ông cho biết.